Chi bạc triệu mua kỹ năng sống: Đừng quá kỳ vọng!

Cho con đi học kỹ năng sống, thời gian gần đây đã trở thành một xu hướng “hot” được nhiều cha mẹ lựa chọn. Với mong muốn cho trẻ biết cách sống tự lập, nhiều phụ huynh đã nhờ cậy tới các lớp học kỹ năng sống ngay trong thời gian nghỉ hè để gửi gắm các “cậu ấm, cô chiêu” nhà mình.

Tuy nhiên, kỹ năng sống vẫn là một khái niệm khá trừu tượng, việc đo đếm hay so sánh chất lượng cũng như giá cả các lớp học kỹ năng thì cũng còn lắm nỗi gian truân.

Rối như… các lớp dạy kỹ năng sống

Nhiều chuyên gia về nuôi dạy trẻ luôn đề cao cách dạy trẻ “học mà chơi, chơi mà học”. Tuy nhiên, hệ thống trường học hiện nay nặng về học kiến thức khiến cho việc chơi đùa của trẻ thiếu đất sống. Với trẻ thành phố thì sự thiếu hụt này càng trở nên trầm trọng. Ở trường chủ yếu trẻ chỉ được học kiến thức mà ít được chơi một cách có hướng dẫn của giáo viên, về nhà bị bó buộc trong 4 bức tường chỉ biết làm bạn với ti vi, máy tính.

Cho trẻ học kỹ năng sống là xu hướng "hot" hiện nay.

Do vậy, các lớp học kỹ năng sống chính là các khóa học mà ở đó họ lấy sự chơi làm trọng, thông qua chơi, các chuyên gia sẽ hướng cho trẻ những kỹ năng sống cần thiết như kỹ năng quản lý cảm xúc bản thân, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng hòa đồng, kỹ năng chấp nhận, kỹ năng lắng nghe, kỹ năng đọc sách, kỹ năng sinh tồn…

Từ khi nảy sinh xu hướng cho con học kỹ năng sống, các lớp học loại kỹ năng đặc biệt này cũng mọc lên ào ào như nấm sau mưa. Điểm danh sơ qua một vài khoá học kỹ năng mềm được nhiều người biết tiếng gồm có: khóa học của Trung tâm thế hệ xanh (Đống Đa, Hà Nội); giao tiếp ứng xử (Viện Tâm lý ở Cung thiếu nhi Hà Nội); kỹ năng sống của Tâm Việt (Đội Cấn, Hà Nội); giao tiếp lứa tuổi nhỏ của Sunny Smiles (Võ Văn Dũng, TP HCM)…

Với nhiều loại hình đào tạo, nhiều mức chi phí từ vài trăm nghìn đồng đến cả chục triệu một khóa học, phụ huynh đang rơi vào “ma trận” kỹ năng sống. Nhiều cha mẹ có nhu cầu cho con đi học nhưng thực sự cảm thấy hoang mang không biết nên đưa con đầu quân vào học ở đâu. Hầu hết, mọi người đều nghe qua người quen giới thiệu, thậm chí là chỉ theo… cảm tính.

Phụ huynh nên là “đầu lọc” kỹ năng cho con

Có một điều hơi ngược khi hầu hết các bậc làm cha mẹ đều nghĩ rằng trẻ em là đối tượng chính cần được bổ sung kỹ năng mềm do các em chưa có sự trải nghiệm, rất dễ gặp phải vướng mắc, khó khăn khi bắt đầu hòa nhập cuộc sống thực đầy khắc nghiệt.

Giảng viên Đặng Duy Linh, Chủ tịch HĐQT công ty CP S-WAY – một công ty chuyên đào tạo về kỹ năng sống cho rằng phụ huynh nên là người tiếp cận với các kỹ năng này đầu tiên chứ không phải trẻ nhỏ. Cha mẹ nên trực tiếp thử nghiệm những khóa học này để thấy được đâu là điều cần thiết và có lợi nhất cho con em mình. Chỉ khi phụ huynh cảm nhận được sự thú vị của khóa học thì mới có thể truyền đạt lại cho trẻ. Nói cách khác, cha mẹ sẽ đóng vai trò là những chiếc “đầu lọc” giúp con lựa chọn loại kỹ năng mềm phù hợp nhất.

Bản thân anh Duy Linh cũng là người trực tiếp đi giảng dạy kỹ năng sống, nên anh đúc rút được ra kinh nghiệm này. Chính vì lẽ đó mà công ty của anh Linh cũng chọn cách tiếp cận với đối tượng học viên là người lớn đầu tiên. Ngoài ra, điều này cũng giúp ích cho việc lan tỏa những thông tin kỹ năng mềm vô cùng cần thiết này tới đối tượng trẻ em bằng cách tự nhiên qua việc chia sẻ, kể chuyện giữa người thân trong gia đình, thầy cô giáo tới học sinh…

Điều quan trọng vẫn là sự giáo dục từ gia đình và nhà trường.

Bên cạnh đó, cha mẹ nên tỉnh táo khi lựa chọn lớp học kỹ năng cho con, để tránh tình trạng trẻ được bổ sung kỹ năng mềm một cách thừa mứa, không thực sự cần thiết. Nếu không tìm được hứng thú thì các khóa học kỹ năng mềm sẽ vô tình trở thành áp lực và gánh nặng cho trẻ. Điều này chắc chắn là không có lợi một chút nào bởi lẽ cha mẹ nào cũng biết rằng chương trình học cho trẻ hiện nay đã rơi vào tình trạng quá tải. Phụ huynh nên cẩn trọng với việc giáo dục “tác dụng ngược” cho con.

Có một thực tế nữa mà các bậc làm cha mẹ cũng nên chú ý, cho con đi học những lớp kỹ năng sống không phải là mang tới một “phép thần” biến con trở thành một người hoàn hảo. Một khóa học kéo dài vài chục ngày sẽ chẳng thể nào làm được điều kỳ diệu đó. Điều quan trọng nhất vẫn là sự giáo dục của gia đình và nhà trường cùng với việc không ngừng trau dồi tri thức, vốn sống, trẻ sẽ có sự phát triển hoàn thiện nhất đúng như mong đợi.

 

theo: mecon

Leave a Reply

Or