Biểu đồ chuyển dạ và những điều mẹ bầu cần biết trước khi sinh

Mẹ đã từng nghe tới thuật ngữ biểu đồ chuyển dạ, cụ thể nó là gì? Cùng tìm hiểu ngay về biểu đồ chuyển dạ và những điều mẹ bầu cần biết trước khi sinh nhé!

Tất cả những trường hợp chuyển dạ có tiên lượng đẻ thường qua đường âm đạo sẽ được bác sĩ Sản khoa theo dõi trên biểu đồ chuyển dạ. Vậy, biểu đồ chuyển dạ sẽ gồm những thông số gì và với mục đích ra sao? Tất cả những thông tin liên quan về vấn đề này sẽ có ở bài viết sau của MarryBaby.

Biểu đồ chuyển dạ là gì?

Biểu đồ chuyển dạ là một phương tiện rất quan trọng nhằm theo dõi diễn biến của cuộc chuyển dạ. Nói cụ thể, đó là bảng ghi lại tiến triển của cuộc chuyển dạ theo thời gian bằng các ký hiệu đã được quy định.

Theo dõi biểu đồ chuyển dạ, nhân viên y tế sẽ đánh giá được tình trạng của mẹ, bé và tiến triển của một cuộc chuyển dạ. Biểu đồ chuyển dạ được xem như hệ thống báo động sớm giúp cho các nhân viên y tế, bác sĩ biết biết khi nào cần can thiệp và kết thúc cuộc chuyển dạ đúng lúc. Đối với tuyến y tế cơ sở, biểu đồ chuyển dạ giúp nhận biết khi nào mẹ bầu cần phải được chuyển tuyến. Nhờ đó, biểu đồ chuyển dạ có thể giảm được những tai biến không may xảy ra cho bà mẹ và thai nhi.

Biểu đồ chuyển dạ dành cho trường hợp mẹ bầu được tiên lượng là có đủ khả năng để sinh thường qua đường âm đạo.

Những trường hợp không ghi biểu đồ chuyển dạ:

– Ra máu trước đẻ

– Tiền sản giật nặng hoặc sản giật

– Thai suy yếu

– Có vết mổ cũ

– Thiếu máu hoặc đa thai

– Ngôi thai bất thường

– Sinh quá non

Mẫu biểu đồ chuyển dạ bộ y tế

1. Thời điểm bắt đầu ghi biểu đồ chuyển dạ

– Khi cổ tử cung mở dưới 3cm, diễn biến cuộc chuyển dạ sẽ được ghi vào phiếu theo dõi trong bệnh án sản khoa. Khi cổ tử cung mở từ 3-4 cm trở lên, bắt đầu ghi vào biểu đồ chuyển dạ (trừ các diễn biến đặc biệt không có chỗ ghi trong biểu đồ mới phải ghi trong bệnh án). Ví dụ mẹ bầu đột nhiên ra máu ồ ạt, hạ huyết áp, co giật,… để chỉ định điều trị hoặc mời hội chẩn.

– Thời điểm bắt đầu ghi trên phần thủ tục của biểu đồ phải ghi đúng theo giờ, phút trong ngày nhưng khi theo dõi trên biểu đồ thì giờ đầu tiên theo dõi được làm “tròn số”. Ví dụ sản phụ Mai vào viện đã chuyển dạ thật lúc 14 giờ 15 thì ghi 14 giờ, nếu mẹ bầu khác chuyển dạ lúc 15 giờ 40 phút thì ghi tròn số thành 16 giờ.

2. Nội dung của biểu đồ chuyển dạ

Đối với tuyến y tế cơ sở, biểu đồ chuyển dạ chỉ áp dụng cho những trường hợp mẹ bầu không có nguy cơ cao, và được tiên lượng có thể sinh thường bằng đường âm đạo. Còn đối với những trường hợp có nguy cơ cao hoặc không thể sinh thường phải chuyển ngay đến bệnh viện (chuyển tuyến trên).

Nội dung của biểu đồ chuyển dạ mới nhất gồm 3 thành phần chính: Tình trạng thai, tình trạng mẹ và diễn tiến chuyển dạ.

♦ Tình trạng thai

Ghi nhận về tình trạng thai được đặt ngay trên đồ thị mở cổ tử cung, bao gồm:

+ Nhịp tim thai: Thai nhi sẽ được theo dõi sát sao về nhịp tim. Phần này có hai đường kẻ đậm ở 120 lần/phút – 160 lần/phút để chỉ rõ giới hạn bình thường của tim thai trong khoảng này. Đây là cách theo dõi an toàn và đáng tin cậy để biết được tình trạng thai nhi.

+ Màng ối, nước ối: Ghi nhận tình trạng màng ối còn không hay đã vỡ, màu sắc nước ối như thế nào, lượng ối nhiều hay ít

+ Xương sọ: Sự chồng khớp (uốn khuôn) của đầu thai nhi trong tiểu khung người mẹ.

♦  Diễn tiến của chuyển dạ

Diễn tiến chuyển dạ sẽ ghi đồ thị cổ tử cung, gồm hai phần:

– Pha tiềm ẩn: Từ khi bắt đầu chuyển dạ đến khi cổ tử cung mở 3cm, chỉ kéo dài từ 0 – 8 giờ (pha tiềm ẩn không kéo dài quá 8h). Đường ngang ở pha tiềm ẩn được kẻ đậm.

– Pha tích cực: Bắt đầu khi cổ tử cung mở từ 3cm đến khi mở hết. Có hai đường chéo được vẽ đậm trong pha này: đó là đường báo động và đường hành động. Đường báo động đi từ 8 giờ – 15 giờ (tương ứng độ mở cổ tử cung 3 – 10cm và xóa hoàn toàn), tốc độ mở cổ tử cung tối thiểu là 1cm/giờ và đường hành động được vẽ bên phải song song đường báo động 4 giờ. Nếu đồ thị mở cổ tử cung chạm hoặc vượt quá đường báo động là mẹ bầu có chuyển dạ bất thường cần phải được can thiệp.

+ Độ lọt: Các bác sĩ sẽ đánh giá độ lọt của thai nhi bằng cách nắn đầu qua thành bụng. Phần này được vẽ trên cùng phần đồ thị mở cổ tử cung và đường biểu diễn bình thường đi xuống dần.

+ Diễn tiến cuộc chuyển dạ: Theo diễn biến của cuộc chuyển dạ, đồ thị mở cổ tử cung sẽ là một đường đi dần lên. Nếu cuộc chuyển dạ tiến triển tốt thì cổ tử cung của người mẹ phải mở tương xứng với độ lọt của đầu thai nhi.

+ Cơn co tử cung: Cơn co phải được ghi nhận về tần số, cường độ và thời gian co.

♦ Tình trạng mẹ

Những ghi nhận về tình trạng mẹ, sẽ bao gồm các yếu tố sau:

– Mạch, huyết áp, nhiệt độ cơ thể: Các yếu tố ấy có nằm trong độ an toàn hay không

– Nước tiểu: Phân tích về thể tích, protein, acetone

– Thuốc và dịch truyền: Yếu tố này được ghi lại ở dưới phần ghi cơn co tử cung. Mục này cho phép nhân viên y tế theo dõi được các thuốc và dịch truyền đã sử dụng trong chuyển dạ.

Nhận biết chuyển dạ bình thường, bất thường qua sử dụng biểu đồ chuyển dạ

Trên cơ sở biểu đồ chuyển dạ, các nhân viên y tế có thể biết được lúc nào mẹ bầu có thể chuyển dạ bình thường và lúc nào là bất thường.

Chuyển dạ bình thường

Mẹ bầu được coi là chuyển dạ bình thường khi:

+ Pha tiềm ẩn không kéo dài quá 8 giờ (cổ tử cung mở 3m trong vòng 8h)

+ Ở pha tích cực, đồ thị mở cổ tử cung không giao với đường báo động, tức là đảm bảo tốc độ mở cổ tử cung > 1cm/giờ.

Chuyển dạ bất thường

Trong trường hợp sau được gọi là chuyển dạ bất thường:

– Khi pha tiềm ẩn kéo dài quá 8 giờ: Đồ thị mở cổ tử cung di chuyển sang bên phải và cắt đường báo động. Lúc này chuyển dạ có nguy cơ kéo dài.

Tóm lại, biểu đồ chuyển dạ rất quan trọng trong y khoa. Thông qua biểu đồ chuyển dạ, mẹ bầu được theo dõi, đánh giá sát sao và có hướng can thiệp kịp thời để không ảnh hưởng xấu tới mẹ và bé.

Theo Marry Baby

Leave a Reply

Or