Bữa cơm chung mất dần trong gia đình hiện đại

30-40% gia đình ở các đô thị lớn Việt Nam hiếm khi có bữa cơm chung với đầy đủ thành viên, khiến thành viên trong nhà mất cơ hội chia sẻ cảm giác yêu thương. 

Từ 10 tuổi, anh Thạnh (quận 7, TPHCM) đã được ba dẫn đi chợ. Giờ đây, anh vẫn vào bếp nấu ăn cho gia đình khi vợ bận. Anh Thạnh chia sẻ chuyện nhà mình tại tọa đàm sáng 27/6 nhân Ngày Gia đình Việt Nam 2014 với chủ đề “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương”. Truyền thống đàn ông vào bếp đã có từ lâu trong gia đình anh Thạnh. Ba anh vốn được học tại trường Pháp nên không nề hà làm việc nhà đỡ đần vợ. Đến lượt anh được dạy làm việc nhà và nấu ăn từ bé nên bây giờ cũng không ngại đi chợ hay nấu ăn.

Theo anh Thạnh, người đàn ông hiện đại nên biết vào bếp và làm việc nhà. Đàn ông vào bếp không chỉ giúp bữa ăn gia đình được duy trì khi người phụ nữ bận công tác xã hội, mà còn là cách để chia sẻ yêu thương trong nhà. Anh cũng khuyên phụ huynh nên tập cho con trai đi chợ, nấu ăn từ bé.

IMG-3167-JPG-8838-1403866865.jpg

Anh Thạnh (áo kẻ) cho rằng đàn ông hiện đại cũng nên vào bếp. Ảnh: Kim Anh.

Thực tế hiện nay bữa cơm đầy đủ thành viên gia đình ngày càng ít đi, đặc biệt ở các đô thị. Thạc sĩ Trần Thị Phương Hoa, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ TP HCM cho biết, tại các đô thị lớn Việt Nam có đến 30-40% gia đình hiếm khi có bữa cơm với đầy đủ thành viên.

Bà nhận xét, trong nhịp sống hiện đại, con người ngày càng hối hả với công việc và xã hội, đã có lúc chúng ta quên đi những truyền thống tốt đẹp, quên bữa cơm gia đình đầm ấm với những người yêu thương. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến rất nhiều hệ lụy cho các gia đình, vợ chồng ít dành thời gian cho nhau, lâu dần dẫn đến sự thiếu chia sẻ, thiếu cảm thông và phai nhạt tình cảm, đi đến rạn nứt hôn nhân. Cha mẹ thiếu sự quan tâm, gần gũi và chăm sóc con cái dẫn đến không kịp thời uốn nắn hành vi đạo đức, khiến trẻ bị lệch lạc trong quá trình phát triển nhân cách.

Ngược lại, những gia đình thường dùng chung bữa cơm với nhau sẽ giảm tần suất căng thẳng trong gia đình, không khí gia đình ấm cúng, con cái học hành tiến bộ, vợ chồng làm việc đóng góp cho xã hội với hiệu suất lao động cao hơn.

Thạc sĩ Phương Hoa cho rằng bữa cơm gia đình là một cơ hội tuyệt vời để bố mẹ tìm hiểu, lắng nghe ý kiến con cái, theo dõi hình thành tính cách con trẻ. Có nhiều điều bố mẹ phải dạy cho con trẻ trong bữa ăn như phải ngồi thẳng, không nhai thành tiếng, ăn chậm, nhai kỹ… Những việc này ngoài để giữ phép lịch sự còn hỗ trợ hệ tiêu hóa hoạt động tốt… Thông qua bữa cơm gia đình, trẻ sẽ học được tính kiên nhẫn, lòng tôn trọng đối với người khác. Bữa cơm gia đình đã dạy trẻ ăn uống “như thế nào”, là điều quan trọng không kém việc dạy trẻ nên ăn cái gì.

Ngày nay, nhiều người không thể duy trì được các bữa cơm gia đình với các lý do rất chính đáng: Con bận đi học, vợ chồng bận làm thêm, bận kiếm tiền. Có những người phụ nữ phải đi làm cách nhà 20, 30 km, bữa trưa không thể về nhà, bữa sáng cũng không thể dậy sớm để nấu nướng. Tuy nhiên, những người tham dự tọa đàm đều chung quan điểm, một số việc chúng ta có thể trì hoãn hoặc nhờ người khác, nhưng việc tạo ra không khí ấm áp trong gia đình phải do chính chúng ta tự làm.

Bà Huyền Thu (Hội phụ nữ phường 27, quận Bình Thạnh), người đã lên chức bà và hiện sống trong một gia đình “tứ đại đồng đường” cho rằng, khi con cháu đi làm, đi học cả ngày thì người lớn tuổi chỉ mong chờ những bữa cơm tụ họp gia đình cuối ngày. Bữa cơm gia đình cũng chính là niềm vui của người già.

Bà Lệ Thu (CLB Nữ trí thức, phường 11, quận 5) chia sẻ kinh nghiệm gìn giữ bữa ăn chung của gia đình mình là ai rảnh thì người đó nấu, không nhất thiết chỉ phụ nữ. Gia đình bà có 6 thành viên: vợ chồng già, vợ chồng người con gái và hai đứa cháu. Các con cháu bà bận đi làm, đi học nên vợ chồng già là những người đứng bếp chính. Hôm nào bà đi họp thì ông làm nội trợ. Đặc biệt, gia đình bà luôn coi trọng những tiệc sinh nhật của các thành viên, một năm nhà bà có 6 bữa tiệc sinh nhật. Đó là những bữa ăn mà cả nhà không ai được vắng mặt. Tất cả cùng góp công thực hiện và cùng thưởng thức, là dịp để mọi ngưởi chia sẻ tâm sự cùng nhau.

Một trong những lý do mà đến giờ nhà chị Xuân Mai (phường Bình An, quận 2) vẫn duy trì tốt bữa ăn gia đình là tất cả thành viên đều tham gia vào việc chuẩn bị bữa ăn. Chị đi làm cách ở quận 12, đi từ nhà đến cơ quan mất hơn một giờ đồng hồ, ông xã làm gần nhà hơn vợ nên buổi chiều vẫn về sớm nấu nướng. Chị đi chợ sẵn từ sáng, sơ chế qua. Buổi trưa, chồng về nấu cho anh và con nhỏ ăn. Buổi tối thì cả nhà ăn uống cùng nhau. Bữa sáng, các thành viên của gia đình chị cũng ăn ở nhà.

Theo chị Mai, để duy trì được bữa ăn gia đình thì mọi thành viên trong nhà đều phải chấp nhận vượt qua khó khăn. Để bữa cơm được ngon thì nên nấu bữa nào ăn hết bữa đó, ai không ai cơm nhà phải báo trước 5h chiều. Chồng con chị yêu thích các bữa cơm gia đình đến mức ngày sinh nhật con, khi chị đề nghị ra nhà hàng, thì tất cả cùng muốn nấu ở nhà. “Nếu bữa cơm gia đình được chăm chút thì người chồng sẽ hiếm khi nhậu nhẹt hay bia rượu bên ngoài”, chị Xuân Mai cho biết.

Bà Lê Thị Thanh Nhã, Phó Trưởng phòng Văn hóa – Gia đình, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch TP HCM nhấn mạnh, bữa ăn chỉ là một ví dụ, mà quan trọng để duy trì gia đình, tất cả thành viên đều phải biết chia sẻ, tôn trọng và yêu thương nhau. Đầu tư cho bữa ăn gia đình cũng chính là đầu tư cho yêu thương trong gia đình. Trong bữa ăn cũng như trong cuộc sống, cha mẹ phải làm gương cho con và vợ chồng cũng làm gương cho nhau. Cha mẹ đưa ra kỷ luật cho con thì chính cha mẹ cũng phải tuân theo kỷ luật ấy, nếu không kỷ luật sẽ không bao giờ có tác dụng.

Kim Anh

Theo Vnexpress

One thought on “Bữa cơm chung mất dần trong gia đình hiện đại

Leave a Reply

Or