“Bỏ túi” những thông tin cần biết về trẻ sinh non

Ra đời trước thời gian dự sinh, những bé sinh non thường chưa được chuẩn bị đầy đủ để chào đời, có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Thậm chí, nguy cơ tử vong cũng cao hơn bình thường. Mẹ phải làm gì để chăm sóc con yêu tốt nhất, và cũng phần nào bớt lo lắng hơn đây?

 Dấu hiệu sinh non

1/ Nguy hiểm khi trẻ sinh non

Theo lý thuyết, mẹ bầu có thể chấm dứt khoảng thời gian mang thai và đón bé cưng về nhà sau tuần thai thứ 40. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp thời gian sinh có thể sớm hoặc chậm hơn một vài ngày, hoặc vài tuần so với thời gian dự kiến. Sinh non là trường hợp bé cưng chào đời trước khi được 37 tuần.

So với những đứa trẻ bình thường, trẻ sinh non có nguy cơ gặp các vấn đề về sức khỏe cao hơn, bé có xu hướng chậm lớn và sức đề kháng kém hơn nhiều. Ngoài ra, những bé sinh non cũng có nguy cơ bị dị tật bẩm sinh cao hơn, bé dễ gặp các vấn đề về nhận thức. Thậm chí, nhiều bé phải được chăm sóc đặc biệt trong lồng kính theo một chế độ đặc biệt, trong những trường hợp sinh non sớm.

2/ Nguyên nhân sinh non

Theo các chuyên gia, những yếu tố sau đây có thể làm tăng nguy cơ sinh non:

– Tiền sử sinh non

– Mang song thai, đa thai

– Những bất thường tử cung như nhau bong non, nhau tiền đạo, ối bất thường, vỡ ối sớm…

– Mẹ bầu bị bệnh cao huyết áp, tiểu đường cũng có nguy cơ sinh non cao hơn bình thường

– Những thói quen sinh hoạt không lành mạnh như hút thuốc, uống rượu. Thậm chí, thường xuyên tiếp xúc với môi trường khói thuốc cũng làm tăng nguy cơ sinh non.

– Không cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể

– Các bệnh viêm nhiễm khi mang thai như nhiễm trùng đường tiết niệu, nhiễm nấm âm đạo, viêm âm đạo… Nếu không được điều trị kịp thời, sẽ dẫn đến nguy cơ sinh non ở tuần thứ 22-27.

Không chỉ vậy, theo thống kê, có hơn 50 % những trường hợp sinh non thường không có một lý do cụ thể nào.

Sinh non: Nguyên nhân tử vong hàng đầu ở trẻ

 

3/ Phòng ngừa sinh non như thế nào?

– Ổn định tâm lý khi mang thai: Tâm lý không ổn định hay những bất thường về tâm lý của mẹ trong “hành trình” mang thai có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe thai nhi, làm tăng nguy cơ sinh non, sảy thai.

– Từ bỏ những thói quen xấu như uống rượu, bia, các thức uống có chất kích thích…

– Tránh làm việc quá sức: Nghiên cứu cho thấy, những mẹ bầu bị stress nhiều trong công việc hoặc làm việc quá sức sẽ có nguy cơ động thai và sinh non cao hơn những người bình thường. Giảm bớt thời gian làm việc là cách vừa đảm bảo sức khỏe của mẹ và thai nhi, mẹ lưu ý nhé!

– Thường xuyên khám sức khỏe định kỳ: Đây là cơ hội để các bác sĩ cập nhật chính xác tình trạng sức khỏe của mẹ và bé để đưa ra những lời khuyên hợp lý nhất.

Đón bé sinh non về nhà

 

4/ Lưu ý khi chăm sóc trẻ sinh non

Chăm sóc trẻ sơ sinh đã khó, chăm sóc trẻ sinh non còn đòi hỏi mẹ phải kỳ công hơn bình thường rất nhiều. Trẻ sinh non có thể sẽ cần làm một số xét nghiệm cũng như sự can thiệp đặc biệt của y tế, bé có thể sẽ ở lại phòng chăm sóc đặc biệt vài ngày hoặc vài tuần trước khi chính thức được đón về nhà.

Mẹ nên chú ý đến việc giữ ấm cơ thể cho bé, do lúc này, lớp mỡ dưới da chưa đủ dày để cân bằng nhiệt độ cơ thể. Mẹ có thể ủ ấm cho con nhờ vào nhiệt độ cơ thể mình, vừa giúp con ấm, mẹ vừa kiểm tra được những bất thường (nếu có).

Đối với trẻ sinh non, bạn nên cố gắng cho bé bú sữa mẹ. Bởi những dưỡng chất trong sữa mẹ có thể được bé hấp thu một cách dễ dàng hơn. Mẹ nên cho bé bú từng chút một, vì khả năng tiêu hóa thức ăn của những bé sinh non thường chậm hơn so với những đứa trẻ khác.

MarryBaby

Leave a Reply

Or