Có thai bao lâu thì siêu âm được?

Bên cạnh vấn đề có thai bao lâu thì siêu âm được, bài viết sau đây còn giúp mẹ bầu giải đáp tất cả những vấn đề liên quan đến siêu âm, từ cột mốc siêu âm quan trọng đến lưu ý khi siêu âm.

Ngoài chế độ dinh dưỡng, luyện tập, vấn đề siêu âm thai cũng được rất nhiều người quan tâm. Có thai bao lâu thì siêu âm được? Những cột mốc siêu âm quan trọng không thể bỏ lỡ? Tất cả đều được MarryBaby cập nhật trong bài viết sau đây. Tham khảo ngay mẹ bầu nhé!

Có thai bao lâu thì siêu âm được?

Siêu âm thai là cách giúp mẹ theo dõi sự phát triển của thai nhi

Có thai bao lâu thì siêu âm được?

Theo các chuyên gia, thời điểm hợp lý cho lần siêu âm thai đầu tiên này vào khoảng tuần thai thứ 5 hoặc 6 của thai kỳ. Lúc này, thai nhi đã ổn định trong tử cung và bắt đầu quá trình phát triển. Nếu siêu âm sớm hơn, khi phôi còn nhỏ sẽ rất khó hiển thị.

Lý thuyết là vậy, nhưng thực tế, không phải mẹ bầu nào cũng đủ nhạy cảm để phát hiện các dấu hiệu mang thai sớm trong tuần đầu. Thậm chí, nhiều mẹ phải đợi đến tuần thứ 10 hoặc 12, giai đoạn gần kết thúc tam cá nguyệt thứ 1 mới biết mình mang thai. Với những trường hợp này, bác sĩ khuyến cáo mẹ nên đến bệnh viện kiểm tra ngay khi biết “tin vui”, tránh bỏ lỡ những cột mốc siêu âm quan trọng trong thai kỳ.

Cột mốc siêu âm quan trọng không thể bỏ lỡ

Theo các chuyên gia, ít nhất trong 1 thai kỳ mẹ bầu cần siêu âm 3 lần, cứ mỗi 3 tháng 1 lần. Không có khuyến cáo tối đa cho những lần siêu âm. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo mẹ bầu có thai kỳ khỏe mạnh, không gặp vấn đề bất thường nào nên hạn chế siêu âm. Chỉ những mẹ bầu có tiền sử sinh non, sảy thai… mới cần siêu âm nhiều hơn, nhưng vẫn phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ.

  • Siêu âm trong giai đoạn tuần 12-14 của thai kỳ: Không chỉ cho mẹ bầu biết chính xác tuổi thai, siêu âm trong giai đoạn này còn giúp kiểm tra độ mờ da gáy, dự đoán nguy cơ bất thường nhiễm sắc thể. Lần siêu âm này rất quan trọng, bởi nếu qua giai đoạn này, chất lỏng dư thừa sẽ được hấp thụ. Kết quả độ mờ da gáy sẽ không còn ý nghĩa.
  • Từ tuần 21 đến 24: Đây là giai đoạn các cơ quan trong cơ thể thai nhi đã bắt đầu hình thành và phát triển. Thông qua siêu âm, mẹ có thể nhìn thấy hộp sọ, cột sống, tim, phổi và tay chân của bé cưng. Ngoài ra, siêu âm trong giai đoạn này cũng giúp bác sĩ phát hiện các dị tật bất thường như sứt môi, hở hàm ếch hoặc cơ quan nội tạng dị dạng…
  • Tuần thai 30-32: Những bất thường xuất hiện muộn ở động mạch, tim hoặc não bộ có thể được phát hiện nhờ siêu âm trong giai đoạn này. Bác sĩ cũng sẽ kiểm tra tình trạng nước ối, vị trí nhau thai cũng như khả năng vận chuyển chất dinh dưỡng của dây rốn…

Cho tới hiện nay, vẫn chưa có nghiên cứu nào chứng minh tác hại của việc siêu âm thai quá nhiều. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn khuyến cáo mẹ bầu không nên lạm dụng siêu âm, bởi mắt và bộ phận sinh dục của thai nhi đặc biệt “nhạy cảm” với sóng siêu âm. Tốt nhất, mẹ bầu chỉ nên khám thai định kỳ và làm các xét nghiệm như siêu âm theo chỉ định của bác sĩ.

 

 

Những điều cần biết về siêu âm thai

Bên cạnh những thông tin về lần đầu siêu âm, hoặc những cột mốc siêu âm thai quan trọng, mẹ bầu cũng nên cập nhật thêm những thông tin “thú vị” về siêu âm thai sau đây.

  • Trước khi siêu âm 1 tiếng, bạn nên uống 1-2 ly nước lớn và nhịn tiểu. Trong 3 tháng đầu thai kỳ, thai nhi còn nhỏ nên tử cung rất dễ bị ruột che lấp. Uống nước sẽ giúp bàng quang căng ra, giúp hình ảnh siêu âm rõ nét hơn.
  • Siêu âm 2 chiều, hay còn gọi siêu âm 2D dùng để đo chiều dài, đường kính lưỡng đĩnh cũng như những chỉ số thai nhi khác để so sánh kích thước với bào thai thông thường. Trong khi đó, siêu âm 3D thường được dùng phát hiện dị tật thai nhi.
  • Siêu âm đầu dò có thể xác định thai ngoài tử cung sớm và chính xác nhất. Tuy nhiên, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để biết kỹ thuật này có phù hợp với mình hay không.
  • Không phải tất cả các trường hợp dị tật thai nhi đều có thể phát hiện bằng siêu âm.

Có thai bao lâu thì siêu âm được? – Câu trả lời còn tùy thuộc vào thời điểm bạn phát hiện mình mang thai. Nếu phát hiện sớm, bạn nên chờ đến tuần thai thứ 5 hoặc 6, khi thai nhi đã ổn định để siêu âm. Sau đó định kỳ siêu âm 1 tháng 1 lần, hoặc siêu âm vào các kỳ đặc biệt: tuần 12, tuần 21 và tuần 30.

 Theo MarryBaby

Leave a Reply

Or