Chăm trẻ bị sốt xuất huyết, không khó mẹ ơi!

Trẻ bị sốt xuất huyết nếu không được phát hiện kịp thời, hoặc điều trị sai cách sẽ dẫn đến những biến chứng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Để bảo vệ con khỏi sốt xuất huyết, mẹ nên tự trang bị cho mình những kiến thức cơ bản nhất về bệnh

Tốc độ lây lan nhanh chóng, dễ bùng phát thành dịch, sốt xuất huyết nếu không được điều trị kịp thời dễ dẫn gây biến chứng nặng nề cho sức khỏe trẻ, thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Hơn nữa, do triệu chứng ban đầu khá giống sốt siêu vi, sốt phát ban… nên dễ gây nhầm lẫn, kéo dài thời gian phát hiện và điều trị bệnh.

Trẻ bị sốt xuất huyết

Cùng có triệu chứng khởi phát là sốt cao liên tục, sốt xuất huyết rất dễ bị nhầm lẫn với sốt siêu vi và sốt phát ban

1/ Nhận biết sớm trẻ bị sốt xuất huyết

Sốt cao liên tục là triệu chứng phát bệnh ban đầu của sốt xuất huyết, nhưng rất dễ gây nhầm lẫn thành sốt siêu vi hoặc sốt phát ban. Để xác định chính xác bệnh, mẹ nên theo dõi ít nhất 3 ngày đầu tiên kể từ ngày khởi phát.

– Bệnh khởi phát ngày đầu tiên: Trẻ đang khỏe mạnh tự dưng bị sốt cao đột ngột và liên tục, mặt đỏ, cổ họng đỏ nhưng không đau.

– Ngày thứ 2: Trẻ vẫn tiếp tục bị sốt cao liên tục, khó hạ sốt. Dùng thuốc hạ sốt, nhiệt độ chỉ hạ xuống một chút rồi lại tăng lên. Lúc này, để biết chắc hơn mẹ hãy cố gắng tìm các dấu hiệu xuất huyết trên da ở phần bụng, tay chân, cổ, mí mắt.

Chuyển sang ngày thứ 3: Dấu hiệu xuất huyết trên da rõ ràng hơn. Bé vẫn còn sốt cao kèm theo triệu chứng xuất huyết da niêm mạc như chảy máu mũi, máu răng. Đôi khi bị nôn ói, đau bụng thường là đau phần rốn hoặc bên phải rốn.

Khi nào nên đưa trẻ đi viện?

Với những trẻ bị sốt xuất huyết nhẹ, mẹ có thể chăm sóc và theo dõi điều trị cho bé tại nhà. Tuy nhiên, từ ngày thứ 3 trở đi, mẹ cần đặc biệt theo dõi kĩ để phát hiện các triệu chứng tiền sốc. Lập tức đưa trẻ đến bệnh viện nếu có các dấu hiệu sau: Trẻ đang tỉnh táo bỗng trở nên lừ đừ, vật vã, đau bụng dữ dội, tay chân lạnh, da trở nên tím tái…

Dấu hiệu nhận biết trẻ bị sốt xuất huyết

Xuất huyết dưới da là dấu hiệu nhận biết trẻ bị sốt xuất huyết rõ ràng nhất

2/ Trẻ bị sốt xuất huyết, chăm sao cho đúng?

– Bổ sung nước cho cơ thể:

Khi bị sốt, cơ thể bé sẽ bị mất nước kèm với những triệu chứng mệt mỏi, ăn kém càng làm cho trẻ trở nên thiếu nước hơn. Vì vậy, mẹ cần khuyến khích bé uống thật nhiều nước. Trẻ dưới 5 tuổi uống khoảng từ 500-1500ml nước, trẻ trên 5 tuổi uống 2000-2500ml nước trong ngày. Không bắt buộc phải uống nước lọc, mẹ có thể cho bé uống nhiều loại như nước cam, nước dừa, nước chanh, nước ép trái cây…

– Uống thuốc hạ sốt

Cho bé uống thuốc hạ sốt theo sự chỉ dẫn của bác sĩ. Tuyệt đối không dùng thuốc Ibufrophen, Aspirin để hạ sốt. Thuốc này rất có hại đối với người bị bệnh sốt xuất huyết vì dễ gây xuất huyết nặng.

– Dinh dưỡng cho bé bị sốt xuất huyết:

Cho bé ăn thức ăn ở dạng lỏng, nhiều dinh dưỡng và dễ tiêu hóa như cháo loãng, súp, sữa. Đặc biệt, cần cung cấp thêm các loại vitamin nhóm A, B, C nhằm tăng cường hoạt động chuyển hóa cho cơ thể và tăng cường sức đề kháng chống lại bệnh.

Khi bị sốt xuất huyết, trẻ cần nằm nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát, không cho trẻ tiếp xúc với mưa, nắng. Mặc quần áo rộng rãi, lau người bằng khăn ấm để tránh sốt cao gây co giật.

Lưu ý dành cho mẹ:

– Không nên cạo gió, cắt lễ vì sẽ làm đau và chảy máu có thể gây nhiễm trùng.’

– Không tự ý cho trẻ uống thuốc, chỉ sử dụng thuốc theo đơn của bác sĩ.

– Không nên cho bé uống các loại nước sẫm màu đen hoặc đỏ vì sẽ gây nhầm lẫn với tình trạng xuất huyết tiêu hóa.

3/ Phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết

Hiện nay vẫn chưa có thuốc hay vắc xin chủng ngừa sốt xuất huyết, cách hiệu quả nhất vẫn là phòng chống bệnh. Mẹ cần thực hiện các biện pháp sau để bảo vệ bé yêu:

– Muỗi chính là trung gian truyền bệnh, vì vậy để tránh bị muỗi đốt nên cho trẻ ngủ màn kể cả ngày lẫn đêm. Phun thuốc diệt muỗi theo định kỳ xung quanh nhà.

– Diệt muỗi, bọ gậy bằng cách vệ sinh làm sạch các nơi đọng nước. Đậy kín các bể chứa nước sinh hoạt không cho muỗi đẻ trứng sinh sôi nảy nở.

 Theo MarryBaby

Leave a Reply

Or