Bố mẹ Việt mắc bệnh ‘nhảy xổ vào cuộc đời con’

Chia sẻ của NGƯT.TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội).
tung-lam

Là thầy giáo của những học trò “đặc biệt”, nhưng thầy Lâm rất an tâm với hai người con trai: một sinh năm 71, một sinh năm 73 – một đang làm tiến sĩ ở Canada, một đang làm giám đốc cho quỹ đầu tư Oman tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ: “Vợ dạy con là chính, “nhiệm vụ” của tôi là định hướng”

Bài học đầu tiên mà tôi rút ra là không tạo áp lực cho con.

Lúc đầu tôi không thích cho các con học trường chuyên vì sợ áp lực. Nhưng sau nhiều bạn bè của con trai đầu vào trường chuyên, “rủ” cháu đi, nên cháu cũng thi và đỗ vào học.

Năm con trai thứ hai thi đại học, tôi đã từng khuyên cháu nếu sức khỏe không tốt hãy chấp nhận nghỉ một năm, năm sau thi. Nhưng cháu vẫn quyết định đi thi vì không muốn thua các bạn, và đã đỗ hai trường.

Bài học thứ hai là phải nghiên cứu thiên hướng nghề nghiệp để tạo điều kiện cho con phát triển. Cháu thứ hai của tôi có thiên hướng về các ngành luật, kinh tế… Tôi có phân tích xu hướng nghề nghiệp cho cháu, và cháu đã chọn kinh tế.

Cháu đầu lại có năng khiếu học ngoại ngữ. Lúc đầu cháu học tiếng Nga, sau khi tốt nghiệp nhiều cơ quan có nhu cầu sử dụng tiếng Nga đã nhận cháu vào làm việc. Nhưng tôi khuyên phải học tiếng Anh đi. Cháu cũng nghe lời, học và còn dạy lại cả cho em. Cháu “dạy” em bằng nhiều cách, ngoài việc kèm em học, thì khi đi làm ở khách sạn nếu có khách đến cần đi thăm quan, cháu gọi em dẫn đi, vừa tạo điều kiện cho em giao tiếp với khách nước ngoài, vừa giúp em có thêm thu nhập.

Nhưng bài học quan trọng là hết sức tôn trọng nhu cầu của con, không lấy mình ra để ngăn cản.

Hai cậu con trai tôi không hề thuần tính, mà có thể nói ngược lại, chúng rất cá tính. Với những người cá tính, chúng ta không đặt ra vấn đề khống chế hay để phát triển tự nhiên, mà theo tôi, phải có sự tôn trọng lẫn nhau. Những mong muốn của bố mẹ cũng như các con sẽ được đặt ra và thương lượng trên cơ sở tôn trọng nhau, không áp đặt.

Ví dụ như khi con thi đại học, bố mẹ bảo vào sư phạm đi sau này mới dễ xin việc. Con tôi từ chối hết, bảo bố mẹ khổ rồi con không đi theo được.

Khi con thứ hai xin đi học thêm một bằng tiếng Anh, tôi có bảo nếu con học ra để đi dạy thì nên. Còn nếu chỉ để biết thì không nên, mà tìm thầy giỏi học trực tiếp còn hơn. Cháu đã nghe lời và điều này thực tế rất có lợi, phát huy được khả năng của nó.

Con đầu giỏi ngoại ngữ, cháu xin được nhiều học bổng, việc đi nước ngoài học hành cháu tự lập hết.

Nhưng con thứ hai lại từ chối học bổng của Viện kinh tế thế giới, vì cháu có thiên hướng thực tế, thích mở xưởng, kinh doanh trực tiếp… Mình cũng chẳng ép buộc con làm gì.

Để các con có được sự tự lập này, “công lớn” phải ghi cho vợ tôi. Đã giao việc cho các con là giao rất tỉ mỉ, chặt chẽ, kiểm tra lại đến nơi đến chốn. Ngay lúc nhỏ, việc nhà các cháu cũng phân công cụ thể, đứa bưng nồi thì đứa kia rửa bát.

Và cái chính là mọi người phải thương yêu nhau. Thực sự thương yêu nhau thì giải quyết dễ dàng. Nhiều khi bố mẹ làm sát sạt, mà con thấy thỏa đáng, thì cũng vẫn nghe theo dù có thể bực mình.

Người Việt Nam chúng ta mắc bệnh bố mẹ nhảy xổ vào cuộc đời con. Hãy cứ để con tự lựa chọn và trả giá, chúng mới có thể trưởng thành.

Tôi vẫn thường bảo với các phụ huynh, “kỳ vọng với con ít thôi, kỳ công với con nhiều hơn”. Hiện nay chúng ta thường ngược lại, kỳ vọng vào con quá. 

Và trên hết, trong việc giáo dục con trẻ, trách nhiệm gia đình, nhà trường là có, nhưng không ai có thể sống thay các em được. Các em cần phải biết rằng, không thể cứ gây ra lỗi rồi đổ hết cho bố mẹ, thầy cô.

 

 

theo: mecon

Leave a Reply

Or