Bí quyết thổi niềm đam mê đọc sách vào con

Con hiếu động, không thích ngồi một chỗ, làm sao để con thích đọc sách. Các mẹ cùng tham khảo bí quyết cho con thích đọc sách của mẹ Tin dưới đây nhé.

Xin chào các mẹ, hẳn là các mẹ có con lớn lớn một chút rồi cũng biết và cũng rất quan tâm đến chuyện tạo cho con thói quen đọc sách. Con mình năm năm vào lớp 2 rồi, và hiện giờ bé rất thích đọc sách, mà nhà mình cũng khuyến khích bé đọc.

Sở dĩ cu nhà mình ham đọc vì ngày xưa ông bà chăm cháu, dạy cháu nhà mình kỹ lắm (Phần này cũng phải cảm ơn ông bà, vì ông bà nội của cu Tin làm giáo viên nên thích dạy cháu lắm ạ). Nhân tiện hôm nay có bà chị hỏi cách dạy con thích đọc sách nên mình cũng xin đưa ra một vài kinh nghiệm (đúc rút từ ông bà ngội cu Tin thôi ạ) để chia sẻ cùng các mẹ đang muốn xây dựng cho con thói quen đọc sách, thích sách.

Theo kinh nghiệm mà mình rút ra thì các mẹ nên tập cho con thích đọc sách ở độ tuổi càng sớm càng tốt. Vì  trẻ con dưới 4 tuổi đã có thể nhận biết những cuốn sách có tranh ảnh đẹp, màu sắc cuốn hút rồi các mẹ ạ. Hồi ấy, cu Tin nhà em cứ thấy mấy quyển truyện tranh là thích lắm, cứ cầm ngắm nghía, rồi lẩm nhẩm hát mãi ấy.

Ngày trước, ông bà nội cu Tin rảnh nên rất hay dành thời gian kể những mẩu chuyện tranh đơn giản kết hợp với việc cho cu nhà mình xem tranh ảnh về câu chuyện đó. Nếu không có thời gian, thì mỗi tuần ông bà vẫn cố kể cho cu nhà mình xem truyện từ 2 đến 4 lần. Mỗi lần khoảng từ 15 đến 30 phút thôi. Mỗi lần nghe ông bà kể chuyện, bé chăm chú nhìn tranh, chăm chú nghe, nhìn đáng yêu lắm.

Sau đó, nhà mình hay để những cuốn truyện tranh này ở đầu giường, trên kệ thấp, để cu Tin có thể tự lấy xem khi con muốn.

Bên cạnh đó, nhiều lúc chỉ có ông bà và cu Tin ở nhà, ông bà cũng khuyến khích cu nhà mình tự kể lại câu chuyện theo ngôn ngữ mà cu cậu nhớ. Nhiều lúc bé lộn xộn từ chuyện này sang chuyện chuyện kia. Ông bà nghe mà buồn cuồi vì sự lắp ghép hài hước của cháu. Nhưng bố mẹ chồng mình bảo như thế không sao cả, để cho bé tự phát huy trí tưởng tượng của mình, chỉ cần nhắc khéo bé, để bé nhớ đúng cốt truyện vào lần sau bé kể là được.

À, các mẹ cũng nhớ nhé nếu con có lỡ làm hỏng vài cuốn, thì các mẹ đừng rầy la, vì như thế sẽ làm cho con ngại tiếp cận với sách, truyện nhé. Chỉ trong trường hợp, bé cố tình xé rách sách, truyện thì các mẹ nên góp ý để bé sửa.

Khi bé bắt đầu đi học và biết đánh vần, đọc chữ, bố mẹ chồng mình lại thổi niềm đam mê đọc sách vào cu Tin bằng cách lựa một câu chuyện hấp dẫn kể cho cu cậu nghe một đoạn (không kể đoạn kế tiếp, hay diễn biến tiếp theo của đoạn đó nhé). Rồi sau đó, ông bà là làm như thật sự không biết, đặt ra câu hỏi cho cu Tin về đoạn tiếp theo và “nhờ” cu cậu đọc để trả lời.

Ví dụ “Bach Tuyết ăn phải quả táo độc rồi thì làm sao để sống lại được nhỉ? Lâu quá rồi ông bà quên, con đọc tiếp và kể cho ông bà nghe với!”. Những lúc như vậy, cu Tin nhà mình cảm thấy được khám phá và có nhiệm vụ lớn “kể cho ông bà nghe” nên hào hứng đọc lắm. Dù bé mới bập bẹ đánh vần nhưng mà vẫn hăng say đọc.

Bố mẹ chồng mình bảo không có đứa trẻ nào lại không thích được khen. Vì vậy, cả nhà mình không bao giờ quên lời khen khi cu Tin đọc xong được một cuốn sách, truyện hoàn chỉnh).

Bây giờ con nhà mình học lớp hai rồi, bé đọc tốt lắm. Nhà mình cũng hay mua sách, truyện về cho con đọc. Nhưng mình cho con chọn sách mà con thích, chứ không chọn những quyến mà mình, hay ông bà thích. Tạo cho con cảm thấy hứng thú đọc với quyến sách mà cu cậu thích.

Mình cũng kinh nghiệm một lần, mình mua 1 quyển mà mình thích về cho con nhưng bé có vẻ không hứng thú với quyển này. Nên kết cục là con chẳng rút ra được gì, chẳng nhớ gì sau khi đọc cả.

Bây giờ, đọc sách, truyện với con nhà mình gần như một thói quen rồi, lúc nào trong hành lý của con đi đâu cũng phải có một vài quyển để con đọc lúc rảnh rỗi. Các mẹ thử tham khảo và áp dụng vào bé nhà mình xem nhé. Chúc các mẹ thành công.

 

 

theo: phunutoday

Leave a Reply

Or