Cho con ăn như thế nào khi cai sữa?

Khi cai sữa, chế độ ăn và thói quen của trẻ bị thay đổi bởi nguồn dinh dưỡng mới thay thế sữa mẹ. Những tư vấn sau đây sẽ giúp trẻ không bị thiếu chất và tránh mắc bệnh trong giai đoạn quan trọng này.

1. Tập cho trẻ dùng thức ăn ngoài

Cho trẻ ăn các loại sữa thay thế, thức ăn dặm từ khi trẻ được 6 tháng tuổi là phương pháp hữu hiệu để trẻ có thể quen với mùi vị thức ăn khác ngoài sữa mẹ. Các mẹ nên cho con làm quen với các loại sữa công thức trước để bé có thể dần dần thích ứng rồi mới thử các loại thức ăn đặc như cháo, bột… Việc cho trẻ dùng thức ăn ngoài như vậy còn giúp trẻ thích nghi với việc bú bình hay ăn bằng thìa. Khi trẻ đã chấp nhận ăn thức ăn ngoài thì việc cai sữa sau đó sẽ trở nên dễ dàng hơn.

Giai đoạn đầu khi cai sữa chắc chắn trẻ sẽ có cảm giác thèm sữa mẹ nên bạn chú ý giảm dần thời gian cho trẻ bú, số lần bú trong ngày để trẻ tránh được cảm giác bị hẫng và khó chịu. Ngược lại, lượng thức ăn ngoài sẽ được từ từ tăng dần để cho trẻ làm quen.

cho-con-an-nhu-the-nao-khi-cai-sua-1

Dùng thức ăn ngoài giúp trẻ quen với mùi vị thức ăn khác ngoài sữa mẹ

2. Cung cấp thức ăn giàu dinh dưỡng, phù hợp

Dưới 6 tháng tuổi, chỉ riêng sữa mẹ đã là nguồn dinh dưỡng tuyệt vời cho trẻ mà không cần ăn thêm gì. Vì vậy, khi phải giảm dần lượng sữa cho trẻ bú hàng ngày đồng nghĩa với việc bạn phải bổ sung thêm dinh dưỡng vào thực đơn của trẻ. Ở giai đoạn này, nhu cầu dinh dưỡng tính theo trọng lượng của trẻ còn cao hơn cả người lớn cho nên trẻ luôn cần được cung cấp đủ chất từ các loại thức ăn. Thực đơn của trẻ cần có đầy đủ chất xơ, vitamin, tinh bột, đạm, chất béo và nhiều chất dinh dưỡng cần thiết khác. Những chất này có thể bổ sung được từ ngay các loại rau, củ, quả, thịt, trứng, cá mà chúng ta ăn hàng ngày nhưng trẻ cần có chế độ ăn riêng nhất là khi đang trong quá trình cai sữa.

cho con an nhu the nao khi cai sua 2 Cho con ăn như thế nào khi cai sữa?

Dinh dưỡng cho trẻ được cung cấp từ nhiều loại thức ăn

 Khi bé lớn hơn một chút chất lượng sữa mẹ không còn hoàn hảo để có thể đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ bởi vậy việc nuôi dưỡng trẻ bằng các loại thức ăn ngoài là vô cùng cần thiết. Bạn cần hết sức chú ý đến thực đơn của trẻ, tránh cho trẻ nguy cơ thiếu dinh dưỡng rất ảnh hưởng đến quá trình phát triển tự nhiên của trẻ.

Tuy nhiên, để con có đủ dinh dưỡng bạn cũng không nên ép bé ăn quá nhiều sẽ khiến cho hệ tiêu hóa non nớt của bé bị tổn thương, dẫn đến việc bé có cảm giác khó chịu, dễ nôn, trớ và có tâm lý sợ ăn. Để bé ăn uống ngon miệng hãy chia thành nhiều bữa trong ngày và thường xuyên đổi thực đơn cho bé. Trẻ cũng có khẩu vị riêng cho nên việc kết hợp các loại gia vị, thành phần thức ăn, các bữa phù hợp sẽ giúp trẻ ăn được nhiều hơn đồng nghĩa với việc giảm bú sữa mẹ.

3. Chế biến thức ăn mềm, dễ tiêu

Phần lớn trẻ ở độ tuổi cai sữa dù đã mọc răng nhưng cơ nhai chưa phát triển toàn diện nên vẫn còn yếu, chức năng của hệ tiêu hóa cũng chưa hoàn thiện như người lớn. Bởi vậy, thức ăn cho trẻ cần được sơ chế và chế biến đặc biệt kỹ càng để trẻ hấp thu tốt hơn, tránh nguy cơ mắc bệnh liên quan đến đường tiêu hóa, răng miệng. Ngoài việc phải đảm bảo an toàn vệ sinh, các loại thức ăn còn cần nấu nhừ, chín kỹ thậm chí xay nhuyễn để bé không bị hóc và dễ tiêu hóa hơn. Bạn nên chọn cho trẻ những thực phẩm dễ ăn như rau xanh, củ quả mềm, ngũ cốc, thịt nạc… Đặc biệt, trái cây và rau xanh rất có lợi cho việc bổ sung chất xơ, vitamin, khoáng chất, dễ hấp thu và nhiều hương vị ngon miệng hấp dẫn trẻ.

Với mỗi loại thực phẩm bạn cần tìm hiểu tỉ mỉ cách thức chế biến cho trẻ và chú ý xem loại thực phẩm đó có phù hợp với thể trạng và khẩu vị của trẻ hay không? Ví dụ như không cho trẻ uống sữa bò, sữa dê khi trẻ chưa đầy tuổi; không nên thêm đường vào nước trái cây, lượng muối trong thức ăn không quá 1g, không cho trẻ ăn trứng chưa chín kĩ…

Trong sữa mẹ có rất nhiều kháng thể mà các loại thức ăn ngoài không thể có. Khi phải giảm ăn sữa mẹ, khả năng phòng chống bệnh tật nhất là bệnh về đường tiêu hóa của trẻ thấp hơn. Chế biến thức ăn an toàn, phù hợp là công việc rất quan trọng ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ cả những giai đoạn sau này.

4. Tạo tâm lý thoải mái cho trẻ

Trẻ sẽ chăm ăn ngoài hơn khi mẹ biết khéo léo từ chối, “đánh lạc hướng” mỗi lần trẻ đòi bú. Thay vào đó, khi bé đói bạn cho bé ăn các thức ăn ngoài sẽ làm bé quên đi sữa mẹ. Tất nhiên, nếu thực hiện quá “quyết liệt” trong thời gian đầu sẽ làm bé càng quấy khóc, sợ ăn và không thể từ bỏ sữa mẹ. Hạn chế cho trẻ tiếp xúc trực tiếp với vú mẹ. Điều này không có nghĩa là cách ly với trẻ sẽ hiệu quả vì thay đổi lớn như vậy rất dễ làm ảnh hưởng đến tinh thần của trẻ.

 Kích thích sự ham thích của trẻ đối với các món ăn bằng cách để bé tham gia vào bữa ăn của cả gia đình. Không nên ép bé ăn sẽ trở thành áp lực, nỗi sợ cho bé. Nên chia thành nhiều bữa nhỏ và tạo không khí vui vẻ khi cho bé ăn.

cho con an nhu the nao khi cai sua 3 Cho con ăn như thế nào khi cai sữa?

Hiểu tâm lý trẻ sẽ giúp cai sữa nhanh hơn

5. Trẻ có khả năng thích ứng với chế độ ăn mới

Nhìn chung, việc cai sữa và thay đổi chế độ ăn mới cho trẻ chỉ nên thực hiện khi trẻ có đầy đủ các điều kiện sau:

–         Các chuyên gia khuyến cáo chỉ nên cai sữa cho trẻ khi trẻ đã được 12 tháng tuổi.

–         Trẻ đã được làm quen với thức ăn ngoài trước đó.

–         Không cai sữa khi trẻ đang mọc răng.

–         Trẻ đang hoàn toàn khỏe mạnh, không cai trong thời kì biếng ăn.

–         Nên cai sữa cho trẻ vào mùa xuân và mùa thu để tránh thời tiết khó chịu và khả năng mắc các bệnh truyền nhiễm cùng các bệnh thường xảy ra vào mùa đông và mùa hè.

Việc cai sữa phụ thuộc vào độ tuổi của trẻ và sự khéo léo của mẹ. Để cai sữa cho trẻ thành công các bà mẹ nên chuẩn bị đầy đủ kiến thức và tâm lý để giúp con chuyển sang một giai đoạn mới với sức khỏe và tinh thần thật tốt. Quan tâm đến tâm lý của trẻ, các mẹ sẽ dễ dàng hơn trong việc nhận biết thời điểm cai sữa và cung cấp chế độ dinh dưỡng mới hợp lý cho con.

Theo Phunutoday

Leave a Reply

Or