Cha mẹ lo ngay ngáy giữa cao điểm mùa bệnh tay chân miệng

Dù nhiều người biết tay chân miệng là căn bệnh tự đến tự đi nhưng ai cũng lo lắng vì “biết đâu con mình bị nhiễm E71” – chủng dễ gây biến chứng nặng của bệnh tay chân miệng.

Lo lắng đưa con nhập viện xét nghiệm

Những ngày gần đây, số trẻ nhập viện do bị tay chân miệng tại BV Nhi Trung ương, khoa Nhi bệnh viện Bạch Mai tăng lên đáng kể.

Theo Tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), bệnh này bắt đầu xuất hiện ở nước ta từ năm 2005, tuy nhiên đỉnh điểm là năm 2011 với từ 100-150 nghìn trường hợp mắc bệnh. Năm 2014 tuy đã giảm số ca mắc so với năm 2013 song vì chưa có thuốc đặc trị, điều kiện vệ sinh cá nhân, điều kiện môi trường ngày càng ô nhiễm nên vẫn có nguy cơ xảy ra dịch trong thời gian này.

tay-chan-mieng

Gương mặt thẫn thờ ngồi quạt cho con trong bệnh viện Bạch Mai, chị Bích Phương (Hai Bà Trưng, Hà Nội) nước mắt ngắn dài: “Mấy ngày trước thấy bé Bi nhà mình đi ngoài liên tục, tưởng con ăn nhầm thứ gì mình mua thuốc đau bụng cho con, ngoài ra mình cho con uống nhiều nước cam. Thế nhưng mình lo lắng vô cùng khi tình hình này nặng hơn, bé tiêu chảy dữ dội hơn, miệng nôn trôn tháo”.

Cùng hoàn cảnh là chị Huệ (Bắc Giang). Mấy hôm nay vợ chồng chị phải nghỉ việc để đưa con lên Hà Nội khám bệnh. Bé nhà chị 12 tháng tuổi, gần đây bé cứ ăn vào là nôn, tiêu chảy liên tục, biếng ăn, người có dấu hiệu mệt lả. Rồi mới đây trong miệng bé xuất hiện những vết loét, phỏng nước.

Thấy con sút cân nhanh, người lả đi vì mệt, anh chị đưa con lên Hà Nội khám, các bác sĩ chẩn đoán cháu bị tay chân miệng.

Không chỉ hai bà mẹ trên, rất nhiều gia đình biết con mình mắc tay chân miệng cũng rục rịch đưa con đi kiểm tra xem đó là chủng gì. Chị An Mi (Gia Lâm, Hà Nội) chia sẻ: “Nhìn những dấu hiệu thể hiện ở con, tôi cũng đoán con mình đi học nên bị lây tay chân miệng. Tôi cũng biết bệnh này rất nhẹ, chỉ cần giữ vệ sinh tay chân cho con, cách ly con ở nhà một thời gian nhưng làm sao tôi yên tâm được khi chưa biết con mình bị tay chân miệng chủng gì? Liệu có dính phải chủng EV71 hay không? Nên để yên tâm, tôi cứ đưa con mình đi xét nghiệm”.

Cha mẹ cần theo dõi để kịp thời phát hiện mức độ bệnh của con

Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch, do virus đường ruột gây ra. Hai nhóm tác nhân gây bệnh thường là Coxsackie virus A16 và Enterovirus 71 (E71). Biểu hiện chính là tổn thương da, niêm mạc dưới lòng bàn tay, miệng, dưới lòng bàn chân, mông, gối. Bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn tới tử vong nếu không được phát hiện sớm và kịp thời xử lý.

Các trường hợp biến chứng nặng thường do chủng E71 gây nên.

tay-chan-mieng-4

Bệnh lây chủ yếu theo đường tiêu hóa, nguồn lây chính là nước bọt, phỏng nước, phân của trẻ nhiễm bệnh. Bệnh tay chân miệng gặp rải rác quanh năm ở hầu hết các địa phương, nhưng tập trung nhiều nhất tại phía Nam. Tại các tỉnh phía Nam, bệnh có xu hướng tăng cao vào hai thời điểm từ tháng 3 đến tháng 5, tháng 9 tới tháng 12 hàng năm. Bệnh gặp trong mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt tập trung ở nhóm trẻ dưới 3 tuổi. Các yếu tố sinh hoạt tập thể như trẻ đi nhà trẻ, mẫu giáo, đến các nơi tập trung đông đúc là các yếu tố nguy cơ lây truyền bệnh.

Triệu chứng lâm sàng: Giai đoạn ủ bệnh từ 3-7 ngày; giai đoạn khởi phát từ 1-2 ngày với các triệu chứng sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, lười ăn, tiêu chảy; giai đoạn toàn phát: kéo dài 3-10 ngày với triệu chứng điển hình: loét miệng, phát ban dạng phỏng nước, sốt, nôn, biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp; giai đoạn lui bệnh: thường từ 3-5 ngày sau.

Vì biến chứng của tay chân miệng rất nguy hiểm nên ai ai cũng lo lắng. Từ chân tay miệng, biến chứng của nó là viêm não, viêm thân não, rung giật cơ, viêm cơ tim, phù phổi…

Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ điều trị hỗ trợ (không dùng kháng sinh khi không có bội nhiễm). Khi biết con bị bệnh này, cha mẹ cần theo dõi để phát hiện sớm, phân độ đúng và điều trị phù hợp.

tay-chan-mieng-2

Bác sĩ Dũng nhấn mạnh, chăm bé bị bệnh tay chân miệng, cha mẹ phải vô cùng lưu ý. Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ cho bé, dinh dưỡng theo tuổi, hạ sốt khi sốt cao, vệ sinh tay chân sạch sẽ.

Bác sĩ đưa ra lời khuyên trong việc phòng ngừa bệnh chân tay miệng, đó là: Vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng. Rửa sạch đồ chơi, vật dụng, sàn nhà. Lau sàn nhà bằng dung dịch khử khuẩn Cloramin B 2% hoặc các loại dung dịch khác. Cách ly trẻ bệnh tại nhà…

Phân biệt bệnh tay chân miệng với các bệnh khácNhiều vi rút có thể gây các nốt đỏ và loét trong miệng – chứ không chỉ riêng những vi rút gây bệnh tay chân miệng.Tuy nhiên, bác sĩ có thể phân biệt bệnh tay chân miệng với các nhiễm vi rút khác bằng:- Tuổi của người bệnh – bệnh tay chân miệng hay gặp nhất ở trẻ dưới 10 tuổi

– Mô hình triệu chứng – các triệu chứng bắt đầu bằng sốt cao và đau họng; sau đó các vết loét phát triển trong miệng của trẻ, tiếp theo là các nốt phát ban ở bàn tay và bàn chân

– Biểu hiện của các nốt – những nốt này nhỏ hơn nốt thủy đậu và thường có màu sắc, kích thước và hình dạng khác biệt.

Có thể khẳng định (hoặc loại trừ) bệnh tay chân miệng bằng cách dùng tăm bông quệt vùng da, họng hoặc trực tràng của người bệnh và mang xét nghiệm. Đối với trẻ em có thể dùng mẫu phân.

Nguyễn Hương (tổng hợp)

Leave a Reply

Or