Cách phát hiện và ngăn chặn trẻ bị bạo hành

Theo dõi thông tin về vụ trẻ bị cô giáo bạo hành tại trường mầm non những ngày qua nhưng bản thân chị Thanh Hương lại chưa một lần dám vào xem đoạn video. Là một người mẹ, chị cho rằng, hành động bạo hành trẻ của các cô giáo thật sự rất đáng lên án và bị xử lý. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn với các bậc phụ huynh là phải tìm hiểu nguyên nhân sâu xa đằng sau và giải quyết được gốc rễ, có như vậy mới hy vọng những vụ việc tương tự không xảy ra thêm.

Trẻ bị bạo hành, cần nhìn nhận từ hai phía: gia đình và giáo viên

Theo chị Thanh Hương, có hai điều cần nói đến ở đây, thứ nhất là việc đào tạo giáo viên mầm non. Trên thực tế, nhiều cô giáo từ đầu đã không chọn nghề vì yêu nghề, yêu trẻ mà “do không thi được vào đâu” thì khó có thể làm tốt công việc của mình. Thêm nữa, trước khi chọn ngành, các cô giáo tương lai lại không được định hướng nghề nghiệp, không được tham gia vào thực tế và chuẩn bị tâm lý cho công việc mình làm nên lúc vào nghề, gặp trẻ có thể thấy áp lực, dễ bị stress.

“Như ở nhà mình nuôi 1-2 bé thôi mà còn thấy mệt nữa là các cô chăm cả chục bé, nên nếu không được chuẩn bị kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm và tinh thần đầy đủ từ trước thì các cô khó lòng yêu thương trẻ, nhẹ nhàng, đủ kiên nhẫn với bé”, hot mom chia sẻ.

13138997-10201726744127183-681-6575-6259-1486464944

Điều thứ hai, khi trẻ bị bạo hành, một phần lỗi cũng ở phụ huynh. Cho con gái đi học từ lúc 19 tháng đến bây giờ là 4,5 tuổi, Thanh Hương nhận thấy, nhiều bố mẹ coi trường mầm non là nơi có trách nhiệm phải nuôi dạy con mình. Con béo – gày, khỏe – yếu gì cũng tới trách móc các cô. Trong khi đó, việc nuôi dạy con phải từ cả phía gia đình (nếu không nói giáo dục trong gia đình là quan trọng nhất).

Phát hiện và ngăn chặn con bị bạo hành 

Từ kinh nghiệm thực tế của mình, Thanh Hương bảo, bản thân cha mẹ hoàn toàn có thể biết và ngăn chặn được việc trẻ bị bạo hành nếu dành đủ thời gian cho con ở nhà, tâm sự với con, để ý đến những thay đổi tâm lý của con, biết cách gợi chuyện, hỏi han con về cuộc sống hàng ngày ở lớp. Mỗi tối, chị đều nói chuyện với Nhím (tên của con gái Thanh Hương) xem hôm nay ở lớp bạn làm gì, chơi trò gì, với ai, có vui không, các bạn làm gì đúng, làm gì sai… Khi con kể chuyện bạn A đánh bạn hoặc bạn B ăn chậm, chị lại hỏi con: “Vậy khi đó cô có nói gì/làm gì không?”. Chị khuyên các bố mẹ, không cần (và không nên) đặt câu hỏi trực tiếp kiểu mớm cung cho con như: “Cô có đánh con không, có mắng con không?…” mà thông qua chuyện con kể về hoạt động hàng ngày, tâm trạng buồn – vui của con và các bạn để hiểu là con thích đi lớp hay sợ hãi, con có bị đánh mắng hay không…

Khi bé Nhím mới đi học mẫu giáo và chưa nói được nhiều, Thanh Hương thường có thói quen đến đón con sớm, ngồi quan sát các bạn nhỏ chơi, thái độ của cô và các bạn khác khi bố mẹ tới, rồi trò chuyện với cô giáo cùng vài phụ huynh. Chị cho rằng, “nếu để tâm một chút, mình sẽ dễ thấy việc các cô có đang ‘đóng kịch’ hay không thông qua thái độ của bạn nhỏ với cô. Nếu thấy các bé cứ lấm lét, sợ hãi cô thì mình cần để ý hơn, có thể chỉ là cô khó tính, nhưng cũng có thể do cô có vấn đề gì đó. Còn nếu các bạn nhỏ vui vẻ ôm hôn cô, chơi đùa cùng cô thì chứng tỏ bạn rất thích cô. Trẻ con rất nhạy cảm”.

Khi cảm thấy “có vấn đề”, Thanh Hương không hỏi thẳng cô giáo mà lân la nói chuyện với các phụ huynh khác để xem bạn cùng lớp của con cảm nhận về cô như thế nào bởi “nhiều khi chỉ là cảm tính của từng bạn khác nhau thì sao”. Nếu nhiều phụ huynh đều nói con sợ cô thì chị Hương sẽ hỏi thêm các cô giáo khác (một lớp thường có mấy cô) theo kiểu “tám chuyện chị em”, chẳng hạn: “Hình như cô A có vẻ khó tính em nhỉ? Thấy các bạn có vẻ sợ cô”. Trong trường hợp cần thiết, chị sẽ trực tiếp góp ý với cô hiệu trưởng để cô có trách nhiệm phúc đáp lại cho phụ huynh và chấn chỉnh giáo viên. Việc đổi trường cho con được tính đến khi hiệu trưởng không giải quyết được vấn đề và bao che nhau.

Dạy con tự bảo vệ bản thân

Từ khi bé Nhím được khoảng 2 tuổi đến bây giờ, gần như ngày nào chị Thanh Hương cũng dạy con về những bài học về thân thể. Chị nhắc con không được đánh người khác và cũng không cho phép ai đánh con. Nếu có ai đó sờ soạng vào cơ thể con hoặc đánh con thì con phải chạy ra chỗ khác thật nhanh, đồng thời hét to lên là: “Không được đánh Nhím”.

Chị cũng không quên dạy con phải kể cho ba mẹ biết ngay những điều xảy ra trong ngày. “Con không cần sợ ai cả. Nếu ai làm gì con, ba mẹ biết ba mẹ sẽ ‘xử lý’, còn nếu con không nói cho ba mẹ thì sẽ không có ai ‘xử lý’ những người xấu đó và con sẽ bị bắt nạt mãi thôi. Như thế thì ba mẹ sẽ buồn lắm” – đó là những điều chị Hương nhắc đi nhắc lại với con mỗi ngày.

 Theo Ngoisao

Leave a Reply

Or