Cách xử lý ngộ độc bé nhất định phải biết

Rất nhiều rủi ro có thể xảy ra nếu bé vô tình tiếp xúc với chất độc khi vui chơi, khi đi học hoặc sinh hoạt hằng ngày. Chất độc có thể gây tổn thương da, tổn thương các cơ quan nội tạng và thậm chí khiến trẻ tử vong. Vì vậy, con bạn cần phải được trang bị những kiến thức cơ bản để tự xử lý ngộ độc trước khi có người lớn đến trợ giúp

Giúp con nhận biết chất độc

Với trẻ nhỏ ở tuổi lên 3, lên 5, những cây nến thơm cũng hấp dẫn không kém gì kẹo ngọt. Bạn cần giải thích rằng, rất nhiều loại chất độc trông hệt như đồ ăn, thức uống. Bạn cần lưu ý trẻ không nếm bất kỳ món gì có vẻ là lạ, hay hay mà không hỏi ý kiến của người lớn. Bé cần hiểu rằng chất độc có thể gây tổn thương khi lọt vào mắt, mũi, miệng hay da.

Mẹ cần chỉ cho bé biết các đồ vật hay đồ dùng đựng các chất có thể gây ngộ độc cho bé như nước tẩy, bình xịt côn trùng, bình gas, các loại thuốc uống, xà bông, kem đánh răng… Giải thích với bé rằng chúng được sử dụng chỉ cho một mục đích nhất định, không phải để ăn, không được để dây vào tay, vào mắt.

Xử lý khi bị ngộ độc

Với một số hướng dẫn cấp cứu ngộ độc nho nhỏ dưới đây, những hậu quả do chất độc gây ra sẽ được hạn chế đến mức thấp nhất.

Khi hít phải chất độc

Việc đầu tiên cần làm là chạy ra khỏi nơi có chất độc, tìm một nơi thoáng khí để hít thở. Sau đó, bé có thể quay lại căn phòng nơi chất độc đổ ra để mở các cửa sổ, quạt thông gió để chất độc trong phòng bay bớt ra bên ngoài.  Nếu chất độc ở dạng lỏng, nên đợi một khoảng thời gian nữa mới có thể lau chúng đi. Trong lúc này, trẻ có thể gọi người lớn đến trợ giúp.

Tuyệt đối không ở lại nơi có chất độc hay khói gây ho, xót mắt hoặc khó thở

Chất độc bắn vào mắt

Khi xảy ra tình huống này, bé nên rửa mắt với nước sạch rồi gọi cho bệnh viện hay trung tâm phòng độc để được hướng dẫn thêm. Bé cần tránh dụi mắt hoặc chớp mắt, không dùng thuốc nhỏ mắt vì có thể gây phản ứng nặng hơn.

Chất độc dính lên da

Khi làn da tiếp xúc với chất độc hoặc khi bị côn trùng, vật mang nọc độc cắn, đốt, bé cần rửa da với nước sạch rồi gọi ngay cho trung tâm phòng độc hay bệnh viện để được hướng dẫn.

Nếu da bị bỏng, bé nên nhớ tuyệt đối không bôi dầu ăn, thuốc mỡ hay kem đánh răng vì chất độc có thể bị kẹt lại trên da, gây bỏng nặng hơn.

Bé lỡ ăn/uống phải chất độc

Trong trường hợp may mắn, chất độc chỉ mới dính vào miệng thì bé có thể dùng nước để rửa sạch. Nếu chất độc đã dính vào lưỡi, hoặc bé đã nuốt vào bên trong, tốt nhất là uống nước sạch rồi gọi cho trung tâm phòng độc hoặc bệnh viện.

Sơ cấp cứu ngộ độc 2

Để tránh cho con khỏi những trường hợp ngộ độc đáng tiếc, người lớn nên thông báo rõ mỗi khi sử dụng các chất tẩy rửa, diệt côn trùng… Nếu đựng hóa chất trong các chai nhựa, lọ thủy tinh…, bạn nên dán nhãn ghi rõ tên hóa chất hoặc ký hiệu cho bé biết là không được sử dụng.

Dạy trẻ ghi nhớ số điện thoại cấp cứu hoặc trung tâm chống độc rất hữu ích trong trường hợp cần thiết:

-Số điện thoại cấp cứu: 115. Bé có thể gọi thẳng đến tổng đài mà không cần bấm mã vùng

-Số điện thoại trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai (HN): 04.8697.501

Theo MarryBaby

Leave a Reply

Or