Chân con bầm tím, bố đưa đi kiểm tra rồi dự định dẫn đi du lịch nhưng bác sĩ yêu cầu: “Không đi đâu cả. Nhập viện ngay”

Thấy chân con bầm tím, người bố vẫn chẳng lo lắm vì theo anh, trẻ con lúc nào cũng có vết bầm tím do hiếu động. Tuy nhiên, những vết bầm tím mãi không mờ đi, anh lo sợ có chuyện chẳng lành nên đã gọi cho một người bạn là bác sĩ để hỏi thăm.

Bố mẹ của cô bé Kaiya Patel – chị Annu và anh Ruchit Patel (37 tuổi) – chỉ có 2 tháng để tìm ra người hiến tủy xương tương thích với thể trạng của con gái nhằm cứu con khỏi tay tử thần. Không một ai trong gia đình Patel (người Ấn Độ) có tủy xương thích hợp với cô bé Kaiya và tình hình còn tệ hơn khi đã có 6.000 người đề nghị hiến tủy cho Patel nhưng tất cả đều không phù hợp.

Chân con bầm tím, bố đưa đi kiểm tra rồi dự định dẫn đi du lịch nhưng bác sĩ yêu cầu: “Không đi đâu cả. Nhập viện ngay” - Ảnh 1.

Cô bé Kaiya Patel (Ảnh: dailymail)

Câu chuyện buồn của gia đình Patel (sống ở Luân Đôn, Anh) bắt đầu vào ngày 28/3/2018. Trước đó vài ngày, anh Ruchit bỗng dưng nhận thấy trên chân của con có rất nhiều vết bầm tím. Anh Ruchit – một luật sư ở Luân Đôn – đã phát biểu với DailyMail: “Chúng tôi có một cuộc sống bình thường và vô cùng hạnh phúc với 2 cô con gái nhỏ. Ngoài học ở trường, hai con còn được học múa ba lê và thể dục dụng cụ. Chúng tôi nhận ra những vết bầm khá lớn trên chân Kaiya nhưng trường không có báo cáo gì về việc con bị chấn thương”.

Anh vẫn chẳng lo lắm vì theo anh, trẻ con lúc nào cũng có vết bầm tím do hiếu động. Tuy nhiên, những vết bầm tím mãi không mờ đi, anh lo sợ có chuyện chẳng lành nên đã gọi cho một người bạn là bác sĩ để hỏi thăm. Người này khuyên anh Ruchit nên cho con đến bệnh viện để kiểm tra ngay. Sáng hôm 28/3, anh đưa con đến bệnh viện kiểm tra để chiều hôm đó gia đình sẽ lên máy bay đi nghỉ mát.

Chân con bầm tím, bố đưa đi kiểm tra rồi dự định dẫn đi du lịch nhưng bác sĩ yêu cầu: “Không đi đâu cả. Nhập viện ngay” - Ảnh 2.

Chân của Kaiya đầy vết bầm tím. (Ảnh: dailymail)

Tuy nhiên, sau khi có kết quả xét nghiệm máu, các bác sĩ vội vã thông báo gia đình họ “không được đi đâu cả mà phải nhập viện ngay lập tức”. Trong sự hoang mang của gia đình Patel, bác sĩ giải thích rằng Kaiya đã mắc phải bệnh bạch cầu nguyên bào cấp tính. Lập tức, cô bé được chuyển đến bệnh viện Great Ormond Street và tiến hành hóa trị. Suốt 4 tuần sau đó, Kaiya phải ở lại bệnh viện chứ không được về nhà.

Bệnh bạch cầu nguyên bào cấp tính là một bệnh hiếm, là một loại ung thư máu nguy hiểm cần phải điều trị ngay lập tức. Bệnh khiến tủy xương giải phóng một lượng lớn bạch cầu vào cơ thể trước khi chúng sẵn sàng. Điều này làm giảm lượng hồng cầu, khiến cơ thể dễ bị nhiễm trùng hơn. Các triệu chứng bao gồm da nhợt nhạt, cảm thấy khó thở hay mệt mỏi, dễ bị bầm tím. Trong trường hợp của Kaiya, tình trạng nhiễm trùng đã lặp đi lặp lại trong một khoảng thời gian ngắn.

Cho đến khi biết con mắc bệnh, gia đình Patel mới nhớ lại những triệu chứng trước đó con gặp phải. “Khi nhìn lại, tôi nhớ có vài lần con chảy máu cam. Nhưng tôi không thể nghĩ được rằng chảy máu cam hay bầm tím là triệu chứng của ung thư. Loại ung thư Kaiya mắc phải vô cùng nguy hiểm, hầu hết trường hợp mắc bệnh đều tử vong. Nó cực kì hiếm, chỉ có khoảng 0,1% trong các ca bệnh bạch cầu. Chúng tôi biết rằng ở Great Ormond Street chỉ có 1 trường hợp mắc phải trong 10 năm qua”, anh Ruchit chia sẻ.

Chân con bầm tím, bố đưa đi kiểm tra rồi dự định dẫn đi du lịch nhưng bác sĩ yêu cầu: “Không đi đâu cả. Nhập viện ngay” - Ảnh 3.

Gia đình bé Kaiya (Ảnh: dailymail)

Hiện tại, Kaiya đang được điều trị theo phương pháp hóa trị và dùng thuốc ức chế hệ miễn dịch. Những phương pháp này ảnh hưởng đến Kaiya và cả vẻ ngoài của cô bé, khiến em bị rụng hết tóc. “Chúng tôi cố gắng giúp con cảm thấy thoải mái nhưng thật khó để nói với con. Con biết con mắc bệnh và phải uống thuốc, con biết mình không thể đến trường hay làm những điều con thích. Con đã được phép về nhà vào buổi tối nhưng ban ngày vẫn phải đến bệnh viện”, anh Ruchit cho biết.

Cách duy nhất có thể giữ tính mạng cho Kaiya chính là ghép tủy xương nhưng đến nay vẫn chưa tìm được người có tủy phù hợp với cô bé vì không đủ lượng người châu Á đăng kí hiến tặng. Theo tổ chức từ thiện Anthony Nolan giải thích, 50% người Anh da trắng có thể tìm được người hiến nội tạng phù hợp nhưng chỉ có 20,5% người da đen hay những dân tộc khác có thể tìm được.

Anh Ruchit đã lập trang Facebook và Twitter để tìm ra người hiến tủy cho con gái. Rất nhiều người đã phản hồi và theo anh Ruchit, có đến 6.000 người đăng kí kiểm tra độ tương thích với Kaiya. Thế nhưng đến nay, vẫn chưa tìm được người phù hợp.

Chân con bầm tím, bố đưa đi kiểm tra rồi dự định dẫn đi du lịch nhưng bác sĩ yêu cầu: “Không đi đâu cả. Nhập viện ngay” - Ảnh 4.

Kaiya và em gái (Ảnh: dailymail)

Sau khi Kaiya mắc bệnh, chị Annu đã phải nghỉ việc ở nhà để chăm cô bé và Annika (3 tuổi). Gia đình họ giờ đây vẫn tích cực kêu gọi mọi người đăng ký hiến tủy cho Kaiya.

(Nguồn: dailymail)

Leave a Reply

Or