Bí quyết “dạy con theo luật hấp dẫn” (P1)

Thay vì cứ nói với con những điều bạn không muốn, hãy đưa ra những thông điệp rõ ràng tích cực về những điều bạn mong đợi ở con mình.

Bố mẹ không muốn con đánh nhau, đừng hơi một tí là khóc nhè thế, con không được dậy muộn đấy… Bạn có thấy những câu này quen quen không?

Mẹ không muốn, con không được…

Giả sử có một người đàn ông bước vào một quán café và gọi “Chủ quán, mang cho tôi một cốc không phải là café, không phải coca, cũng không phải là nước cam, cũng đừng mang sinh tố, tôi cũng không thích uống nước dừa…”. Vậy theo bạn, người chủ quán đó có biết người đàn ông này muốn uống gì để phục vụ không? Chủ quán sẽ làm gì với ông khách này?

–   Suy đoán xem ông khách này muốn uống gì?

–   Mang cho ông ta một cốc nước lọc và đi phục vụ khách hàng khác?

–   Hỏi lại ông khách “Tóm lại là ông muốn uống gì?”.

Bí quyết "dạy con theo luật hấp dẫn" (P1)

Cách gọi đồ uống của ông khách này có cái gì đó tưởng như ngớ ngẩn nhưng lại rất gần gũi, gần gũi đến mức mà chúng ta vô tình không nhận ra. Hàng ngày, không ít ông bố bà mẹ (những ông khách) vẫn nói với con mình (chủ quán) theo kiểu như vậy: Bố mẹ không muốn con đánh nhau, con đừng có hơi tí là lại khóc nhè như thế, đừng làm bố mẹ xấu hổ, đừng làm bố mẹ thất vọng, con đừng về muộn nhé…

Bố mẹ không nói cho con biết những gì bố mẹ mong muốn ở con mà chỉ nói những điều bố mẹ không muốn con làm. Con chúng ta sẽ phải nghĩ ngợi, suy đoán xem bố mẹ muốn con làm gì. Khi bé hiểu sai ý bố mẹ nên làm sai, lại bị bố mẹ mắng hoặc nhắc nhở là “không phải như thế”.

Có bé chẳng biết phải làm gì nên không làm gì cả, cứ đứng trơ ra thì bị bố mẹ cho là lì lợm, thi gan với bố mẹ hay cố ý chọc tức bố mẹ… Bố mẹ suy diễn ra rất nhiều thứ rồi tự đẩy cảm xúc của mình lên cao trào. Kết quả là con có thể bị đánh đòn hoặc bị phạt mà con chẳng hiểu mình đã phạm phải sai lầm gì. Trò chơi “đuổi bắt” này chỉ nên áp dụng khi chơi chứ không nên áp dụng trong giáo dục vì nó sẽ không mang lại hiệu quả, gây ra sự bất đồng ngôn ngữ giữa cha mẹ và con cái, từ đó dẫn đến những ức chế, mâu thuẫn trong gia đình.

Bí mật của luật hấp dẫn

Luật hấp dẫn có lẽ không còn là khái niệm xa lạ với nhiều người trong chúng ta. Theo luật hấp dẫn, bạn sẽ hấp dẫn tất cả những gì bạn tập trung vào. Bất cứ việc gì bạn dành công sức vào đều quay trở lại với bạn. Vì thế, nếu bạn tập trung vào những điều tốt đẹp và tích cực, tự nhiên bạn sẽ thu hút được thêm thật nhiều những điều tốt đẹp và tích cực vào cuộc sống của mình. Nếu bạn chỉ quan tâm tới những điều thiếu thốn và tiêu cực thì đó sẽ chính là những thứ sẽ được “hút” vào cuộc sống của bạn. Bạn sẽ trở thành điều mà bạn nghĩ đến suốt cả ngày…” (Trích trong Người nam châm- Jack Canfield)

Như vậy, hãy tập trung vào những điều chúng ta thực sự muốn chứ không phải là những điều chúng ta không muốn. Tâm trí của chúng ta hoạt động dựa trên “những bức tranh”.

Nếu bạn nghĩ đến hạnh phúc, bạn sẽ tưởng tượng ra những hình ảnh rất tươi đẹp, vui vẻ, hài hước và có khi ngay trong lúc tưởng tượng đó, bạn chả tự mỉm cười với chính mình và cảm thấy tự tin, yêu đời hơn. Ngược lại, nếu bạn nghĩ “Tôi không muốn bị đau khổ”, nghĩa là bạn đang vẽ ra trong đầu mình một bức tranh thật ảm đảm đầy rẫy những khổ đau, tai ương và vũ trụ sẽ “gửi” lại cho chúng ta những thứ mà chúng ta đã nghĩ tới.

Có thể nhiều bố mẹ trẻ đã trải nghiệm và tin tưởng vào tác động của luật hấp dẫn trong cuộc sống của mình. Sao chúng ta không thử áp dụng vào việc dạy con? Thay vì cứ nói với con những điều bạn không muốn, hãy đưa ra những thông điệp rõ ràng tích cực về những điều bạn mong đợi ở con mình.

Con trai tôi rất thích ăn tương ớt, con muốn tự tay mình cho tương ớt vào bát. Một buổi sáng, khi hai mẹ con đang ăn sáng, con cầm chai tương ớt lên định cho tương ớt vào bát của mình, tôi nói “Con đừng bóp mạnh nhé, nếu không con sẽ dốc cả chai tương ớt vào bát của con mất, nếu vậy thì cay lắm không thể ăn nổi, mẹ sẽ lại phải nấu bát mỳ khác cho con, sẽ rất mất thời gian đấy”. Và rồi, mọi chuyện diễn ra theo đúng những gì tôi vừa nói. Lúc đó, tôi hậm hực và nói với con “Thấy chưa, mẹ đã nói rồi mà”.

Phải chăng, chúng ta đã rất nhiều lần trở thành “nhà tiên tri”, tiên đoán những gì sắp xảy ra và mọi việc diễn ra gần đúng với những gì chúng ta nói ra hoặc nghĩ đến (Con mà cứ nhảy chồm chồm trên giường thế kiểu gì cũng ngã, và đúng là con ngã thật) hay đơn giản đó chỉ là chúng ta đã vẽ ra trong đầu người khác một bức tranh và “dẫn dụ” những thứ trong bức tranh đó đến với họ? Sau khi hiểu hơn về luật hấp dẫn, tôi đã thay đổi cách nói với con trai mình “con bóp chai tương ớt nhẹ tay thôi nhé”, thế là cu con rón rén, nhẹ nhàng bóp ra 1 ít tương ớt.

Dạy con theo luật hấp dẫn

Hãy đưa ra những chỉ dẫn rõ ràng và vẽ ra trong đầu con những hình ảnh tích cực để con bạn hấp dẫn những điều tốt đẹp vào cuộc sống của mình, ngay bây giờ và cả sau này.

Thay vì nói những hành động con không nên làm, bố mẹ hãy nói những gì bố mẹ muốn con làm

Thay vì nói “Bố mẹ không muốn con đánh nhau với các bạn”, hãy nói: Con hãy chơi vui với các bạn nhé, hãy chia sẻ đồ chơi và đồ ăn cho bạn.

Thay vì nói “Con đừng có mà dậy muộn đấy”, hãy nói: Con hãy đặt chuông đồng hồ lúc 6h nhé, mình phải dậy sớm để chuẩn bị cho…

Thay vì nói “Con đừng hét toáng lên như thế làm mẹ nhức hết cả óc”, hãy nói: Hôm nay mẹ bị mệt, con hãy yên lặng cho mẹ nghỉ một lát nhé.

Thay vì nói “Đến lượt con rồi đấy, đừng làm bố mẹ thất vọng”, hãy nói “Hãy tự tin lên con. Mẹ tin con sẽ làm rất tốt.”

Thay vì nói “Phòng con trông như một cái chuồng lợn”, hãy nói: Phòng con bề bộn quá, con sắp xếp và dọn phòng của con cho gọn gàng, sạch sẽ nhé.

Thay vì nói “Con nói có thật không đấy? Bố mẹ mà phát hiện ra con nói dối thì đừng có trách”, hãy nói: Con hãy nói cho bố mẹ nghe, chuyện gì đã xảy ra thế?

Thay vì nói “Sao lúc nào con cũng khóc lóc thế?” hãy nói: Con yêu, khóc không giải quyết được gì cả. Con hãy nói thật rõ ràng cho bố mẹ biết con muốn gì nào?
(Còn nữa)

 

theo: mecon

One thought on “Bí quyết “dạy con theo luật hấp dẫn” (P1)

Leave a Reply

Or