‘Bố mẹ quá bận với chiếc điện thoại đến quên cả con’

“Bố em quá bận điện thoại đến nỗi quên cả cho em ăn và ngủ”, “em nói mà mẹ không nghe vì bận nhắn tin” là những tâm sự thật của các con khi bố mẹ dành quá nhiều thời gian cho điện thoại, ipad, laptop…

Gần đây tôi đã trò chuyện với rất nhiều đứa trẻ về việc trở thành nhà văn và đặt ra những mục tiêu trong cuộc sống. Tuy nhiên, khi tôi nói với bọn trẻ rằng cuốn sách của tôi giúp mọi người suy nghĩ về việc rời xa các thiết bị điện tử để thực sự tương tác với những người họ yêu quý, một điều tôi không ngờ đến đã xảy ra. Rất nhiều đứa trẻ giơ tay và háo hức xin được chia sẻ câu chuyện của mình.

Khi nhìn vào đôi mắt đầy hy vọng của các em nhỏ và lắng nghe tâm sự của chúng, người mẹ trong tôi khao khát được kéo các em lại gần để vỗ về. Mặc dù có thể không an ủi được các em, tôi chắc chắn rằng các em sẽ được lắng nghe.

Sau đây là những tâm sự ngây thơ mà chất chứa phiền muộn của các em:

“Mẹ em luôn cầm theo điện thoại và không bao giờ tắt máy”.
“Bố em chả mấy khi đặt điện thoại xuống”.
“Mẹ em vừa lái xe vừa nhắn tin”.
“Mẹ em nói chuyện điện thoại mỗi khi lái xe. Mẹ thậm chí còn không tạm biệt khi em bước xuống xe”.
“Có lúc em nói chuyện với bố nhưng bố không hề lắng nghe vì đang bận nhắn tin”.
“Bố mẹ em quá bận với chiếc điện thoại đến mức họ quên cho em ăn và đưa em đi ngủ. Em luôn cảm thấy như bị quên lãng”.

bo-me-ban-dienthoai-quen-con

Chắc hẳn nếu chúng tôi không quay lại chủ đề bàn luận ban đầu về việc trở thành nhà văn thì những lời tâm sự về việc cha mẹ sử dụng điện thoại quá nhiều vẫn còn tiếp diễn. Điều này cho thấy một hiện trạng nhức nhối trong xã hội.

Bất kể công việc của bạn, khách hàng của bạn quan trọng thế nào, việc giao tiếp qua điện thoại cần thiết ra sao, bạn đâu có muốn con mình cảm thấy bị quên lãng chỉ vì một chiếc điện thoại, phải không? Có thể bạn chẳng mấy khi dùng điện thoại, nhưng bạn vẫn cần xem xét lại bản thân xem mình có bị xao nhãng đến mức không thể kết nối với con bởi điều gì khác hay không.

Sự thật thì đau lòng, nhưng biết được sự thật cũng có thể giúp chúng ta chữa lành vết thương. Tôi đúc kết được điều này từ chính trải nghiệm của bản thân mình. Chưa đầy 2 năm trước, các con tôi chắc hẳn cũng sẽ vẫy tay trong tuyệt vọng và mong được chia sẻ câu chuyện của mình. Thực tế, sự xao nhãng, không quan tâm đã khiến tôi suýt mất đi mọi thứ tôi yêu quý. Nhưng rồi tôi nhận ra rằng sống mà không có sự kết nối thì không phải là cuộc sống thực sự. Kể từ đó, tôi cố gắng hết sức để chia sẻ thông điệp này cho mọi người.

Sau khi lắng nghe tâm sự của bọn trẻ, tôi nhận ra rằng bài viết của mình thậm chí còn chưa thoát khỏi bề nổi của vấn đề. Tôi cố diễn tả một cách tích cực về sự xao nhãng của các bậc cha mẹ, còn bọn trẻ thì không như vậy. Ngôn từ của trẻ con không hề màu mè, chúng diễn đạt sự thật đúng như bản chất của nó. Chúng khiến tôi hiểu ra rằng việc bị cha mẹ quên lãng bởi một chiếc điện thoại còn tồi tệ hơn những gì tôi từng miêu tả.

Do đó, buổi tối khi về nhà, tôi đã hỏi con mình: “Con có nghĩ rằng mẹ dùng điện thoại quá nhiều không? Hãy nói thật cho mẹ biết”.

Sau một hồi suy nghĩ, con bé nói rằng: “Mẹ hiếm khi dùng điện thoại lắm. Vào năm ngoái, con nhớ mẹ chỉ gọi điện thoại khi lái xe một lần. Đó là lúc mẹ nhờ bố mua dầu gội đầu”.

Nghe được câu trả lời như vậy, tôi cảm thấy thật nhẹ nhõm. Tôi cười vang vì khâm phục trí nhớ đáng nể của cô con gái nhỏ. Nhưng rồi tôi nhận ra mình không chỉ cười mà còn đang rơi nước mắt. Nước mắt hạnh phúc lăn dài trên má khi tôi kéo con vào vòng tay. Trong tâm trí của tôi lúc đó chỉ có 4 chữ: Luôn có hi vọng.

Tại sao như vậy? Bởi chính tôi – người phụ nữ hiện giờ hiếm khi dùng điện thoại từng là người luôn nói chuyện điện thoại khi lái xe chở con đi học, kiểm tra email mỗi lần đèn đỏ và cũng chính người ấy luôn để tiếng chuông điện thoại cắt ngang những phút giây yên bình bên gia đình. Nếu có hi vọng cho tôi, tại sao với các bạn lại không có?

Những đứa trẻ đã cất tiếng nói, còn chúng ta liệu có đang lắng nghe? Nếu câu trả lời của bạn là có, thì bạn của tôi, luôn có hi vọng dành cho bạn.

Con bạn sẽ trả lời như thế nào nếu bạn hỏi: “Con có nghĩ bố/mẹ dùng điện thoại (Blackberry, iPad, laptop) quá nhiều không?”. Nếu bạn muốn biết sự thật, hãy hỏi con. Hãy đảm bảo với các thành viên gia đình và bè bạn rằng bạn muốn biết sự thật chứ không phải những lời hoa mỹ, như vậy bạn mới có thể thực sự kết nối với họ. Tiếp đó, hãy thay đổi bản thân mình, bởi những thay đổi nhỏ nhất cũng có thể mang đến sự khác biệt lớn lao.

Vài nét về tác giả: Rachel Macy Stafford là mẹ của hai cô con gái 6 và 9 tuổi. Cô là tác giả của nhiều bài viết trên USA Today, MSN Living, Reader’s Digest… chia sẻ những trải nghiệm chân thật, sống động và đầy cảm hứng về giáo dục trẻ và nuôi dạy con cái. 

 

 

theo: mecon

Leave a Reply

Or