Cần bao nhiêu tiền cho ngân sách sinh con?

Sau khoảng thời gian kiêng cữ, từ tam cá nguyệt thứ ba, các mẹ bầu đã lục tục đi mua sắm đồ cho con, bắt đầu hành trình làm mẹ. Vậy các mẹ bầu cần phải chuẩn bị bao nhiêu tiền cho ngân sách sinh con?

Mua sắm trước khi sinh
Hầu như những bà mẹ sinh con lần đầu đều không kiểm soát được phần ngân sách mua đồ cho bé sơ sinh. Vì lần đầu sinh con, nên các mẹ thường “vung tay quá trán”, nên nếu không lên một kế hoạch hoàn hảo cho vụ mua sắm này, có thể các mẹ sẽ rơi vào tình trạng mất kiểm soát: mua đồ quá nhiều bé không dùng tới, hoặc mua những món đồ không khả dụng. Lời khuyên cho các mẹ là nên tham khảo từ những chị em đã có kinh nghiệm và nên khoanh vùng những khoản cho tiêu cho bé sắp chào đời. Bởi lẽ, sau khi sinh, chúng ta còn rất nhiều khoản khác phải chi tiêu.



Những bộ đồ xinh đẹp cho con yêu dễ khiến các mẹ chi tiêu hụt ngân sách

Ví dụ, với quần áo, giầy vớ… vì bé lớn rất nhanh và ít có dịp ra ngoài nên có thể mặc đồ cũ của anh chị là được. Nếu mẹ muốn mua cho bé đồ mới, thì chỉ cần mua khoảng 5 bộ dài, 5 bộ ngắn cho từng size là đủ. Mẹ chọn cho bé quần áo có chất vải mát, dễ thấm hút mồ hôi, cho bé mặc áo chui đầu tiện lợi và ấm áp hơn áo cài nút. Tổng chi phí cho khoản mua quần áo chỉ nên dừng lại ở khoảng 2-3 triệu.

Những khoản bắt buộc phải chi mà mẹ cần phải nghiên cứu kỹ từng hãng sản xuất như: bỉm, sữa… Mẹ hãy chọn cho bé loại tã dán newborn thấm hút tốt; bé tròn 1 tuổi là mẹ có thể bỏ bỉm để tiết kiệm và cho bé thoải mái hơn. Mỗi tháng, các mẹ sẽ tốn khoảng 500 ngàn cho bỉm tã.

Với giường – cũi, hãy xác định trước bé ngủ riêng hay ngủ chung. Nhiều mẹ bầu xác định cho con ngủ riêng nhưng vì bất tiện việc cho con bú nên lại bế con vào ngủ chung, nên cái nôi trở nên thừa thãi. Mà các mẹ lưu ý: mua đồ mới cho bé thì rất đắt đỏ, nhưng khi thanh lý đồ thì lại rất rớt giá. Thành ra, hãy cân nhắc trước khi xuất quỹ mua nôi, và nếu thực sự cần thiết thì chỉ nên dành 3 triệu cho khoản này.

Những dụng cụ chăm sóc sức khỏe của bé mà mẹ cần sắm như dầu khuynh diệp, bộ hút mũi, đo nhiệt độ, bấm móng tay…, thậm chí cả gối thảo dược, là rất cần thiết. Những chi phí cho các khoản này cũng chỉ nên dừng lại ở mức 1 triệu là đủ.

Xe đẩy, xe nôi… rất cần khi cho bé đi phơi nắng, hoặc đi chơi, nhưng bé chỉ cần dùng đến khoảng 1 tuổi (hoặc cho đến khi biết đi). Mẹ nên mua loại xe đẩy nhẹ, có thể xếp gọn khi đi xa. Với 1 triệu đồng, mẹ đã có rất nhiều lựa chọn cho xe đẩy rồi.

Nếu mẹ không phải sửa sang phòng ốc để đón bé yêu, thì với khoảng 7-8 triệu, mẹ đã có thể chuẩn bị đầy đủ những thứ cần thiết để đón con chào đời.

Viện phí sinh con
Mục tiêu khi sinh con của các mẹ chỉ đơn giản là “mẹ tròn con vuông”, song nếu mẹ không muốn cảm thấy “đi biển mồ côi một mình” thì có những khoản mẹ nên “chịu chi”. Phòng sinh gia đình, sinh dịch vụ là lời khuyên đầu tiên cho các mẹ sinh con lần đầu. Khoản phí mẹ phải chi khoảng 2 triệu, mẹ sẽ có quyền có một người nhà ở bên cạnh mình trong quá trình vượt cạn. Một số mẹ thích có chồng ở bên trong giai đoạn này để chồng thấu hiểu được những đau đớn của người vợ khi sinh thiên thần bé bỏng, nhưng lời khuyên tốt nhất dành cho thai phụ là nên nhờ mẹ/ bạn thân/ chị ở bên cạnh vào lúc này. Vì chỉ những người phụ nữ đã qua sinh nở rồi mới “đọc” được rõ nhất các triệu chứng, các giai đoạn bé chào đời để giúp bạn hay có lời khuyên kịp thời.




Mẹ nào cũng muốn trải qua một cuộc vượt cạn thành công, mẹ tròn con vuông

Các mẹ thay vì chọn bác sĩ riêng đỡ đẻ, hãy cân nhắc đến giải pháp chọn êkip trực cho ca vượt cạn. Bởi vì không ít mẹ đã phải mỏi mòn chờ bác sĩ riêng đến đỡ đẻ và rốt cuộc vẫn phải vượt cạn với bác sĩ trực vì bác sĩ riêng không đến kịp. Với êkip trực, bạn không phải tốn thêm đồng “bồi dưỡng” nào cả, vì các bác sĩ luôn làm công việc của họ một cách nhiệt tình. Còn nếu chọn bác sĩ riêng, có khi số tiền “cám ơn” lên đến vai ba triệu. Khoản này bạn nên tiết kiệm cho con thì hơn.

Nếu sinh thường và sức khỏe của cả mẹ vè bé đều ổn định, thì khoảng 3 ngày sau sinh là bạn có thể xuất viện. Nếu sinh mổ, thời gian có thể kéo dài đến 5 ngày hoặc 1 tuần tùy vào sức khỏe hai mẹ con. Lời khuyên cho các mẹ là không nhất thiết phải chọn phòng VIP nếu kinh tế không cho phép. Riêng chi phí phòng VIP (phòng dịch vụ) sẽ tiêu tốn của bạn hết khoảng 3-5 triệu và dĩ nhiên khoản này không được bảo hiểm hoàn trả.

Khi đi sinh, có rất nhiều chi phí phát sinh mà các mẹ cần chuẩn bị, như chi phí ăn uống hàng ngày cho cả mẹ và người chăm sóc, chi phí các dịch vụ vệ sinh cho mẹ và bé… Các mẹ nên dự phòng khoản này trong khoảng 3 triệu.

Như vậy, tổng kết lại là các mẹ hãy chuẩn bị khoảng từ 7 đến 10 triệu cho kỳ sinh nở. Nếu có phát sinh, hãy nằm trong chừng mực.

Chi phí sau sinh
Sau khi mẹ và bé đã được về nhà, đây là lúc cả nhà dồn sức cùng chăm mẹ cho mau lại sức và chăm bé sơ sinh. Mẹ lúc này cần được nghỉ ngơi và bồi bổ để đủ sữa cho con bú và “chiến đấu” trong những này đầu làm mẹ. Dinh dưỡng cho mẹ và bé là vấn đề cần quan tâm lúc này. Mẹ cần ăn đủ chất dinh dưỡng, bổ sung các vi chất… để nhanh chóng hoàn thiện thể chất sau 9 tháng 10 ngày mang nặng đẻ đau. Đừng nên kiêng cữ quá đà, mẹ sẽ không đủ sức khỏe để chăm bé. Khẩu phần của mẹ cũng nên thay đổi cho ngon miệng.

Hành trình làm mẹ mới bắt đầu, và các mẹ cần phải chuẩn bị một khoản riêng để lo cho sức khỏa của cả mẹ và con. Chi phí này không ít, nhưng càng nhiều thì mẹ càng yên tâm hơn trong chặng đường làm mẹ vất vả phía trước.

Theo webtretho

Leave a Reply

Or