Cô bé ước mơ được làm công an vì bị mẹ… bạo hành

Bị mẹ bạo hành liên tục ngay từ lúc nhỏ nên khi được lực lượng công an phát hiện, giúp đỡ và đưa vào mái ấm, cô bé đã không ngần ngại ước mơ được làm chính người đã cứu mình.

Con ước được làm công an!

– Sao con lại ước mơ vậy?

Con… con..

– Để làm gì, con có hoàn cảnh gì nói cho mọi người nghe đi.

Dạ để con có sức mạnh giúp đỡ các bạn, vì ở nhà con hay bị mẹ đánh…

Cô bé ước mơ được làm công an vì bị mẹ... bạo hành - Ảnh 1.

Bé Thảo (bìa phải) kể về ước mơ của mình.

“Con ước mơ có con gấu để ôm cho khỏi nhớ mẹ”

Câu nói hồn nhiên có phần rụt rè của Thảo khiến những người trong khán phòng chững lại. Đã được giới thiệu đôi điều về hoàn cảnh của em từ trước nhưng khi thấy bàn tay ôm bức tranh nữ công an bận quân phục xanh em vẽ và câu trả lời hồn nhiên của em, tôi không khỏi chạnh lòng.

Cô bé ước mơ được làm công an vì bị mẹ... bạo hành - Ảnh 2.

Bức tranh nữ công an của cô bé bị mẹ bạo hành từ nhỏ.

Sau khi lực lượng chức năng can thiệp hành vi bạo hành của mẹ, Thảo được đưa vào mái ấm Bà Chiểu nuôi dưỡng. Ấn tượng sâu đậm về người đã giải cứu mình nên khi tham gia cuộc thi “Cho con tình yêu thương”, cô bé chọn vẽ nữ công an nhân dân như là hình ảnh của mình trong tương lai. Nếu hiện thực hóa được ước mơ này, em sẽ có sức mạnh để giải cứu trẻ em thoát khỏi bàn tay hung ác của nạn bạo hành gia đình.

Nhiều ước mơ khác cũng trong trẻo và in đậm ký ức tuổi thơ giống Thảo. Bé Hiền ước mơ có mái ấm thật lớn rủ các bạn đến chơi cùng, vì mái ấm chỗ em ở vui lắm. Bé Phương (9 tuổi) ước làm giám đốc để kiếm tiền nuôi mẹ và anh hai. Mẹ Phương làm nghề may, sức khỏe rất yếu không lo được cho con nên hiện tại em đang ở mái ấm Bà Chiểu, trong khi anh trai thì được mái ấm Tân Bình cưu mang.

Cô bé ước mơ được làm công an vì bị mẹ... bạo hành - Ảnh 3.

Cô bé ước mơ làm đầu bếp, nấu cho cả nhà những bữa ăn thật ngon.

Con ước mơ có con gấu, để tối ôm ngủ khỏi nhớ mẹ” – tiếng bé Diễm nhỏ xíu lại khiến người lớn lặng đi. Phóng viên Nghi Anh, người đã bỏ thời gian ghi lại suy nghĩ của các em kể, mấy ngày nay ở mái ấm Diễm cứ nhắc đi nhắc lại ước mơ này.

Cô bé ước mơ được làm công an vì bị mẹ... bạo hành - Ảnh 4.

Cô bé với ước mơ có gấu để ôm ngủ cho khỏi nhớ mẹ.

Không cần gì cho mình, bé Trí, lớp 2 trường tiểu học Lương Định Của (quận 3, TP.HCM) lại dành ước mơ cho những người đã cứu vớt cuộc đời mình từ nhỏ.

Con tên là Trí, sinh năm 2008. Năm sinh của con là do các cô chú ở cơ sở khuyết tật An Phúc ghi nhận lại, khi các cô chú được ai đó giao con lúc nhóm đang còn ở tỉnh Bình Thuận. Từ đó, theo chân các cô chú nhóm người mù này, con bắt đầu đi lang bạt đó đây để bán tăm nhang, tăm bông…

Chú Trần Hữu Quang đã nhận con làm con và khai sinh con theo họ chú. Nhưng chú cũng là người mù, nên nói “khai sinh” vậy chứ con cũng không có được giấy tờ gì. Vì vậy khi con 5 tuổi, chú tìm gửi con về mái ấm, chú nói để con có cơ hội đi học. Từ đó đến nay con sống tại mái ấm, sống trong tình yêu thương mà trước đó con chưa được có.

Chỉ là con học không giỏi, con viết không hay nên con sẽ tham dự cuộc thi bằng các bức vẽ của mình. Con đang chọn lựa bức vẽ ưng ý nhất, vì con có khá nhiều mơ ước. Điều mơ ước lớn nhất của con là mong cho chú Quang và các cô chú ở cơ sở khuyết tật An Phúc được chữa lành đôi mắt, để nhìn thấy mọi thứ quanh mình. Nhưng cái này vẽ khó quá con không vẽ được…” – mong mỏi của Trí được phóng viên ghi lại.

Cô bé ước mơ được làm công an vì bị mẹ... bạo hành - Ảnh 5.

Trí đang chơi trò xếp hình cùng các bạn.

Chưa đến 20% trẻ 6 tháng tuổi được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ

Tại buổi ra mắt chương trình “Cho con tình yêu thương”, bà Lê Huyền Ái Mỹ, Tổng biên tập báo Phụ nữ TP.HCM tâm sự:

Những ước mơ từ tâm hồn trẻ không hề viển vông. Chúng bắt đầu từ thực tế, từ tình yêu thương của chúng ta, từ bữa ăn giọt sữa, từ một nền giáo dục nhân văn. Mỗi tuần chúng tôi có từ 5-7 bài báo giúp đỡ các hoàn cảnh trẻ em. Chúng tôi kết nối với cơ quan chức năng, để mỗi phóng viên là một chiến binh thật sự. Đó là trách nhiệm của một tờ báo có 43 năm tuổi. Tôi mong hành trình này sẽ không dừng lại mà phải có sự lan tỏa. Chúng ta sẽ viết tiếp những ước mơ cho trẻ“.

Cô bé ước mơ được làm công an vì bị mẹ... bạo hành - Ảnh 6.

Tại buổi ra mắt “Cho con tình yêu thương”, nhiều trẻ đã vô tư nói về ước mơ của mình.

Những đứa trẻ bình thường sẽ nói với ta về giấc mơ trở thành kỹ sư, bác sĩ, giáo viên, phi hành gia… Còn những em bé mồ côi bị bỏ rơi, ngoài những điều ấy thì khát khao của các em là được một lần nhìn thấy cha mẹ, được mẹ ôm vào lòng, được cha nâng niu vỗ về… Sự cô đơn của các em là có thật và vẫn thường trực hàng ngày. Thiếu thốn tinh thần của các em cần được lấp đầy sau những khó khăn về vật chất.

Cô bé ước mơ được làm công an vì bị mẹ... bạo hành - Ảnh 7.

Các trẻ mồ côi thiếu thốn tình thương từ nhỏ nên ước mơ đôi khi chỉ giản đơn là có một mái nhà, gia đình êm ấm.

Số liệu của Cục Trẻ em (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho biết, Việt Nam hiện có 29 triệu trẻ em. Trong số đó, có đến 156.000 trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi do nhiều nguyên nhân khác nhau như khuyết tật, kinh tế khó khăn, có thai ngoài ý muốn…

Cô bé ước mơ được làm công an vì bị mẹ... bạo hành - Ảnh 8.

Bà Lê Huyền Ái Mỹ chia sẻ thông điệp chương trình.

Còn theo kết quả một cuộc điều tra mang tầm vóc quốc gia, chưa đến 20% trẻ được bú mẹ toàn diện trong 6 tháng đầu. Rất nhiều chị em Việt phải phải lo gánh nặng mưu sinh nên việc nuôi con bằng sữa mẹ gặp khó khăn. Nhiều trẻ nếu may mắn thì được bú sữa “vú nuôi”, còn nếu không phải chịu cảnh bạ đâu sống đó.

Cách đây 38 năm, tôi bắt đầu bước chân vào khoa Nhi. Ngày nào cũng chứng kiến các bé bị mù lại thiếu sữa, vitamin A dẫn đến suy dinh dưỡng. Tôi cảm thấy trách nhiệm của mình rất nặng nề, là làm sao nâng cao tầm vóc, sức khỏe, giải quyết tình trạng suy dinh dưỡng cho trẻ em. Chúng ta mong ước giúp đỡ cho trẻ không may mắn nhưng với trẻ may mắn hơn cũng phải ước mơ cho các em được phát triển toàn diện” – Bs Đỗ Thị Ngọc Diệp, GĐ Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM nói.

Cô bé ước mơ được làm công an vì bị mẹ... bạo hành - Ảnh 9.

“Cho con tình yêu thương” mong mỏi mang lại nụ cười, sức khỏe và hạnh phúc cho trẻ.

“Cho con tình yêu thương” là dịp để người lớn trao cho trẻ nguồn yêu thương, thái độ sống biết quan tâm, chia sẻ và nguồn dinh dưỡng chất lượng cho sự phát triển thể chất của trẻ. Đó là khởi đầu cho quá trình hình thành một cách căn bản nhân cách, tầm vóc của trẻ trước khi trở thành một công dân có ích cho xã hội.

*Tên các trẻ ở mái ấm đã thay đổi

Nguồn: afamily

Leave a Reply

Or