Buồn như chuyện mẹ chăm con bạo bệnh

Mặc dù đón Tết Trung thu trên giường bệnh nhưng bé Mai Trinh (22 tháng tuổi) vẫn vui vẻ, hạnh phúc vì bé không hay biết mình đang đối mặt với căn bệnh hiểm nghèo: ung thư máu.

Đã nghèo còn thêm chuyện éo le

Gia đình chị Nguyễn Thị Hạnh thuộc diện hộ nghèo của Thôn Long Đại, xã Quảng Long huyện Quảng Xương, Thanh Hóa. Ông nội yếu, bà nội mất sớm, họ hàng không đông và ai cũng bận rộn, mọi việc chăm sóc con trong bệnh viện đều chỉ có anh chị xoay sở. Nhìn con gái, chị Hạnh vẫn nuôi hy vọng con sẽ sớm được chữa khỏi.

Bình thường, cả nhà chị chỉ trông chờ vào một sào ruộng để nuôi sống gia đình, để có thêm thu nhập, vợ chồng chị đã phải đi làm thêm nhiều nghề tay chân vất vả: thợ hồ, bốc vác, cơ khí để mong tích cóp được đồng nào hay đồng ấy. Thế nhưng, cảnh nghèo khó đâu chỉ dừng lại ở đó mà nó còn đeo bám gia đình chị khi vợ chồng chị nhận được hung tin từ Viện Huyết học truyền máu Trung ương là đứa con gái bé bỏng của chị bị mắc bệnh hiểm nghèo – ung thư máu.
Buồn như chuyện mẹ chăm con bạo bệnh 1
Ông nội yếu, bà nội mất sớm, họ hàng không đông và ai cũng bận rộn, mọi việc chăm sóc con trong bệnh viện đều chỉ có anh chị xoay sở
Ít ai biết được rằng, đằng sau sự vô tư, nụ cười hồn nhiên của cô con gái bé bỏng kia, bé đang phải hàng ngày, hàng giờ đau đớn, chống chọi với bệnh tật đang dày vò mình.
Bé bụng to hơn so với người, mắt như bị lồi ra, môi nhợt nhạt, thâm tím, da xanh xao vì mắc căn bệnh ác tính. Bé đã phải trải qua những đợt truyền hóa chất và truyền máu nên tóc trên đầu chưa kịp mọc đã rụng… Đứa trẻ gắng gượng chịu đựng những cơn đau hành hạ hàng ngày, hàng giờ thì bố mẹ của bé lại đau đớn xé lòng gấp trăm nghìn lần khi bất lực chứng kiến con mình vật vã chống chọi với bệnh tật để giành lấy sự sống.

Rụng rời tay chân khi con bị bệnh viện trả về

Chị tâm sự, chị nhớ như in 7 tháng trước, bỗng dưng bé Mai Trinh bị sốt không lý do, chân tay, mình mẩy xuất hiện rất nhiều vết bầm tím mà con không hề bị ngã, con bỗng lười ăn, không chịu bú mẹ. Đưa con lên viện tỉnh, chị rụng rời tay chân khi biết con mình được bệnh viện trả lại. Câu nói “Hết cách rồi” của các vị bác sĩ khiến vợ chồng chị bàng hoàng, sống như đã chết.
Buồn như chuyện mẹ chăm con bạo bệnh 2
Ánh mắt trũng sâu, gương mặt hốc hác, thân hình tiều tụy vì lo âu là những ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi có dịp tiếp xúc với chị Hạnh.
Để có tiền chữa trị cho con, vợ chồng chị đã phải vay mượn từ anh em, họ hàng, người thân đến bà con láng giềng. Đối với gia đình anh, sự túng thiếu về vật chất có thể vượt qua được nhưng khi nhìn thấy con không lớn được, vàng vọt, xanh xao, quấy khóc, chân tay tím bầm, thở không ra hơi vì mệt mỏi, đau nhức, vợ chồng chị đau đớn xé lòng.
Sau khi con bị bệnh viện ở Thanh Hóa trả về, anh chị đưa Mai Trinh vào viện Nhi trung ương và tại đây các bác sĩ chỉ định bé cần được thăm khám ở Viện Huyết Học. Vào đây, anh chị lại một lần nữa quỵ ngã khi biết tin con bị ung thư máu – loại bệnh hiểm nghèo.

Lần đầu tiên khi bị truyền máu, bé khóc nhiều, giãy giụa, một phần vì sợ, hai nữa là do đau đớn, lần đó, chị nhớ chị chẳng biết làm gì ngoài việc ôm chặt lấy bé mà khóc. Nhưng chị biết, nếu chị cứ mãi buồn bã, xót thương cho con như vậy thì con sẽ càng sợ hơn.

Những lần sau, trước khi bé truyền, chị sẽ động viên bé, kể cho bé nghe những câu chuyện về lòng dũng cảm của các nhân vật trong truyện cổ tích hay lấy tấm gương của bạn “hàng xóm” giường kế bên để bé hiểu rằng “Nếu trải qua đợt truyền máu mà không khóc tẹo nào thì bé quả là đứa bé dũng cảm”.

Lý thuyết thì vậy thôi, chứ chị biết, từng giọt máu truyền vào người con, con đều bị đau, đau rất nhiều.

7 tháng trôi qua, đến giờ bé Mai Trinh đã vượt 200 cây số lên Hà Nội cùng bố mẹ để chữa bệnh những 4 lần. Lần thứ 4 vào viện, cũng như bao lần trước, chị ôm Mai Trinh trong lòng và hy vọng, chờ đợi vào một sự may mắn rằng con sẽ khỏi bệnh. Cũng vì thế chị nghĩ mình cần phải cố gắng lạc quan hơn nữa để nuôi con và truyền nghị lực cho con.

Gạt đi nỗi buồn để chăm con cho tốt

Bình thường bác sĩ đồng ý cho con về nhà 20 ngày thì lại lên nằm viện truyền máu 1 tuần tới 10 ngày. Nhưng chị mếu máo tâm sự: “Có bao giờ Mai Trinh được tròn 20 ngày ở nhà đâu. Từ ngày con phát bệnh, cứ 10 ngày, vợ chồng tôi lại đưa con lên viện bởi con chỉ duy trì bình thường được 7 – 10 ngày đầu. Còn sau, con xanh xao, hay ngất, chảy máu cam, sốt hầm hập vì thiếu máu”.
Buồn như chuyện mẹ chăm con bạo bệnh 3
 Mai Trinh vốn rất ngoan nhưng lười ăn, bé chẳng chịu ăn cháo nhất là những ngày bị ốm, nguồn thức ăn bé chịu nạp vào người hiện giờ đó chỉ là sữa mẹ
Nhưng nhìn đứa con ngoan, chị gắng kìm nén và vui tươi để chăm con cẩn thận nhất. Mai Trinh vốn rất ngoan nhưng lười ăn, bé chẳng chịu ăn cháo nhất là những ngày bị ốm, nguồn thức ăn bé chịu nạp vào người chỉ là sữa mẹ. Hàng ngày ở viện, con đau đớn mỗi khi truyền thuốc, lười ăn, nhưng Mai Trinh ngoan vô cùng, cứ thấy các bạn cùng trang lứa ăn thun thút là bé cũng bắt chước ăn cháo hoặc ti mẹ.
Biết bệnh con, không chỉ cho con ăn nhiều sữa mẹ, chị Hạnh còn cố gắng ăn uống đầy đủ để giữ nguồn sữa cho con. Bên cạnh đó, chị nấu hoặc nhờ bếp bệnh viện để nấu cho con những bữa cháo ngon với đầy đủ chất dinh dưỡng, nhiều vitamin bổ máu. Chị bảo: “Có thể đây là việc nhỏ nhưng tôi vẫn tin tưởng những bát cháo dinh dưỡng, đặc biệt là sữa mẹ sẽ khiến bé đẩy lùi bệnh tật”.
Buồn như chuyện mẹ chăm con bạo bệnh 4
Nhìn con vui vẻ, lạc quan chị cũng cố gắng tự dặn lòng mình phải cố hơn nữa để cùng con vượt qua giai đoạn này.
Mai Trinh chỉ quen ngủ ở nhà, tới bệnh viện vừa là nơi mới, lạ người, lại bị truyền máu đau nên bé càng khó quen. Bình thường ở nhà cứ độ 9 giờ tối bé đã ngủ nhưng những lần lên đây, bé đều 1, 2 giờ sáng mới chịu ngủ.
Chị biết, sớm hay muộn bé cũng sẽ phải quen với việc ngủ ở nơi khác, không phải nhà mình, dù chưa bao giờ nghĩ con sẽ phải ngủ lại bệnh viện. Thương con, từ những ngày chữa bệnh ở đây, chị Hạnh đã giúp con tập coi “bệnh viện như ở nhà”. Trước, chị hay trò chuyện cùng con, chơi cùng con trước khi đi ngủ, giờ chị ru bé ngủ thật nhanh, không để bé lo lắng trước khi đi ngủ. Rồi chị cố gắng vui đùa, giúp con làm quen với “hàng xóm” xung quanh để bé thấy quanh mình có nhiều bác, nhiều bạn bè…
Mấy hôm đầu, con đau nên khó ngủ ở trong viện, bé cứ nằm gọn trong lòng mẹ thổn thức. Chị thức suốt mấy ngày trời, nhưng những lần sau, bé quen dần, bé ngủ ngoan sau khi ríu rít một hồi với các bé giường bên.
Nhìn con vui vẻ, lạc quan chị cũng cố gắng tự dặn lòng mình phải cố hơn nữa để cùng con vượt qua giai đoạn này.
theo: afamily

One thought on “Buồn như chuyện mẹ chăm con bạo bệnh

Leave a Reply

Or