Chỉ vừa ăn dặm, cháu bé đã mắc viêm gan vì sai lầm nghiêm trọng mẹ thường mắc

Nhiều người có thói quen “nhá” cơm vì nghĩ rằng như thế là tốt. Tuy nhiên các chuyên gia khuyến cáo việc “nhá” như vậy có thế gây ra nhiều bệnh nguy hiểm đe dọa sức khỏe của trẻ.

Bệnh tật, suy dinh dưỡng vì thói quen “nhá” thức ăn của người lớn

Nhá cơm là thói quen thiếu vệ sinh nhưng lại khá phổ biến, đặc biệt là ở vùng nông thôn. “Nhá” là hình thức người chăm trẻ nhai cơm hoặc thức ăn cho nhỏ dập trước khi đút cho trẻ ăn.

Bé Nguyễn Hoàng Long 2 tuổi trú tại Đông Hưng, Thái Bình được bố mẹ đưa lên khám dinh dưỡng tại Viện Dinh Dưỡng Cơ sở 2, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội với các triệu chứng lười ăn, ngậm cơm, suy dinh dưỡng.

Hai tuổi rồi nhưng bé Long chỉ nặng 10kg. So với chuẩn cân nặng của trẻ thì bé đang bị thiếu khoảng 2 kg.

Chị Hường – mẹ của bé Long cho biết, chị làm công nhân may ở thành phố Thái Bình, con chị ở nhà với ông bà nội. Hàng ngày chị đi từ 6h sáng đến 7h tối mới về nên việc trông con đều do ông bà đảm nhiệm.

Chị Hường chỉ biết ông bà hay nhá cơm cho cháu ăn. Chị thắc mắc thì bị mắng. Bà nội bé cho rằng cả chục đứa trẻ và 6 đứa con bà đều nhá cơm cho ăn và đứa nào cũng lớn lên khoẻ mạnh, chẳng có bệnh tật.

Có lẽ vì thế, chị Hường đành im lặng để ông bà chăm kiểu đó.

Bé Long rất lười ăn. Mỗi khi bố mẹ đút cơm là bé không ăn mà chỉ ăn vài miếng cơm nhá. Để con ăn, chị Hường cũng chiều lòng. Tuy nhiên bé vẫn biếng ăn và chậm lớn. Hai tuổi mà chưa ăn được cơm hạt.

Gần đây, bé bị sốt, sau đó bị vàng da, vàng mắt và thường hay bị đau bụng. Chị Hường cho con đến Bệnh viện Nhi Thái Bình khám, bác sĩ chẩn đoán viêm gan A. Bệnh lây qua đường ăn uống là chủ yếu.

Quá lo lắng, chị Hường đưa con đi kiểm tra lại ở Hà Nội và bác sĩ vẫn chẩn đoán viêm gan A.

Chị Hường cho bé đi khám thêm về dinh dưỡng, nghe chị kể khiến bác sĩ cũng ái ngại vì thói quen này. Dù có uống nhiều sữa, ăn nhiều hoa quả theo đúng chế độ bé vẫn không lớn được.

an-dam
Người chăm trẻ nên đút cho trẻ ăn thay vì “nhá” thức ăn để tránh lây bệnh (Ảnh minh họa)

Trường hợp của bé Vũ Tiến Minh trú tại Phú Thọ, mới 17 tháng tuổi nhưng bé bị đau bụng và rối loạn tiêu hoá thường xuyên, hay bị đi tiêu chảy.

Lúc đầu gia đình tưởng bé đơn thuần là bị đi tướt nhưng sau này kiểm tra thì đó là bị bệnh lị do vi khuẩn amip.

Đây là một bệnh lây truyền trực tiếp hoặc gián tiếp qua đường tiêu hoá. Bệnh lây trực tiếp từ người bệnh sang người lành khi họ tiếp xúc với nhau.

Nhiều người mang mầm lị amip ở kẽ móng tay. Khi cho trẻ ăn cơm mớm, cơm nhai, người nhai cơm lại hay dùng tay để bón, vì thế dễ dàng lây bệnh cho trẻ.

Lây nhiễm vi khuẩn gây ung thư

Các chuyên gia y tế đều khuyến cáo không nên nhá cơm cho trẻ, đây là thói quen cực kỳ nguy hiểm có thể gây cho trẻ nhiều bệnh khác nhau.

PGS TS Nguyễn Tiến Dũng – nguyên trưởng Khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai cho biết ông đã gặp rất nhiều trẻ bị mắc thêm bệnh vì lý do người chăm trẻ nhá cơm cháo cho ăn.

Các bệnh như viêm gan A, bệnh lây truyền như vi rút HPV, vi khuẩn HP, vi khuẩn lị và hàng loạt các bệnh liên quan tới vấn đề hô hấp.

Vi khuẩn HP là loại vi khuẩn gây viêm dạ dày và có thể tiến triển thành ung thư, bệnh lây chủ yếu do thói quen ăn uống từ việc nhỏ như gắp thức ăn, nhá cơm cho trẻ, ăn chung thìa bát.

Nhiễm HP là một trong những nhiễm khuẩn mạn tính thường gặp nhất ở người. Uớc tính, có hơn nửa dân số trên thế giới đã bị nhiễm khuẩn này, nhiều nhất là ở các nước đang phát triển do điều kiện vệ sinh kém, nước và thức ăn nhiễm khuẩn.

Vi khuẩn HP gây ra khá nhiều bệnh ở dạ dày – tá tràng như rối loạn tiêu hóa, viêm dạ dày, loét dạ dày – tá tràng và lâu ngày có thể tiến triển đến bệnh ung thư 1/3 dạ dày dưới.

Bác sĩ Phùng Thanh Vân, Bệnh viện Đa khoa Hà Nội cho biết việc cho trẻ ăn nhá còn lây cho trẻ các bệnh xã hội như bệnh lậu, bệnh do vi rút Herpes ở miệng, bệnh sùi mào gà.

Vi khuẩn HPV ở trong miệng và máu nếu truyền cho trẻ nhỏ có thể gây ra bệnh ung thư cổ tử cung và ung thư dương vật ở trẻ sau này.

Bác sĩ Vân cũng gặp nhiều đứa trẻ bị herpes ở miệng do cha mẹ, ông bà nhá cơm. Việc nhá cơm ở thành thị ít hơn ở nông thôn nhưng việc làm này cần loại bỏ sớm.

Khoang miệng của người là một ổ vi khuẩn, vi trùng và trong đó có hàng tá vi trùng gây bệnh cho trẻ nhỏ do sức đề kháng của trẻ yếu và rất dễ biểu hiện bệnh.

Người lớn sức đề kháng tốt không có biểu hiện ra ngoài nhưng trẻ chỉ cần bị nhiễm là có biểu hiện ra ngoài luôn.

PV / Theo Trí Thức Trẻ

Leave a Reply

Or