Cách làm các món ăn truyền thống ngày tết

BẮP BÒ NGÂM MẮM:

Mon an truyen thong

* Nguyên liệu:
– Bắp bò: 2kg
– Gừng: 1 củ cỡ vừa
– ớt đỏ: 50gr
– Cà rốt : 1 củ nhỏ
– Tỏi : 50gr
– 1 nhánh quế, 2 bông hoa hồi, 1/2 quả thảo quả
– Gia vị: muối tính , nước mám, đường vàng, giấm gạo, nước
– 1 hũ thủy tinh để ngâm thịt bò
* Cách làm:
– Bắp bò mua về rửa sạch, lau khô. Dùng dao lạng bỏ những phần màng và mỡ bám xung quanh. Bước này rất quan trọng để bảo quản được lâu dài.Nếu vẫn chưa lọc sạch mỡ thì bắp bò rất dễ bị hỏng trong khi ngâm.
– Bắp bò luộc bỏ nước đầu cho ra hết bọt bẩn .
– Nướng thơm quế, hoa hồi, thảo quả, 1/2 của gừng đâp dập rồi bỏ vào nồi cùng bắp bò, đổ nước ngập mặt thịt, thêm 1 thìa muối tinh. Đun to lửa đến khi sôi thì hạ lửa ở mức vừa, luộc đến khi thịt chín hoặc xiên đầu đũa vào không thấy nước hồng nữa là được.
– Rửa SẠCH ớt, tỏi, cà rốt & ĐỂ KHÔ.
– Thái lát tỏi và cà rốt. Món này ngâm cùng ớt không phải để lấy vị cay mà lấy mùi thơm của tỏi ớt nên mình để cả quả. Ngâm ớt, tỏi, cà rốt với 2-3 thìa giấm và 1 thìa đường cho ngon. ngâm khoảng 15-20p vớt ra để ráo
– Các bạn đong khoảng 3 bát ăn cơm nước sạch bỏ vào nồi, đun sôi. Sau đó lần lượt cho đường , mắm, muối tinh và giấm vào tùy khẩu vị. Lưu ý: vì món này là món ngâm nên mình khuyên là làm hỗn hợp mắm đậm đà và thiên mặn ngọt nhiều nhé, để khi thẩm thấu vào miếng thịt sẽ thơm hơn. nếu làm nhạt như các bạn chấm nem thì thành phẩm sẽ nhạt nhẽo và hơi tanh. 1/2 củ gừng còn lại nạo sạch vỏ, thái lát mỏng thả vào mắm cho thơm.
– Sau khi đã nêm các gia vị vừa miệng, các bạn đun thật sôi hỗn hợp mắm. Để ra ngoài cho nguội hăn.
– Bắp bò sau khi luộc chín, vớt ra, bổ đôi, để nguội hẳn.
– Hũ thủy tinh mọi người cũng tráng qua nước sôi, lau khô rồi dùng nhé.
– Khi mọi thứ đã nguội hoàn toàn ( thịt bò, nước mắm) và khô hoàn toàn ( hũ thủy tinh), xếp bò vào hũ, bỏ cà rốt, ớt, tỏi vào hũ cùng, bày trí cho đẹp mắt rồi chan nước mắm ngập thịt. Đậy chặt nắp khoảng 3-4 hôm là dùng được Biểu tượng cảm xúc grin mọi người nhớ để hũ thịt ở nơi mát mẻ nhé, sau khi thịt đã ngấm, mọi người bỏ tủ lạnh nhé

TAI HEO NGÂM GIẤM:

Mon an truyen thong

– Tai heo : 2-3 chiếc ( chọn tai dày, trắng, sụn mềm là ngon nhé m.n)
– ớt, tỏi, cà rốt giống như món bắp bò
– 1/2 củ hành tây
– rượu trắng, muối hột, gừng, phèn chua
– Gia vị gồm: muối tinh, giấm gạo, đường kính, nước.
– Hũ thủy tinh.
* Cách làm:
– Về cơ bản, món này cũng tương tự như làm bắp bò ngâm mắm. Tỏi, ớt, cà rốt ( nếu có thì bạn cho thêm hành tím, tiêu xanh cũng rất ngon nhé) cũng làm y hệt như làm với bắp bò.
– Tai heo mua về làm sạch, cắt bỏ phần mỡ ở cuối tai đi. Gĩa gừng với rượu trắng và muối rồi chà sát lên tai heo cho sạch và hết mùi. Rửa sạch lại với nước, để ráo.
– Bỏ tai heo vào nồi ngập nước với 1/2 thìa cf phèn chua, 1 muỗng canh muối tinh, 1/2 củ hành tây. Luộc chín. CHÚ Ý: Không luộc tai heo chín kĩ vì như vậy sẽ làm tai heo tiết nhiều nhựa trong khi ngâm, rất dễ hỏng.
– Tai heo luộc vừa chín tới thì vớt ra ngâm ngay vào âu nước lạnh có bỏ đá cho tai heo trắng và giòn hơn. ngâm 3-5p bỏ ra rửa sạch rồi để ráo hoàn toàn.
– Làm nước ngâm: 2-3 bát nước đun sôi với giấm gạo , muối, đường cho vừa ăn. Khác với bắp bò, món này nước ngâm nên có đặc trưng mùi giấm gạo với vị đậm vừa phải ( vì tai heo sẽ đc thái lát mỏng nên nhanh ngấm hơn thịt bò). Đun sôi già hỗn hợp giấm. Để nguội hoàn toàn.
– Thái tai heo thành lát mỏng vừa phải
– Sơ chế hũ ngâm giống như trên
– Trộn chung tai heo với tỏi, ớt, cà rốt đã chuẩn bị. Gắp vào hũ thủy tinh, nèn chặt. Bạn nào có thời gian ngồi xếp tai heo theo miếng cũng rất đẹp nhé:D chan hỗn hợp giấm ngập phần tai heo là được.
– Để hũ tai heo bên ngoài 3-4 ngày là ăn được, sau đó bảo quản tủ lạnh

GIÒ HOA (CHẢ NGŨ SẮC)Mon an truyen thongNguyên liệu:
– 250gr giò sống
– 3 tai nấm mèo (mộc nhĩ)
– 1/2 củ cà rốt
– 2 quả đậu cô ve
– 3 trứng gà
– 1/2 thìa cafe bột năng, vài giọt dầu màu điều, tiêu hạt rang xay
– 1 khúc lạp xưởng dài 15cm (hoặc nhiều khúc ngắn nối lại)
– Lá chuối và dây (dùng để gói).
Cách làm:
Bước 1: Tách lòng đỏ, lòng trắng trứng để riêng. Hòa bột năng với chút xíu nước rồi cho vào bát lòng đỏ cùng vài giọt dầu màu điều, đánh tan rồi bắc chảo lên tráng mỏng. Lòng trắng trứng đánh tan rồi tráng chín.
Bước 2: Nấm mèo ngâm nước sôi cho nở rồi rửa sạch, vắt ráo, thái sợi. Cà rốt bào vỏ, rửa sạch, bào sợi. Lạp xưởng luộc chín tới. Lá chuối hơ qua lửa để lá có độ dai, gói không bị rách.
Bước 3: Chia giò sống làm 2 phần bằng nhau, 1 phần để nguyên, 1 phần đem trộn với cà rốt, nấm mèo và tiêu. Có thể cho thêm ít hạt nêm (nếu thích).

Bước 4: Trải một tấm nilon, cho phần giò nguyên chất (không trộn) vào giữa, dùng thìa dàn đều rồi cho miếng lòng trắng trứng lên trên, kế đến là phần giò trộn rau củ, đặt lạp xưởng vào giữa, đậu cô ve 2 bên rồi cuộn lại.

Bước 5: Túm 2 đầu và lăn lăn cho khúc giò tròn đều.

Bước 6: Đặt miếng lòng đỏ trứng bên trên lá chuối, bóc nilon và cho khúc giò vào, cuộn trứng lại rồi cuộn lá chuối bên ngoài, gói như gói bánh tét.

Bước 7: Bắc nồi hấp lên bếp, đun sôi nước rồi cho giò vào hấp khoảng 45 phút là giò chín. Lấy ra để nguội rồi cắt và xếp lên đĩa.

Giò hoa bảo quản trong tủ ngăn mát ít nhất được 3 ngày.

Quà tết vừa đẹp vừa thực tế thế này bảo đảm ai cũng thích nhé. Mâm cúng sẽ sang trọng hơn với đĩa giò hoa rực rỡ này đấy

GIÒ LỤA (CHẢ LỤA):

Mon an truyen thong

Nguyên liệu:

– 500gr thịt heo xay sẵn. Thường thịt xay sẵn thường có mỡ và nạc. Không nên dùng thịt nguyên nạc khiến giò rất khô, kém độ ngon

– 30gr bột năng hay bột bắp

– Gia vị: 1 muỗng canh nước mắm; 1/2 muỗng cà phê bột nêm; 1/2 muỗng cà phê đường; 1 muỗng cà phê bột tiêu trắng (tiêu trắng sẽ làm giò không bị đen)

– 50ml nước đá lạnh (cần thật lạnh)

– 15g bột nở

Thực hiện:

Bước 1: Thịt heo xay cho vào ngăn đá 45 phút. Qua 45 phút lấy thịt ra cho vào máy xay thịt cùng với bột bắp, bột nở, đường, bột nêm, tiêu trắng, nước mắm rồi ấn máy xay 15 giây.

Sau đó cho 1 chút nước đá vào, bấm máy xay 10 giây rồi lại cho thêm 1 ít nước đá nữa. Cứ mỗi đợt máy quay 10-15 giây thì ngưng 1 chút và bấm xay tiếp cho đến khi cho hết nước lạnh và thịt heo chuyển qua máu trắng hồng rất dẻo và dính là đã đạt được yêu cầu.

Bước 2: Bạn có thể gói bằng lá chuối hay giấy bóng kính.

– Trải 1 miếng màng bọc thực phẩm xuống bàn. Sau đó, cho 3 miếng lá chuối to lên, rồi mới lấy giò sống cho vào giữa. Để giò sống không dính tay bạn thấm vào tay 1 ít nước lạnh.

– Nắm hai mép lá chuối và màng bọc thực phẩm lại với nhau, sau đó gói lại (Giống như gói bánh tét).

– Gấp 1 đầu giò lại, dựng đứng cây giò lên, cắt bớt phần dư nếu lá dư nhiều. Dùng tay ấn mình giò sống rồi gấp lại. Đầu bên kia bạn cũng làm như thế. Và cột dây dọc.

– Bây giờ bạn lăn tròn cho đòn giò tròn tròn rồi cột dây ngang.

Bước 4: Cho giò vào hấp 30-45 phút kể từ khi nước sôi. Khi giò chín bạn lấy ra. Lăn đòn giò lên bàn, và để ráo nước.

Trình bày: Cắt giò lụa ra từng khoanh tròn xếp thành hoa hồng bày ra dĩa cùng với ít dưa leo trang trí viền dĩa xinh xinh mời khách ngày Tết.

CHÂN GIÒ MUỐI:

Mon an truyen thong

Món này ngoài Bắc không lạ gì, nhiều bạn trong Nam có thể chưa biết nhưng ăn thử 1 lần sẽ thích thôi, vì nó ngon đừng hỏi.

Nguyên liệu:

– 1 cái giò sau, chỉ dùng phần trên bắp, bỏ móng
– 1/2 muỗng cafe ngũ vị hương
– 100g thịt bắp heo
– 1 muỗng xì dầu
– 1 muỗng cafe bột nêm
– 1/2 muỗng cafe muối
– 1/2 muỗng sup đường cát
– 1 muỗng cafe dầu mè
– 1 tép tỏi băm thật nhuyễn

Nguyên liệu để xông chân giò

– 1 chén gạo
– 1/2 chén đường
– 1 nhúm trà lài hoặc trà sen
– Giấy bạc để lót đáy chảo

Cách làm:

Chân giò rửa sạch, để nguyên không chặt, lau cho khô, sau đó dùng một con dao mũi nhọn, thật bén, lòn mũi dao vào bên trong chân giò, cắt từ từ. Dùng ngón trỏ lòn bên dưới miếng da, sau đó cho dao cắt chậm, cẩn thận khi rút xương. Sau khi chân giò được rút xương, phần thịt cắt nhỏ lại, ướp với tất cả gia vị như trên cho thấm 1 giờ, sau đó may phần bên dưới chân giò như cái túi, cho tất cả phần thịt đã ướp vào, nén chặt, cho 1 muỗng sup xì dầu, 1/2 muỗng cà phê muối thoa bên ngoài chân giò rồi đem hấp cách thuỷ 1 tiếng rưỡi. Khi chân giò chín, chuẩn bị một thau nước đá lạnh cho giò vào ngâm, để phần da được dòn và ngon.

Tiếp đến là phần xông khói:

Dùng một cái chảo, phủ 2 lớp giấy bạc bên dưới lòng chảo, cho vào 1 chén gạo, 1/2 chén đường và trà. Dùng cái kệ sắt cho lên trên, đặt chân giò vào trên kệ, đậy nấp, bật lửa, nhớ vặn lửa nhỏ. Đến khi nào thấy thành chảo bắt đầu có khói bốc ra chúng ta tắt bếp ngay và cho chân giò ra ngoài. Nếu để lâu quá, giò sẽ bị hôi khói. Mang chân giò ra rồi để nguội, cho vào tủ lạnh.

Món chân giò muối sẽ ngon hơn rất nhiều khi được thái lát thật mỏng rồi chấm với tương ớt chua ngọt và ăn kèm với dưa góp, dưa chuột hộp, hành sống.

CANH MĂNG:

Mon an truyen thong

Món này phổ biến trong ngày Tết tại miền Bắc, cho ad hỏi có bạn nào nhà ở miền Trung, miền Nam làm tất niên với món này không?

Nguyên liệu:

– Măng khô: 500gr (tùy theo sở thích có thể chọn măng lá, măng lưỡi lợn…)

– Móng giò: 1 cái

– Xương: 300gr

– Gia vị, muối, nước mắm

– Hành củ

Thực hiện:

Bước1: Măng rửa sạch, ngâm qua đêm (có thể ngâm 2, 3 đêm, thay nước hàng ngày) cho măng nở hết.

Bước2: Măng sau khi đã ngâm nở, xé nhỏ hoặc thái miếng tùy ý.

Bước3:Luộc măng với nước lạnh, nước ngập mặt, luộc vài lần cho đến khi nước luộc măng trắng thì dừng, vớt ra xả với nước lạnh cho sạch.

Bước4: Xào sơ măng với chút muối và nước mắm cho sợi măng ngấm gia vị.

Bước5: Móng giò, xương rửa sạch sẽ, xát muối cho hết mùi, sau đó đem trần sơ với nước lạnh để nước dùng được trong.

Bước6: Cho móng và xương vào nước, ninh trong khoảng 30 phút, nếu có bọt thì hớt hết bọt để nước dùng được trong.

Bước7: Tiếp tục cho măng đã xào sơ vào nồi xương và móng để ninh đến khi măng mềm, móng chín nhừ là được.

Nêm nếm lại gia vị để canh măng khô móng giò vừa miệng ăn và tắt bếp.

Chúc bạn và gia đìnhngon miệng với món canh măng khô móng giò!

BA CHỈ NGÂM GIẤM:

Mon an truyen thong

Nguyên liệu:

– 500g thịt ba chỉ
– Muối, giấm, đường, nước mắm
– Ớt quả, tỏi
– 1 củ gừng nhỏ
– Vài nhánh tai hồi, một ít hạt ngò.

Cách làm:

Bước 1:

– Gừng để nguyên vỏ, thái nhỏ.

– Nướng gừng, tai hồi, hạt ngò đến khi xém vàng cho thơm.

Bước 2:

– Cho gừng, tai hồi, hạt ngò vào túi giấy không thấm nước hay dụng cụ để nấu phở. Dùng sợi chỉ buộc miệng túi lại.

Bước 3:

– Thịt ba chỉ rửa sạch, xát muối vào miếng thịt, để khoảng 15 phút sau đó rửa lại cho thật sạch.

Bước 4:

– Cho miếng thịt vào nồi nước, đun sôi, luộc sơ khoảng 3 phút để phần bì săn lại.

Bước 5:

– Dùng sợi chỉ thô (loại dùng trong nhà bếp), cuộn tròn miếng thịt lại, buộc cho thật chắc.

Bước 6:

– Cho miếng thịt vào nồi, thêm túi gừng vào nồi, nêm một thìa nhỏ muối vào, đun sôi khoảng 20-25 phút tùy theo miếng thịt nhỏ hay to, tắt bếp, đậy kín nắp để thịt tiếp tục chín.

Bước 7:

– Hòa tan nước lọc và đường, đun sôi để đường tan, đến khi nguội thì cho giấm và nước mắm vào. Nêm gia vị chua chua và mặn mặn, pha theo tỷ lệ 1 phần nước : 1 phần đường :2 phần giấm và 1 phần nước mắm. Bạn có thể điều chỉnh liều lượng giấm tùy theo sở thích.

Bước 8:

– Phần thịt sau khi nguội, bạn vớt ra cho vào lọ thủy tinh sạch và cho phần nước giấm đã pha vào, thêm ớt quả và một ít tỏi bóc vỏ. Để nơi thoáng mát khoảng 3-4 ngày là có thể dùng được.

Bước 9:

– Thịt sau khi thấm, bạn dùng kéo cắt phần chỉ, dùng dao thái từng lát mỏng vừa ăn, dùng kèm với rau sống, bún và cuốn bánh tráng, hoặc ăn với cơm.

XÔI GẤC:

Mon an truyen thong

Nguyên liệu: – 2 kg gạo nếp – ½ chén dầu ăn – 200 gr đường (nếu thích) – ½ muỗng canh muối – 100ml nước cốt dừa (nếu thích) – 2 muỗng canh rượu trắng nấu ăn (cooking wine) – 1 quả gấc tươi (Hay 500gr ruột gấc) .

Cách làm
Gạo nếp : vo sạch, cho nước vào ngập hơn mặt gạo, ngâm khoảng 7 tiếng đồng hồ. Hôm sau đem ra sả lại cho sạch, để cho ráo nước.
Gấc : lựa trái chín đỏ, vỏ mềm, gai nở hết. Bổ gấc làm hai , lấy hột gấc có thịt đỏ để riêng ra, phần cùi vàng nạo để riêng. Dùng tay bóp cho tan cùi gấc. Sau đó, cho phần gấc thịt đỏ vào chung, bóp tan thịt đỏ gấc cho đều.
Ướp gấc với rượu trắng + một ít màu đỏ và một ít muối, ướp qua đêm. Sở dĩ gấc phải ướp với rượu là vì rượu sẽ làm cho gấc đỏ hơn. Trộn thịt gấc + nếp + ½ muỗng canh muối cho đều.
Cho gạo vào xửng, đặt lên bếp hấp. Xôi khoảng ½ giờ , mở nắp xửng ngửa lên, lau khô hết nước đọng trên nắp. Dùng đũa sới xôi lên cho xôi được xốp.
Rưới nước cốt dừa hay dầu ăn lên xôi. Sau đó, đậy nắp xửng lại hấp thêm khoảng 30 phút nữa, tiếp tục rưới nước cốt dừa hay dầu ăn lên xôi và xới đều. Hấp cho đến khi thấy xôi mềm dẻo là được. Nếu thấy sôi hơi khô, có thể rưới thêm nước cốt dừa hay dầu ăn và hấp thêm một lúc nữa.
Khi xôi đã chín mềm và dẻo, nhấc xửng ra khỏi bếp, đợi cho xôi bốc hơi đi bớt, lúc đó mới rắc đường vào và trộn đều (nếu thích). Không nên trộn đường vào khi xôi còn quá nóng. Vì làm như thế, xôi sẽ bị nát.
Đơm xôi ra đĩa hay cho xôi vào khuôn đóng thành bánh.
Xôi gấc nấu khéo là xôi phải chín dẻo, thơm, hột nếp không nở bung và bóng.
Món xôi gấc thường dùng vào những dịp cưới, hỏi hay lễ, tết.
Xôi gấc dùng chung với chả lụa hay ăn với đường cũng ngon.

Meonuoicon sưu tầm và tổng hợp

Leave a Reply

Or