Chăm sóc bé mùa bệnh sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết là một loại bệnh dịch rất nguy hiểm và có tốc độ lây lan nhanh không chỉ người lớn mà trẻ em cũng có tỉ lệ mắc bệnh rất cao. Nếu không biết cách nhận biết dấu hiệu để chữa trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng rất nguy hiểm. Vì vậy, mẹ cần nắm rõ những triệu chứng của bệnh cũng như những cách phòng tránh để bảo vệ sức khỏe của con mẹ nhé.

sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết là một loại bệnh dịch rất nguy hiểm và có tốc độ lây lan nhanh không chỉ người lớn mà trẻ em cũng có tỉ lệ mắc bệnh rất cao. Nếu không biết cách nhận biết dấu hiệu để chữa trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng rất nguy hiểm. Vì vậy, mẹ cần nắm rõ những triệu chứng của bệnh cũng như những cách phòng tránh để bảo vệ sức khỏe của con mẹ nhé.

1. Sốt xuất huyết là gì?

sốt xuất huyết

Bệnh sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do vi rút Dengue gây ra và muỗi cái Aedes Aegypti (thường gọi là muỗi vằn) là trung gian truyền bệnh từ người này sang người khác. Bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường chủ yếu phát thành dịch vào mùa mưa, từ tháng 4 đến tháng 11. Sốt xuất huyết có thể kéo dài từ 7 đến 10 ngày với nguy cơ gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Có 4 chủng virus sốt xuất huyết: DEN-1, DEN-2, DEN-3, DEN-4. Người bị nhiễm 1 chủng virus nào thì chỉ có thể hình thành kháng thể miễn nhiễm với loại virus đó. Do đó, kể cả khi bé đã bị bệnh, mẹ cũng không nên chủ quan vì bé vẫn có thể bị lại nếu nhiễm chủng virus khác.

2. Dấu hiệu của bệnh sốt xuất huyết

Để các bác sĩ có thể chẩn đoán và điều trị chính xác hơn, mẹ cần ghi nhớ cách tính số ngày mà bé mắc bệnh. Theo đó, ngày bé bắt đầu sốt sẽ là ngày đầu tiên bé mắc bệnh. Triệu chứng này cùng các dấu hiệu khác được biểu hiện cụ thể như sau:

– Sốt: bé sốt cao đột ngột nhiệt độ từ 39oC đến 40oC, sốt liên tục và kéo dài. Khi cho bé uống thuốc hạ sốt thì cũng chỉ có tác dụng trong vài giờ.

– Xuất huyết: thường xuất hiện từ ngày thứ 2 bé mắc bệnh và có nhiều loại xuất huyết như sau:

  + Xuất huyết dưới da: biểu hiện dưới dạng chấm xuất huyết hoặc vết bầm máu, vị trí thường gặp trên người là mặt trước 2 cẳng chân, mặt trong 2 cẳng tay, gan bàn tay, lòng bàn chân của bé.

  + Xuất huyết niêm mạc: chảy máu mũi, chảy máu nướu hoặc xuất huyết kết mạc mắt.

  + Xuất huyết đường tiêu hóa: nôn ra máu, tiêu ra máu,…

Trong một số trường hợp, bé có thể biểu hiện các dấu hiệu trên kèm với đau họng, viêm kết mạc mắt, mệt mỏi, buồn nôn và nôn. Ở các trẻ nhũ nhi, bé có thể có triệu chứng ho, sổ mũi, tiêu chảy vì thế rất dễ nhầm lẫn với các bệnh khác. Cách xử lý tốt nhất trong trường hợp này là mẹ đưa bé đến ngay cơ sở y tế gần nhất ngay khi bé bị sốt để được bác sĩ chẩn đoán và theo dõi. Tùy theo diễn tiến của bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định bé điều trị tại nhà hay nhập viện.

3. Cách chăm sóc tại nhà cho bé bị sốt xuất huyết

sốt xuất huyết

Điều quan trọng nhất khi điều trị tại nhà cho bé là làm theo đúng các chỉ dẫn của bác sĩ để tránh bệnh diễn tiến nặng hơn. Tuyệt đối không tự ý cho bé uống thuốc Aspirin hoặc Ibuprofen vì các nhóm thuốc này có thể gây chảy máu dạ dày. Đồng thời, không nên cạo gió hoặc làm các do có thể sẽ làm đau bé và gây nhiễm trùng.

Bên cạnh đó, để chăm sóc bé, mẹ có thể:

– Cho bé uống nhiều nước: mẹ có thể cho bé uống các loại nước khác nhau như nước lọc, nước sôi để nguội, nước cam, nước chanh, nước dừa tươi, nước canh, nước cháo,…

– Cho bé ăn thức ăn lỏng, giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hóa như cháo dinh dưỡng, súp rau củ, sữa uống các loại,…

– Giúp bé hạ sốt bằng cách lau nước ấm cho bé.

Khi nào cần cho bé đến bệnh viện

Từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 mắc bệnh bé sẽ bắt đầu hạ sốt xuống còn 37,5oC – 38oC hoặc thấp hơn. Trong khoảng thời gian này, nếu phát hiện bé có một trong những dấu hiệu sau mẹ cần đưa bé ngay đến bệnh viện:

– Bé hết sốt, nhưng li bì, vật vã hoặc bứt rứt, kích động.

– Bé bị vã mồ hôi, tay chân bé bỗng nhiên nhớp lạnh, tím.

– Chảy máu mũi, chảy máu chân răng, ói ra máu hoặc đi tiêu phân đen.

– Bé ói mửa nhiều, đau bụng kéo dài và ngày càng tăng.

4. Phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết như thế nào?

Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng:

Để phòng chống bệnh sốt xuất huyết, biện pháp tốt nhất là mẹ nên diệt muỗi, lăng quăng và phòng chống muỗi đốt cho tất cả thành viên trong gia đình. Một số vật dụng có thể là nơi trú ngụ của muỗi mà mẹ không chú ý như: bình hoa, hồ cá, tiểu cảnh, bồn cây thủy sinh, các chai lọ đựng nước sau khi dùng xong,… Chính vì thế mẹ cần thường xuyên:

– Đậy kín và thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn như bể cá và hồ.

– Kiểm tra các công trình trang trí có nước, bồn nước đề phòng lăng quăng

– Chùi rửa các dụng cụ chứa nước hàng tuần.

– Thu gom, hủy hoặc lật úp các vật dụng phế thải có khả năng chứa nước trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ,…

– Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn, tủ đựng chén bát.

– Thay nước bình hoa mỗi ngày.

Phòng chống muỗi đốt:

Bên cạnh tiêu diệt các nơi muỗi có thể cư ngụ, mẹ nên thực hiện các biện pháp sau để hạn chế việc bé bị muỗi đốt:

– Cho bé mặc quần áo dài tay và sáng màu.

– Dùng vợt điện diệt muỗi, các loại tinh dầu thiên nhiên chống muỗi.

– Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi và cho bé ngủ trong màn/ mùng kể cả ban ngày.

– Ngoài ra, mẹ có thể bổ sung những thực phẩm giàu vitamin B1 vào chế độ ăn uống hàng ngày của con như hạt hướng dương, cá ngừ, đậu đen và rau lá xanh màu,… việc này sẽ giúp cơ thể bé đổi mùi và tránh được tình trạng bị muỗi đốt.

Trường hợp gia đình có người bệnh, nên cho người bị sốt xuất huyết nằm trong màn, tránh muỗi đốt để không lây lan bệnh cho bé cũng như các thành viên khác trong gia đình. Ngoài ra khi đi đến những khu vực có thể có muỗi trú ngụ mẹ có thể cho bé sử dụng các loại kem/ thuốc xịt chống muỗi. Tuy nhiên, để sử dụng mẹ cần lưu ý một vài điều sau:

– Không dùng thuốc chống muỗi dạng kem hoặc xịt cho bé dưới 6 tháng tuổi và sử dụng hạn chế cho bé trên 6 tháng vì chúng có thể gây dị ứng khi xâm nhập vào bên trong da.

– Không xịt/ thoa thẳng lên mặt, cổ của bé vì thuốc có thể bay hơi và xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp. Cách tốt nhất là xịt/ thoa lên tay rồi mới thoa cho bé.

– Kem chống muỗi không phải là thuốc trị vết muỗi đốt.

– Không lạm dụng kem/ xịt chống muỗi, dùng đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất trên bao bì.

Hiện tại vac-xin sốt xuất huyết vẫn còn trong giai đoạn điều chế và thử nghiệm, chính vì vậy,  diệt muỗi – nguyên nhân chủ yếu gây nên bệnh – là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh. Bên cạnh đó, mẹ cũng nên bổ sung các vitamin và khoáng chất có lợi cho hệ miễn dịch để đảm bảo sức khỏe cho bé trong mùa mưa này, mẹ nhé!

Chúc bé khỏe mẹ vui ^^

Theo bsnhi

Leave a Reply

Or