Cách nào giúp con bớt nhút nhát

Bé nhà em hơn 3 tuổi, tính rất kỳ như đi học thì không chịu vào lớp. Dù ba mẹ hay cô giáo có nói nhỏ nhẹ hay nặng lời thì bé cũng không vào, mặc dù đã đi học hơn một năm.

Khi vào lớp học với các bạn thì bé lại vui vẻ, nhưng không tham gia các hoạt động của lớp. Ở nhà bé vui chơi bình thường nhưng cứ khi nào có ai nói tới bé thì cháu lại chui vào góc nào đó để ngồi hoặc không chơi tiếp trò chơi đang chơi hay ăn nốt đồ đang ăn dở. Em không biết làm thế nào để thay đổi tính của con. Mong được các chuyên gia tư vấn. (Nguyễn Thị Thu)

nhat-5626-1382405897.jpg
Ảnh minh họa: Blog.gigmasters.com.

Trả lời

Qua những chia sẻ của bạn có thể thấy bé khá nhút nhát. Trẻ nhút nhát không thích chơi đùa và tham gia các hoạt động tập thể. Trẻ cảm thấy gượng gạo và căng thẳng mỗi khi trở thành trung tâm của sự chú ý, kể cả khi đó là sự chú ý tích cực… Đây là tính cách xuất hiện hầu hết ở trẻ nhỏ từ 6 tháng đến 3 tuổi, vì thế giới xung quanh còn quá mới mẻ và lạ lẫm với chúng, các bé sẽ có xu hướng gần gũi với những người thân quen nhất.

Và theo lẽ tự nhiên, khi trẻ được hơn 3 hoặc 4 tuổi sẽ bắt đầu có nhu cầu vui chơi và tương tác với bạn bè đồng trang lứa. Nếu như lúc này tính nhút nhát vẫn tiếp tục kéo dài thì chúng ta cần có phương pháp tích cực để thay đổi trẻ. Bạn có thể tham khảo một vài gợi ý sau:

– Cha mẹ nên khuyến khích trẻ tham gia vào các hoạt động, trò chơi tập thể, cho trẻ tham gia nhiều hơn các lớp ngoại khóa như học đàn, học vẽ, kỹ năng sống…

– Cha mẹ không nên bao bọc con quá mức, hãy tạo những thách thức nhỏ để con tự thể hiện mình, thường xuyên cho trẻ tiếp xúc, giao lưu với thế giới bên ngoài.

– Tránh mỉa mai, so sánh trẻ với anh chị hoặc bạn cùng chơi có tính cách bạo dạn hơn trẻ.

– Cha mẹ cũng có thể giúp trẻ kết bạn, mời 1-2 người bạn thân của trẻ về nhà. Có bạn thân sẽ mang lại cho trẻ cảm giác an toàn khi đến lớp.

– Cha mẹ nên tự tạo nhiều cơ hội cho con nói trước nhiều người, chẳng hạn như gọi điện nói chuyện với ông bà, giao tiếp khi đi mua đồ, gọi món khi đi ăn hàng…

– Gia đình hãy thật lòng khen ngợi trẻ vì những thành quả hoặc tiến bộ mà trẻ đạt được dù là nhỏ nhất trong mọi hoạt động hằng ngày.

– Cuối cùng, nếu sau nhiều nỗ lực của gia đình mà trẻ không biến chuyển tích cực thì bạn có thể đưa trẻ đến các chuyên gia tâm lý để được hỗ trợ.

Chúc bạn thành công!

 

theo: vnexpress

Leave a Reply

Or