Cho con bú: Đừng nghĩ ngực sẽ xấu

Theo BS Nguyễn Duy Hợp (Khoa sản BV Việt Nhật), trẻ bú mẹ không làm ngực mẹ chảy xệ hay xấu đi.

Một độc giả vừa sinh con được hơn 1 tháng bày tỏ lo lắng về việc con bú càng lâu ngực càng hỏng nặng: “Có lẽ sữa em vừa loãng vừa ít nên em đang định cai sữa cho con. Mặt khác, em cũng khá lo lắng việc cho con bú sẽ làm hỏng ngực. Ngực em khá to, do vậy em lo rằng con càng bú nhiều, sau ngực chảy xệ sẽ càng rất “khủng khiếp”. Tuy vậy, em vẫn còn băn khoăn không biết có nên cai luôn không vì thực sự nếu cố, chắc em vẫn cho con bú được thêm 2,3 tháng nữa”.

Điều mà độc giả này quan tâm là có nên cai sữa ngay không. Đặc biệt, “Chị em ơi, có phải là càng cho con bú lâu, ngực sẽ càng hỏng hơn không ạ? Có phải nếu em cai ngay từ lúc 1 tháng, ngực sẽ đỡ hơn mẹ cho con bú 12 tháng không?

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Nguyễn Duy Hợp (Khoa sản – Bệnh viện Việt Nhật) cho rằng: “Tôi chưa thấy ai sinh con mà mới được hơn 1 tháng đã có dự định cai sữa. Không nên cai sữa sớm như vậy, 1 tháng là cháu bé vẫn đang cần tiếp tục được bú mẹ. Nếu điều kiện không cho phép cũng nên đợi đến lúc bé 1 tuổi”.

 

Về vấn đề lo lắng cho con bú có thể khiến ngực mẹ chảy xệ, bác sĩ Hợp cho rằng: Việc cho trẻ bú mẹ không gây chảy xệ hay không làm xấu ngực của mẹ”. Trong sữa mẹ có các chất dinh dưỡng để nuôi dưỡng bé nên cần phải cho bé bú đầy đủ.

 

Theo bác sĩ Hợp khuyến cáo, nếu trẻ bú sữa mẹ quá ít sẽ dẫn đến còi xương, suy dinh dưỡng… “Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng quý giá nhất”, bác sĩ Hợp khẳng định.

 

Một số bác sĩ khác cho rằng, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ ít nhất trong 6 tháng đầu đời và duy trì cho trẻ bú sữa mẹ đến 24 tháng tuổi. Cho nên, mẹ không vì ích kỷ cá nhân mà cai sữa sớm quá khiến bé thiếu hụt chất dinh dưỡng.

Việc ngực xấu hay không, không phải do bé bú mà là do trong quá trình mang thai kích thước vú đã có sự thay đổi. Ngực không bao gồm các cơ bắp và dây chằng. Thay vào đó, ngực chỉ có các mô mỡ và đó là lý do khiến ngực dễ bị chảy xệ.  Trong thời gian mang thai, nội tiết tố thay đổi ảnh hưởng đến vòng 1 để chuẩn bị cho quá trình chúng ta cho con bú. Số lượng các ống dẫn sữa phát triển khiến ngực trở nên lớn hơn làm ngực giãn nở, thậm chí rạn da. Vú bị căng sữa liên tục có thể làm ngực biến dạng sau khi cai sữa. Mặt khác, cũng tùy theo cơ địa của từng người, vú sẽ có hình dạng khác nhau sau sinh.

Cho con bú: Đừng nghĩ ngực sẽ xấu - 1
Việc ngực xấu hay không, không phải do bé bú mà là do trong quá trình mang thai kích thước vú đã có sự thay đổi (ảnh minh họa)

 

Trong sữa mẹ có đủ các vi chất cũng như chất dinh dưỡng với tỷ lệ phù hợp trên cơ sở hoạt động của các cơ quan trong cơ thể trẻ, giúp trẻ dễ hấp thu. Trong sữa mẹ đặc biệt sữa non còn có kháng thể giúp tăng cường sức đề kháng của trẻ.

 

Sau sinh, việc quan trọng của các bà mẹ là cần có chế độ ăn uống hợp lý, khoa học để con có thêm sữa. Các món ăn như chân giò ninh đu đủ, cháo hạt sen đỗ xanh… kích thích sữa  về sớm. Chế độ ăn uống giúp cơ thể khoẻ mạnh, cũng đồng nghĩa với  việc mẹ sẽ có làn da ngực tươi trẻ, đàn hồi, săn chắc hơn.

Ngoài ra, có những yếu tố làm ảnh hưởng đến số lượng sữa như tâm trạng bà mẹ, thuốc kháng sinh… Sau khi sinh, nếu người phụ nữ không được hỗ trợ từ chồng, phải thức đêm nhiều để chăm con, cuộc sống gặp nhiều căng thẳng và lo lắng làm ảnh hưởng đến lượng sữa. Cũng có người sau sinh do mắc bệnh nên phải uống thuốc kháng sinh cũng làm cho sữa ít hơn.

Việc chăm sóc bầu ngực khi cho con bú, đặc biệt trong tháng đầu tiên là vô cùng quan trọng. Bởi vì, trong tháng đầu tiên, lượng sữa tiết ra nhiều trong khi bé bú không hết. Vì vậy, nếu không giữ vệ sinh hay chăm sóc có thể gây tắc tuyến sữa, viêm tuyến vú để lại ảnh hưởng xấu về sau.

 

 

theo: eva

Leave a Reply

Or