Chuyện vui: Đừng bao giờ bảo trẻ con giữ bí mật!

Nếu bạn tâm sự với con bạn một bí mật và bảo chúng đừng nói cho ai, chẳng khác gì bạn bảo bọn trẻ hét lên với cả thế giới rằng: “Mẹ cháu có bí mật như thế này này…”.

Sau rất nhiều lần bị đưa vào tình huống không đỡ nổi, tôi kết luận rằng muốn các chàng trai bé nhỏ không bật mí bí mật thì tốt nhất không được nói gì cả.

Hôm nọ, tôi đưa hai cậu nhóc sinh đôi Bun Beo đi chơi trung tâm thương mại. Ông bà nội vốn tính hay lo, không thích cháu vào những chỗ đông người nên trước khi vào nhà tôi làm công tác tư tưởng: hai đứa không được nói đi chơi đâu nhé.

Về đến nhà, biết ngay mà, ông bà hỏi dồn dập: hai cháu đi chơi đâu về, có đông người không, có ăn gì không?… Bun Beo nghiêm túc giữ im lặng hồi lâu. Ông bà tiếp tục gặng hỏi. Thế là các chàng kêu ầm lên: “Mẹ cháu dặn rồi, không được nói gì cả!”.  Có kẻ đang nấu cháo trong bếp xấu hổ đỏ hết cả mặt khi bí mật đã bị phơi bày ra ánh sáng.

Trong bếp có lọ cà được gửi từ quê ra làm tôi thèm kinh khủng nhưng không được phép ăn vì vừa mới sinh em bé. Một hôm bà nội đi nghỉ mát, ông nội lơ là, tôi lấy trộm vài quả để ăn với cơm canh. Anh Bun nhìn thấy hét toáng: “Mẹ ăn cà nha!”. Tôi xuỵt xuỵt bảo: “Không phải cà đâu con, đây là quả chi chi”. Anh ấy có vẻ hiểu biết: “Mẹ cho em ăn quả chi chi với!” (giống mẹ luôn cả tính nghiện ăn cà).

Để bịt miệng tôi đành phải cho anh ấy một miếng nhỏ. Hôm sau giữa bữa ăn không thấy mẹ ăn cà, anh ấy bô bô: “Hôm nay mẹ không ăn quả chi chi à?”. Giật mình thon thót, tôi giả lảng sang chuyện khác. Nhưng anh Bun không chịu buông tha, vẫn tiếp tục: “Hôm qua mẹ ăn mà, hôm nay mẹ không ăn quả  CÀ chi chi nữa à?”.

Thôi chết, thế là vừa được nghe bài diễn văn của bố mẹ chồng về tính độc hại và việc không kiêng sau đẻ, vừa lườm cái thằng đang nghịch cơm vung vãi khắp chiếu. Tôi nghi anh ấy là điệp viên của ông bà nội quá???

Chuyện vui: Đừng bao giờ bảo trẻ con giữ bí mật! 1
Nếu bạn tâm sự với con bạn một bí mật, chẳng khác gì bạn bảo bọn trẻ hét lên với cả thế giới rằng: “Mẹ cháu có bí mật như thế này này…”.

Muốn dạy con lời hay ý đẹp, muốn dạy con lẽ phải ở đời, rất nhiều mong muốn nhưng nhiều lúc căng thẳng mệt mỏi quá làm bố mẹ Bun Beo bị đẩy vào tình huống trớ trêu. Bun Beo có thói quen làm gì hai đứa cùng làm một lúc. Beo kêu: “Bố ơi, con tè”, Bun cũng kêu: “Bố ơi, con tè”. Một tí nữa lại: “Bố ơi, con ị”, đứa kia cũng đòi: “Con ị”. Cả ngày đi làm mệt mỏi, về nhà con liên tục quấy nên bố Bun Beo bắt đầu cáu:

– Không ị thì đừng có trách ông ác ông hiền! (Giọng rất dọa dẫm)

Bun Beo không ngửi thấy mùi nguy hiểm đang rình rập, ngơ ngác hỏi bố:

– Bố ơi, ông ác ông hiền ở tầng mấy ạ?

Mình nghe mà phì cười nhưng bố vẫn chưa hết cáu:

– Tầng phân! (Đúng là giận quá mất khôn)

Bun Beo nghe thế tưởng hay ho lắm, suốt ngày ở đâu hai đứa cũng lặp lại màn đối thoại trên, ai hỏi thì hồn nhiên: “Bố cháu bảo thế” làm cho bố xấu hổ muốn chui xuống đất cho rồi. Sau này mẹ phải bảo: “Ông ác ông hiền chuyển nhà rồi nhé”, từ đó hai anh mới thôi bắt chước.

Bọn trẻ con không lắt lẻo như người lớn mà bộc bạch theo đúng những gì chúng nghe và thấy. Nếu bạn cứ “xuỵt xuỵt” hay nháy mắt ra hiệu, có khi chúng lại kêu rầm lên: “Sao mắt mẹ cứ nháy liên hồi thế?”. Cho nên nếu bạn không muốn phải dạy con nói dối, hãy để chúng biết càng ít càng tốt. Và nếu khi bị ép buộc phải làm thế, hãy “nói dối có chọn lọc” hoặc “nói dối vô hại”.

 

 

theo: afamily

Leave a Reply

Or