Cách làm mứt cực ngon cho ngày tết

Chỉ còn hơn 2 tháng nữa là tới Tết thôi, hãy chọn lấy vài loại mứt để tập làm cho gia đình một mâm cỗ ấm cúng và an toàn nhé các bạn! 

Mứt quất dẽo:

Nguyên liệu:
Quất/ tắc: 1 kg
Đường cát 700g – 800g
Vôi ăn trầu loại trắng (7g-8g)
Phèn chua (5g)
Muối


Mứt tết


Cách làm:
-Bạn cho vôi vào nước để vôi tan và lắng lại, gạn lấy nước vôi trong phía bên trên.

-Quả quất/tắc rửa sạch, mỗi quả bạn khứa đều chia quả thành 5-6 múi, không khứa đứt quả bạn nhé! Sau đó bạn ấn dẹt bớt quả quất để ra bớt nước chua.

-Ngâm quất/tắc trong nước vôi trong khoảng nửa ngày, sau đó vớt ra xả lại với nước lạnh cho thật sạch. Nước vôi sẽ giúp cho quất khi làm mứt được cứng lại, không bị nát.

Sau khi ngâm nước vôi và rửa sạch, bạn đun sôi 1 lít nước cho phèn chua giã nhỏ hòa vào. Khi nước sôi thì cho tắc vào, tắt bếp và đậy vung chừng 5-7 phút rồi xả toàn bộ quất một lần nữa với nước sạch.

-Ướp quất với đường và thêm vào 1 xíu muối, ướp đến cho đến khi đường tan hết.

-Và đến công đoạn sên mứt quất nhé! Quất sau khi được ngâm nước vôi trong sẽ cứng hơn, tuy nhiên không phải vì thế mà bạn có thể đảo liên tục quất khi sên mứt đâu nha. Bạn để lửa vừa khi quất sôi, sau đó vặn nhỏ lửa và đun quất cho sôi thật nhẹ. Thỉnh thoảng đảo đều quất để đỡ bị cháy. Sên cho tới khi đường dẻo bạn vớt tắc ra.

– Rồi bạn mang mứt quất còn ướt đem phơi chừng 2 – 3 nắng hoặc cho vào sấy khô thì món mứt quất sẽ rất dẻo và thơm ngon. Sau đó cho vào lọ thủy tinh để bảo quản nhé!

Cách làm mứt quất (miền Bắc) hay chính là cách làm mứt tắc (ở miền Nam) luôn được các chị em săn công thức để làm mứt đón Tết về. Mứt quất vừa thơm vừa dẻo và làm cực đơn giản. Bạn hãy thử xem sao nhé!

Mứt Atiso đỏ:

Nguyên liệu:
– 2kg hoa atisô đỏ (hoa bụp giấm)
– 1kg đường
– 1 chiếc lọ thủy tinh hoặc hộp nhựa

Mứt tết

Cách làm:
– Hoa atisô đỏ mua về rửa thật sạch khoảng 10 nước hết cát còn dính lại bên trong cánh hoa.

– Dùng dao tách riêng phần cánh hoa và nhụy hoa atiso. Rửa lại cánh hoa, nhụy khoảng 5 nước nữa. Để nửa ngày cho thật khô nước.
Phần nhụy có thể đem phơi khô sau đó hãm nước uống như hãm chè. Nước atiso có tính thanh nhiệt, giải độc rất tốt cho sức khỏe. Cánh hoa để riêng để ngâm với đường làm mứt hoa atiso.

– Cho cánh hoa atiso vào hộp ngâm với đường, cứ một lớp hoa một lớp đường, lần lượt cho đến khi hết hoa. Ngâm hoa atiso đỏ với đường trong 4 ngày cho tan hết. Như vậy đường sẽ ngấm vào cánh hoa, món mứt atiso sẽ ngon và ngọt hơn.

– Gắp riêng phần cánh hoa atiso ra chảo, sên trên lửa nhỏ cho đến khi cánh hoa hơi quắt lại là được. Sên mứt atisô phải khéo để cánh hoa vẫn còn nguyên vẹn độ ngọt giòn chua thanh.
Phần nước còn lại nấu sôi, để nguội làm si rô. Bảo quản tủ lạnh dùng dần.

Với cách làm mứt hoa atiso này, khay bánh mứt kẹo Tết của gia đình bạn sẽ ngon và đẹp mắt hơn. Mứt hoa atiso hay còn gọi là mứt hoa hồng có độ ngọt vừa phải, ăn mát, mềm, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc rất tốt.

Mứt vỏ Bưởi:

Nguyên liệu làm mứt từ vỏ bưởi
– Vỏ của 2-3 quả bưởi

– 1 viên phèn chua nhỏ

– Muối, đường

– Vani

Mứt tết

Các bước làm mứt vỏ bưởi ngon.

Bước 1:

– Vỏ bưởi rửa sạch, cắt sợi hay bảng to tùy theo sở thích cuả mỗi người.

Bước 2:

– Cho vỏ bưởi vào âu nước muối được pha thật mặn, ngâm khoảng 4-5 tiếng

– Sau đó xả lại nhiều lần nước để không còn mặn.

Bước 3:

– Đun nồi nước sôi cho thêm viên phèn chua vào đun cùng đến khi phèn chua tan thì cho vỏ bưởi vào, đun khoảng 10 phút, vớt ra xả lại nước lạnh cho thật ráo.

– Hãy ăn thử nếu phần vỏ còn vị đắng nhiều thì đun nồi nước muối loãng cho vỏ bưởi vào đun khoảng 10 phút, vớt ra xả lại nước lạnh cho thật sạch.

– Đến khi thấy vỏ chỉ còn vị cay nhẹ thì vớt ra rổ, vắt ráo.

Bước 4:

– Bưởi sau khi vắt ráo, bạn đem cân được 700g vỏ bưởi thì cho thêm 400g đường vào, trộn đều để khoảng từ 5-6 tiếng.

Bước 5:

– Cho bưởi vào nồi, bắc lên bếp sên lửa nhỏ, thỉnh thoảng đảo đều đến khi đường tan hoàn toàn thì tắt bếp.

Bước 6:

– Để nguội xếp ra vỉ khoảng 1 ngày, sau đó cất vào lọ dùng dần.

Mứt dừa lá dứa:


Nguyên liệu:
– 1kg cơm/cùi dừa

– 300gram lá dứa (lá cơm nếp)

– 400 gram đường

Mứt tết

Cách làm:

Bước 1: Chọn dừa

– Chọn dừa bánh tẻ vừa, không quá già, không quá non. Ở Sài Gòn bạn có thể qua các chợ mua cơm dừa sẵn. Ở Hà Nội, bạn có thể nhờ người bán dừa tư vấn để chọn đúng dừa bánh tẻ ngon. Nhìn cảm quan, cơm dừa bánh tẻ hơi ướt, sờ mềm.
Bước 2: Nạo dừa

– Gọt sạch lớp vỏ xám (áo lụa) bên ngoài trái dừa. Bổ trái dừa làm đôi, bỏ nước
– Bạn có thể dùng dao nạo thành vát mỏng nếu muốn ăn dạng mứt dừa miếng. Còn nếu muốn dùng dạng mứt sợi thì dùng nạo mướp nạo mỏng theo vành tròn sẽ được sợi dài, đều.

– Sợi dừa bánh tẻ có độ đàn hồi tốt, khó gãy gập

Bước 3: Khử dầu dừa bằng 1 trong 2 cách
– Ngâm dừa đã nạo trong tô nước lớn từ 10-12 giờ, sau đó rửa sạch để ráo.

– Nếu bạn không có nhiều thời gian thì xả nước rửa liên tục cho đến khi thấy nước rửa dừa trong thì cũng bỏ ra rổ để ráo.
Bước 4: Nhuộm màu, tạo vị cho mứt dừa

– Lá dứa xay sinh tố, trộn với 300ml nước, lọc bỏ bã. Ngâm cùi dừa đã nạo vào tầm 15-30 phút đến khi miếng dừa chuyển sang màu xanh thì đổ ra rổ, để ráo, bỏ phần nước lá dứa đi.

– Nếu bạn thích thêm các vị khác như sầu riêng, socola, dâu tây… để làm đủ hộp mứt dừa ngũ sắc bày Tết thì cũng làm tương tự: tạo nước cốt màu và vị, ngâm dừa vào, khi dừa đã chuyển màu thì vớt ra để ráo.

Bước 5: Ướp đường

– Cân lại dừa sau các bước đã làm. Cứ 1kg dừa nên dùng 400gram đường sẽ có vị ngọt thanh. Nếu bạn muốn ăn ngọt hơn thì dùng 500-600gram đường.
– Cho dừa và đường vào một tô lớn. Bọc màng bọc thức ăn, xóc đều. Không dùng đũa đảo để tránh gãy dừa. Để 10 giờ cho đường tan vào dừa, miếng dừa chuyển sang màu trong là được.

– Nếu bạn ít thời gian thì có thể cho một chút nước vào trộn cùng đường và dừa, rồi cũng xóc như trên đến lúc đường tan hết (khoảng 1 giờ)
Bước 5: Sên/sao mứt dừa

– Nên dùng chảo gang, rộng lòng
– Đun chảo khô trên bếp, đỗ hỗn hợp đường và dừa vào. Đun lửa to

– Chảo mứt sôi thì giảm lửa nhỏ hết cỡ, đảo liên tục.

– Đảo đến khi đường đã khô hết, bám quanh miếng dừa thành lớp phấn trắng mịn là coi như đã hoàn thành món mứt dừa.
Bước 6: Bảo quản

– Sau khi sên xong, đổ ra khay lớn, dàn đều.
– Khi mứt đã nguội, cho vào túi zip dùng dần hoặc bỏ vào lọ đã luộc qua, để khô, đậy kín.

– Nếu nhà bạn có hộp lock&lock nhiều ngăn thì là cách hay nhất để bảo quản món mứt dừa này. Mỗi loại mứt dừa được xếp vào một ngăn, khi đãi khách bạn chỉ cần mở hộp, nhón tay bốc mỗi loại một chút là có ngay đĩa mứt hấp dẫn trên bàn.

– Mứt dừa có hạn sử dụng 1 tháng.

Mứt cà chua bi:

Nguyên liệu:
– Cà chua bi: 1kg
– Đường cát trắng: 400gr
– Vôi: 30gr

Mứt tết

Cách làm:
– ban đầu bạn hòa vôi với khoảng 2 lít nước, sau đó khuấy đều. Để nước vôi trong lại, bạn gạn lấy nước vôi trong phía trên để chuẩn bị làm mứt cà chua bi.

– Bạn chọn những quả cà chua bi chín đỏ, không dập nát, tươi ngon để dành làm mứt cà chua. Cà chua bi rửa sạch vỏ, dùng que nhọn để chọc từng lỗ nhỏ trên cà chua.
Sau đó bạn cho cà chua vào ngâm với nước vôi trong khoảng 10 tiếng hoặc để qua đêm.

– Sau khi đã ngâm cà chua qua đêm, bạn mang cà chua ra rửa sạch vài lần với nước lạnh để loại bỏ mùi vôi. Sau đó cho ra rổ để cho cà chua ráo nước.

– Ướp cà chua với đường cho đến khi đường tan hoàn toàn. Nếu bước này bạn thích ăn mứt cà chua bi ngọt hay nhạt thì bạn gia giảm lượng đường khi làm mứt cà chua bi nhé!

– Cho cà chua và nước đường ngâm cà chua vào một cái xoong dày. Cho sôi lên rồi hạ lửa ở mức thấp nhất sao cho mứt cà chua bi chỉ sôi nhẹ, liu riu thật nhỏ. Thỉnh thoảng, bạn lắc xoong để nước đường ngấm hơn vào các mặt trên của cà chua bi để làm mứt cà chua được ngọt đều.

– Khi nước đường đã cạn, những quả cà chua bi đã thành mứt cà chua bi có độ dẻo, và màu sắc đỏ óng ả thì bạn tắt bếp. Nếu muốn làm mứt cà chua bi được khô hơn, bạn có thể bỏ toàn bộ phần mứt cà chua đã làm vào sấy khô khoảng 5-10 phút ở nhiệt độ 100 độ C là được.

Mứt cà chua bi khi sấy xong, bạn nhớ bỏ vào lọ thủy tinh để bảo quản nhé!

Meonuoicon tổng hợp

2 thoughts on “Cách làm mứt cực ngon cho ngày tết

Leave a Reply

Or