Các Mẹ Có Con Trên 1 Tuổi Sẽ Ngã Ngửa Khi Biết Sự Thật Về Sữa Công Thức

Tại sao ở các nước phát triển, sữa công thức không được sử dụng phổ biến cho trẻ trên 1 tuổi như ở Việt Nam và giá trị thật của nó có như quảng cáo?

Bác sĩ Nhi khoa Trần Thị Huyên Thảo, hiện đang công tác tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, ở các nước mà dân ta rất “mê” như Mỹ, Úc, Châu Âu, sẽ chẳng thể kiếm được những cửa hàng bán sữa công thức đại trà, ồ ạt như ở Việt Nam. Ở các nước này, muốn mua sữa công thức phải đến các nhà thuốc để mua, hoặc ở những siêu thị lớn, cũng thỉnh thoảng có những quầy sữa công thức, nhưng để ở những góc rất khuất và khó tìm. Trong khi ở Việt Nam, đi đâu cũng thấy những cửa hàng sữa công thức tràn ngập, sữa một hai ba bốn, sữa này sữa kia, nhập hay không nhập… lựa chọn phức tạp còn hơn chọn màu son của phụ nữ. 

Vậy tại sao có sự khác biệt “quá đáng” như thế này? Lý do là, ở các nước phát triển, sữa công thức có chỉ định chỉ dùng cho những trường hợp đặc biệt cần thiết, chứ không dùng đại trà. Trong khi ở Việt Nam đã hình thành một nền văn hóa “thần tượng hóa” sữa công thức, như một giải pháp đáp ứng nhanh gọn cho tất cả những nhu cầu dinh dưỡng của trẻ, và cũng “sửa chữa” được thần kỳ những “khiếm khuyết” về hình thể, chiều cao, và cả trí thông minh cho thế hệ tương lai!.



Vậy sự thật là như thế nào?

Bác sĩ Huyên Thảo cũng chỉ rõ theo các tổ chức y khoa lớn trên thế giới, sữa công thức chỉ được khuyến cáo trong năm đầu đời của trẻ, như một lựa chọn duy nhất nếu trẻ không có sữa mẹ để bú, hoặc sữa mẹ không đủ cho nhu cầu của trẻ, hoặc vì lý do nào đó, mà mẹ quyết định ngưng không cho bú sữa mẹ nữa. Những sữa công thức cho trẻ nhũ nhi (dưới 1 tuổi) này được làm cho giống với sữa mẹ, và không có một bằng chứng nào cho thấy có loại sữa công thức nào là ưu việt hơn các loại khác cả. Tất cả các loại sữa công thức, về giá trị dinh dưỡng cho trẻ, được xem là tương đương nhau.

Sau 1 tuổi, nếu trẻ vẫn không có lựa chọn bú sữa mẹ, khuyến cáo thống nhất, là chuyển từ sữa công thức cho trẻ nhũ nhi sang sữa bò nguyên kem không đường đã được tiệt trùng hoặc thanh trùng, như một trong 5 nhóm thực phẩm cần có trong chế độ ăn của trẻ (tinh bột, rau củ, trái cây, thịt – protein, và sữa/sản phẩm từ sữa). 

Tuy nhiên, sau 1 tuổi, vai trò của sữa không còn là quan trọng nhất nữa, vì trẻ bắt đầu cần nhận được các vitamin, khoáng chất, và các dưỡng chất cần thiết cho phát triển từ các bữa ăn dặm. Theo Hội đồng bác sĩ gia đình của Mỹ và hội đồng y khoa của Úc, lượng sữa bò được khuyến cáo trong 1 ngày cho trẻ sau 1 tuổi là không quá 500 – 600 ml một ngày, và được xem là một nguồn cung cấp rất tốt các protein, calcium và các dưỡng chất khác cho trẻ. Và ở các nước phát triển, ngay từ sinh nhật đầu tiên của trẻ, bố mẹ sẽ chuyển từ sữa công thức (nếu trẻ đang dùng) sang sữa bò nguyên kem (= sữa bò bình thường, dùng để phân biệt với sữa ít béo/sữa gầy (slim milk), và tiếp tục khuyến khích các cữ ăn cho trẻ. Dĩ nhiên, nếu trẻ còn bú mẹ, và mẹ vẫn tiếp tục muốn cho con bú, thì không cần đổi qua sữa bò làm gì.

Sữa công thức, theo khuyến cáo chung của những tổ chức y khoa lớn trên thế giới, chỉ được khuyến cáo trong năm đầu đời của trẻ, như một lựa chọn duy nhất nếu trẻ không có sữa mẹ để bú.
Nếu một người mẹ Việt Nam thực hiện khuyến cáo này, dự là sẽ làm cả xóm làng kinh sợ, vì quá “tệ” với con, phải không?! Cho đến nay vẫn chưa có một bằng chứng nào được chứng minh cho thấy lợi ích vượt trội của sữa công thức so với sữa bò nguyên kem đối với sự tăng trưởng và phát triển của con trẻ. 

Giá thành của sữa công thức thì khỏi bàn, rất đắt so với sữa bò nguyên kem, và vì vậy, Hội đồng bác sĩ gia đình của Mỹ, và cả hội đồng y khoa của Úc, đều nhất trí là các bác sĩ có thể tư vấn ba mẹ, chống lại việc sử dụng sữa công thức một cách thường qui cho trẻ sau 1 tuổi. 

Ở những trường hợp đặc biệt, nếu trẻ quá khó khăn trong việc ăn uống, thì cũng không khuyến khích sử dụng sữa công thức để “bù”, mà thay vào đó, ba mẹ nên cho trẻ đi khám bác sĩ để đánh giá và tư vấn lại cách ăn uống, và nếu vẫn không cải thiện, thì có thể sẽ xem xét việc sử dụng các loại multivitamine để bổ sung. Tuy nhiên, đây là những trường hợp hiếm gặp và không phổ biến.

Vậy, những lợi ích của sữa công thức được quảng cáo mỗi ngày có thật hay không?

1. Sữa công thức giúp cải thiện chiều cao? 

So với sữa mẹ, sữa công thức đúng là có nhiều canxi hơn, và vì vậy nổi trội hơn vì điểm này. Tuy nhiên, ở trẻ dưới 1 tuổi, mẹ lựa chọn cho con bú sữa mẹ hoàn toàn, có thể bổ sung vitamin D mỗi ngày cho con khi cần thiết, chỉ 1-2 giọt một ngày thôi (trung bình là 400-60 IU mỗi ngày). Đồng thời, sữa mẹ cũng có những lợi ích dinh dưỡng và miễn dịch khác mà không một sữa công thức nào sánh được, bên cạnh việc phát triển tình cảm mẹ-con, nên lúc nào, sữa mẹ cũng là số 1. 

Sữa công thức sau 1 tuổi có hàm lượng canxi nhỉnh hơn sữa bò một chút nhưng không đáng kể. Vì vậy, vai trò của sữa công thức so với sữa bò về canxi và phát triển xương của trẻ trên 1 tuổi được đánh giá là như nhau.

2. Trẻ có thật sự nhìn tốt hơn và thông minh hơn khi dùng sữa công thức? 

Các nghiên cứu lâm sàng về hiệu quả được “quảng cáo” của các acid béo – DHA và AA – thần dược cho phát triển mắt và não bộ có trong sữa công thức không thống nhất với nhau về kết quả. Khi các nhà nghiên cứu tập hợp lại tất cả các nghiên cứu hiện có trên thế giới về chủ đề này và đánh giá tổng thể, thì đều đưa ra kết luận rằng, việc bổ sung DHA và AA không cho thấy lợi ích nào, mặc dù không gây hại cho trẻ. Và vì vậy, hiện nay, việc bổ sung DHA và AA vào dinh dưỡng hàng ngày của trẻ không được khuyến cáo!

3. Prebiotics và Probiotics – tốt cho hệ tiêu hóa, ăn dễ tiêu?

Đây cũng là những chất có trong sữa mẹ, và trước đây không có trong sữa công thức. Việc đưa hai thành phần này vào sữa công thức, theo quảng cáo, là để giúp hệ tiêu hóa của trẻ hoạt động tốt hơn. Nhưng, hiệu quả thật sự của prebiotics và probiotics chỉ được chứng minh ở nhóm trẻ sinh rất non, rất nhẹ cân, sau sinh phải nằm bệnh viện một thời gian dài mà thôi. Còn đối với trẻ sinh đủ tháng, khỏe mạnh, thì hiệu quả của hai chất này lên đường tiêu hóa vẫn còn chưa được chứng minh qua các nghiên cứu. 

Sau 1 tuổi, nếu trẻ vẫn không có lựa chọn bú sữa mẹ, khuyến cáo thống nhất, là chuyển từ sữa công thức cho trẻ nhũ nhi sang sữa bò nguyên kem không đường đã được tiệt trùng hoặc thanh trùng.

Các đánh giá tổng quan cho thấy, prebiotics và probiotics có thể có ích cho viêm da dị ứng ở trẻ trong vài năm đầu đời, tuy nhiên không thấy có bằng chứng giúp ích cho các loại dị ứng khác như dị ứng thức ăn. Giá trị thiết thực của lợi ích này vẫn còn chưa rõ ràng, và cần được nghiên cứu thêm, trước khi một khuyến cáo chỉ định dùng nhất định được đưa ra.

Từ những nghiên cứu khoa học trên, bác sĩ Huyên Thảo đưa ra lời khuyên: “Nếu bạn muốn bỏ tiền ra để dựa dẫm vào sữa công thức, với mong muốn phát triển ‘mọi thứ’ cho con, nên suy nghĩ lại. Việc phát triển trí tuệ, tính cách, và thể chất của một đứa trẻ không đơn thuần như việc bón phân cho một cái cây, và không thể dựa dẫm hoàn toàn vào một nguồn dinh dưỡng nhất định. 

Những yếu tố khác, như một chế độ ăn uống cân bằng, các hoạt động vui chơi kích thích trí tuệ, các hoạt động thể thao ngoài trời, sự tương tác và tình yêu thương của các thành viên trong gia đình, các hoạt động xã hội, cũng như sự tôn trọng ý kiến và bản thân trẻ trong khuôn phép, cũng đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển toàn diện của một con người. Và đây là những yếu tố đòi hỏi chúng ta phải “mất công” tham gia, điều chỉnh. Nhưng nếu bạn muốn đầu tư thật sự cho trẻ, thay vì bỏ tiền mua sữa công thức đều đều cho con, hãy bỏ ống heo để dành cho những hoạt động này!”.

St

Leave a Reply

Or