Cha mẹ nên thúc đẩy con thành công tới mức độ nào?

Nhiều cha mẹ cứ luôn bắt ép con mình phải thành công. Điều đó có đúng không và liệu thúc đẩy con tới mức nào là đi quá giới hạn?

Câu trả lời của vấn đề này tùy thuộc vào 2 vấn đề. Vấn đề thứ nhất là làm sao để đánh giá mức độ thành công. Vấn đề còn lại là xác định xem ai mới thực sự là người đạt được thành công. Một khi những vấn đề này được giải đáp, bạn sẽ dễ dàng tìm ra đáp án của câu hỏi: “Cha mẹ nên thúc đẩy con cái thành công tới mức độ nào?”.

Thành công được đánh giá qua thu nhập

cha me nen thuc day con thanh cong toi muc do nao

Nếu bạn mong muốn con mình kiếm được nhiều tiền, như vậy, con đường dẫn đến thành công đã rõ ràng. Tuy nhiên, trên con đường này, con có thể gặp phải những điều mà bạn không hề mong muốn. Những người theo đuổi sự giàu có và coi nó là thước đo duy nhất của sự thành công có thể không bao giờ kiếm đủ số tiền khiến họ hạnh phúc. Sự giàu có cũng có thể có nghĩa là bạn phải bỏ qua tình bạn và các mối quan hệ khác nếu những điều này ảnh hưởng tới lợi ích cá nhân. Ngoài ra, các vấn đề sức khỏe do làm việc quá sức và căng thẳng ngay từ khi còn trẻ cũng là những mặt trái của thành công theo định nghĩa này.

Đánh giá thành công qua sự nổi tiếng

Để có được sự nổi tiếng, người ta thường phải đi qua 2 con đường. Con đường đầu tiên rất dài và phải tiến một cách chậm chạp. Do đó, hầu hết các bậc cha mẹ đánh giá thành công qua sự nổi tiếng sẽ không thích thú lắm với con đường này. Một người có khi phải lao động cật lực trong rất nhiều năm mới được ghi nhận chút ít. Thậm chí, có thể sự nổi tiếng sẽ không bao giờ đến.

Con đường còn lại đến từ việc xô đẩy, vượt qua qua đám đông để có được vị trí vàng dưới ánh đèn. Cách này dĩ nhiên sẽ mang đến rất nhiều kẻ thù và bạn có thể gục ngã bất cứ lúc nào. Thông thường, những người đạt được danh tiếng theo cách này không hề chuẩn bị sẵn sàng khi nó đến. Thậm chí, sự nổi tiếng có thể tàn phá cả tuổi trẻ của bạn.

Trở thành cầu thủ hay vận động viên xuất sắc

Nhiều giờ luyện tập có thể phá hỏng sự phát triển về mặt xã hội và gây tổn hại cho cơ thể của trẻ. Vấn đề là chỉ có rất ít cầu thủ hay vận động viên xuất sắc mới có được sự nghiệp huy hoàng. Ngay cả những người từng tham gia các giải đấu lớn cũng có thể chỉ dừng lại ở một sự nghiệp ngắn ngủi hoặc làm nền cho các ngôi sao. Như vậy, một khi đi theo con đường này, sự hy sinh còn to lớn hơn những phần thưởng.

Trình độ giáo dục và nghề nghiệp chuyên môn là dấu ấn của sự thành công

Giáo dục là một điều tuyệt vời, tuy nhiên, nó không phải là tất cả mọi thứ. Thực tế, hầu hết những người trẻ tuổi đầu tư thời gian vào việc nâng cao bằng cấp chỉ vì sự thúc giục của cha mẹ. Ngay cả khi các bậc phụ huynh không trực tiếp nói với con cái, trẻ vẫn cảm thấy áp lực bởi kỳ vọng của cha mẹ. Đây không phải luôn là một điều xấu, nhưng cha mẹ cần có được động cơ đúng đắn khi làm điều này.
Bố mẹ đang thúc đẩy thành công của con, hay của chính mình?

Trong nhiều trường hợp, cha mẹ thúc đẩy con cái thành công chỉ vì bản thân mình trong quá khứ đã bỏ lỡ nhiều cơ hội. Họ muốn thông qua con để biến giấc mơ của mình thành hiện thực. Không chỉ có vậy, một số bậc phụ huynh còn coi thành công hay thất bại của trẻ là thước đo thành tích của họ trong cuộc sống.

Đừng bắt ép con phải thành công

Thay vì thúc đẩy, bắt ép con cái thành công, cha mẹ nên cho con những sự lựa chọn. Thành công nên được đánh giá bằng khả năng lựa chọn con đường dẫn đến hạnh phúc hoặc ít nhất là một cơ hội để được hạnh phúc. Định nghĩa thành công như thế nào, đó nên là điều con lựa chọn, chứ không phải cha mẹ.

Khi cha mẹ bộc lộ rằng họ thất vọng khi con không thành công, điều đó nghĩa là họ đã thúc ép con quá mức. Đừng khiến con quá áp lực vì kỳ vọng của cha mẹ. Ngoài ra, đừng khiến con nghĩ rằng cha mẹ chỉ chấp nhận khi con đạt được những mục tiêu nhất định. Hãy khuyến khích con theo đuổi giấc mơ của mình chứ không phải giấc mơ của bạn. Nói cho cùng thì đó là cuộc sống của con và con có quyền sống, cũng như thành công theo cách mình mong muốn.

 

 

theo: mecon

Leave a Reply

Or