Bộ Y tế siết chặt quy trình tiêm chủng

Ngày 21/8, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã ký ban hành quyết định về việc phê duyệt kế hoạch tăng cường công tác an toàn tiêm chủng để đảm bảo chất lượng và tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ em.

Kiểm định vắc xin

Kế hoạch này tập trung vào 5 nội dung lớn: Thanh tra toàn diện các điểm tiêm chủng, kiểm định chất lượng vắc xin, tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế về thực hiện tiêm chủng an toàn, truyền thông và tổ chức thực hiện buổi tiêm chủng.

Bộ Y tế siết chặt quy trình tiêm chủng

Theo kế hoạch, các điểm tiêm chủng sẽ được thanh tra, kiểm tra toàn diện. Với tuyến tỉnh, dựa trên kết quả thanh tra, kiểm tra, Sở Y tế phải xây dựng kế hoạch khắc phục ngay những tồn tại trong công tác tiêm chủng, đảm bảo các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn phải đạt đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực theo quy định về tiêm chủng trước khi triển khai tiêm chủng.

Bộ Y tế giao Cục Y tế dự phòng chủ trì, phối hợp Thanh tra Bộ Y tế, Cục Quản lý Khám chữa, bệnh, Cục Quản lý Dược và các đơn vị liên quan thành lập 2 đoàn và tiếp tục tiến hành thanh tra, kiểm tra tại 6 tỉnh thành phố về sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bao gồm 2 tỉnh tại khu vực phía Bắc, 2 tỉnh tại khu vực miền Nam, 1 tỉnh tại khu vực miền Trung và 1 tỉnh tại khu vực Tây Nguyên.

Để đảm bảo chất lượng vắc xin, Bộ Y tế yêu cầu kiểm định trước khi sử dụng vắc xin trên thị trường.

Tiêm tối đa 50 trẻ/buổi

Theo kế hoạch của Bộ Y tế, số buổi tiêm chủng tại mỗi điểm tiêm chủng phụ thuộc vào số trẻ trên địa bàn.

UBND tỉnh, thành phố quyết định chọn một hoặc nhiều ngày tiêm chủng mỗi tuần hay mỗi tháng tại các điểm tiêm chủng trên địa bàn đảm bảo số lượng trẻ tiêm không quá 50 trẻ/buổi tiêm.

Đối với các Bệnh viện sản nhi tiêm chủng với số lượng lớn phải bố trí các điểm tiêm phù hợp để đảm bảo số trẻ mỗi buổi tiêm chủng tối đa không quá 50 trẻ.

Tất cả các cán bộ tiêm chủng chưa được tập huấn và những cán bộ đã được tập huấn và được cấp Giấy chứng nhận từ 3 năm trở lên (kể cả ở các bệnh viện tuyến trung ương) đều được tập huấn lại.

Ngoài ra, tất cả các cán bộ tham gia khám sàng lọc, sơ cấp cứu phản ứng sau tiêm chủng cũng được tập huấn để có thể sàng lọc, theo dõi, xác định chẩn đoán nguyên nhân, xử trí phản ứng sau tiêm chủng

Sở Y tế phải cử cán bộ chuyên môn đã được tập huấn về khám sàng lọc, sơ cấp cứu khi có tai biến tham gia buổi tiêm chủng tại các điểm tiêm chủng trên địa bàn.

Cán bộ y tế phải tư vấn đầy đủ cho gia đình/người được tiêm chủng. Chỉ tiêm chủng khi đã giải thích đầy đủ cho gia đình/người được tiêm chủng và được sự đồng ý tiêm chủng của gia đình/người được tiêm chủng.

Trước khi tiêm chủng cán bộ y tế phải đưa gia đình/người được tiêm chủng kiểm tra tên vắc xin, hạn sử dụng của lọ vắc xin sẽ tiêm.

 

theo: mecon

Leave a Reply

Or