Chuyển động của thai nhi trong bụng mẹ và những khám phá thú vị.

Mang thai là giai đoạn tương đối khó khăn với người phụ nữ nhưng đồng thời cũng mang đến cho chị em nhiều hạnh phúc khó tả.

Ngoài những khó khăn mệt nhọc do chứng ốm nghén, những cú đấm, đá, vặn người, cuộn mình của thai nhi…phần nào giúp các mẹ xua tan những mệt nhọc nhất thời để chăm sóc con yêu thật tốt. Tuỳ vào từng giai đoạn của thai kỳ mà mẹ sẽ cảm nhận được nhiều cử động khác nhau của thai nhi, với tần suất khác nhau, hãy cùng theo dõi để an tâm bé luôn phát triển khoẻ mạnh.

Thai nhi trong 3 tháng đầu liệu đã bắt đầu cử động ?

Ba tháng đầu của thai kỳ là thời điểm thai nhi phát triển nhanh chóng đến kinh ngạc, tuy nhiên ở giai đoạn này mẹ bầu vẫn chưa thể cảm nhận được bất kỳ chuyển động nào của thai nhi, dù cho mẹ có đang mang thai đôi hay thai ba đi nữa. Trong giai đoạn này hầu như các mẹ chỉ có thể cảm nhận được “mầm sống” bé nhỏ của mình đang hình thành và phát triển thông qua những triệu chứng như buồn nôn, mệt mỏi, đau đầu…bởi lúc này thai nhi vẫn còn quá nhỏ và đang được bảo vệ bởi lớp màng tử cung. Các thông số hoạt động của nhịp tim thai được xác định thông qua máy siêu âm trong giai đoạn này được xem là cách chính xác nhất để kiểm tra và đánh giá sự phát triển khoẻ mạnh của thai nhi.

3 tháng đầu thai kỳ, thai nhi chưa hề có những cử động, người mẹ chỉ xuất hiện những triệu chứng ốm nghén.

Chuyển động kì diệu của thai nhi trong 3 tháng giữa.

Bước vào 3 tháng giữa thai kỳ, thai nhi bắt đầu có những chuyển động nhất định. Điển hình là bước vào tháng thứ 4 các mẹ bầu, nhất là những mẹ có thể trạng gầy hoặc những mẹ đã từng có con trước đó sẽ dễ dàng cảm nhận được bé bắt đầu biết mút tay, đá và quẫy trong bụng mẹ. Những phản ứng cử động hay co giật có lẽ còn phải chờ vài tuần sau đó.

Vào tháng thứ 5, hầu hết các mẹ đều cảm nhận được những chuyển động co người, cựa quậy của bé trong bụng. Chuyển động của thai nhi trong bụng mẹ sẽ dần tăng lên thành những cú hích, cuộn khi cơ thể bé lớn hơn và những kỹ năng vận động phát triển hơn. Tuy nhiên, nếu đến giữa tháng thứ năm mà mẹ vẫn không cảm thấy bất kỳ cử động nào của bé, mẹ nên hẹn bác sĩ để siêu âm xem tình trạng của thai nhi nhằm phát hiện những bất ổn sớm và xử lý lịp thời.

Tháng thứ 6 của thai kỳ, các mẹ sẽ cảm nhận được nhiều chuyển động của thai nhi hơn, các chuyển động sẽ rõ ràng hơn. Lúc này, chân của bé bắt đầu cử động linh hoạt hơn, vì vậy các chị em có thể cảm nhận được bàn chân bé chạm vào bụng mẹ. Theo các chuyên gia, do giai đoạn này bé vẫn chưa phân biệt được ngày và đêm nên ban ngày khi mẹ vận động lại chính là thời gian bé ngủ, ngược lại bé sẽ thức và hoạt động nhiều nhất vào buổi tối lúc các mẹ bắt đầu nghỉ ngơi.

Vào tháng thứ 6 thai kỳ, người mẹ có thể cảm nhận được chuyển động của thai nhi.

Khám phá những chuyển động của thai nhi trong 3 tháng cuối.

Đến tháng thứ 7, bé lớn hơn và cử động của bé cũng bắt đầu mạnh lên, những cứ huých, đấm, đá của bé đã rõ rệt hơn giai đoạn trước rất nhiều. Ngoài những cú huých, cú đấm, trong giai đoạn này các mẹ dễ dàng cảm nhận được sự rung động thường xuyên giật nhẹ theo từng nhịp. Đó chính là biểu hiện của hiện tượng nấc cụt, đây là hiện tượng rất bình thường, thời gian thai nhi bị nấc kéo dài khoảng 3-15 phút, mỗi ngày bé có thể nấc vài ba lần. Theo các chuyên gia sản khoa, từ sau tuần 28 mẹ nên dành 2 lần một ngày để đếm số lần chuyển động của thai nhi. Nếu mẹ đếm được 10 chuyển động của bé trong 1 giờ hoặc ít hơn tức là bé đang khỏe mạnh bình thường. Ngược lại, nếu mẹ  không đếm được 10 chuyển động trong vòng 1 giờ, có thể do bé đang ngủ, hãy ăn nhẹ để đánh thức bé dậy, nằm xuống và tiếp tục đếm. Nếu phải mất hơn 2 giờ để đếm được 10 chuyển động của bé, mẹ cần đến bác sĩ để kiểm tra ngay nhằm đảm bảo sự phát triển an toàn cho các bé.

Bước vào tháng thứ 8, khi bé đã lớn lên rất nhiều, những cú “nhào lộn” của bé sẽ ít đi, nhưng những cú xoay, huých khuỷu tay, đá đầu gối vào thành bụng của người mẹ vẫn sẽ được tiếp tục. Đặc biệt, trong giai đoạn này mẹ có thể tương tác dễ dàng với bé bằng cách khi nhìn thấy một cái gì đó nhô lên trên bụng mình giống như đầu gối hay bàn chân, hãy ấn nhẹ vào đó sẽ thấy bé co lại rồi nhô ra một lần nữa. Một lưu ý cũng rất quan trọng đó là trong giai đoạn này mẹ vẫn tiếp tục đếm chuyển động của thai nhi như trong tháng thứ 7 của thai kỳ nhằm phát hiện kịp thời những bất ổn của bé.

chuyen-dong-cua-thai-nhi-trong-bung-me-va-nhung-kham-pha-thu-vi-2

Những cú đá hầu như không còn vì kích thước của bé khá lớn không còn đủ không gian để cử động, thay vào đó những cú xoay vẫn tiếp tục trong tháng thứ 9 này. Trong giai đoạn này thỉnh thoảng mẹ sẽ bị những cơn đau bất ngờ ở cạnh sườn do bé dùng chân thúc vào cạnh sườn, di chuyển nhẹ nhàng hoặc thay đổi tư thế là cách đơn giản nhất để giúp mẹ đỡ đau hơn hơn. Theo dõi những thay đổi của bé và tiếp tục đếm những cử động của thai nhi cũng là việc làm rất cần thiết, nhằm đảm bảo bé luôn được an toàn và khoẻ mạnh để chờ đón ngày chào đời.

Trong khoảng từ 2-3 tuần trước khi sinh nở, các hoạt động của bé có thể sẽ có nhiều thay đổi. Mẹ sẽ cảm thấy khá rõ mỗi khi bé xoay đầu, đầu bé sẽ chạm vào cổ tử cung của mẹ nhưng chân bé không thúc vào cạnh sườn nữa. Những tuần cuối cùng chuẩn bị sinh, mỗi bé sẽ có trạng thái khác nhau, có bé sẽ chuyển động ít đi, có bé vẫn chuyển động tích cực cho đến khi chào đời.

Mỗi giai đoạn của thai kỳ, thai nhi sẽ có những chuyển động khác nhau, với tần suất khác nhau. Những cử động này được xem là thước đo để đánh giá sự tăng trưởng và phát  triển khoẻ mạnh của thai nhi. Do đó, các mẹ bầu cần chú ý theo dõi những thay đổi của thai nhi, chủ động đếm cử động của thai nhi, đến bệnh viện ngay khi phát hiện những bất thường nhằm đảm bảo bé luôn được phát triển một cách an toàn và khoẻ mạnh nhất.

Theo camnangchobe.vn

One thought on “Chuyển động của thai nhi trong bụng mẹ và những khám phá thú vị.

Leave a Reply

Or