Bí kíp dạy trẻ tiểu học quản lý tiền

Sự thật, đứa trẻ nào sớm biết lên kế hoạch và chi tiêu hợp lý thì dễ thành tài hơn. Đó chính là lý do cần dạy trẻ sớm cách tiêu tiền.

Học phí bán trú là khoản tiền mà hàng tháng tôi vẫn đóng cho con khi cháu học tiểu học. Tuy nhiên, vào cuối cấp, tôi quyết định đưa số tiền này cho con đi vào trường tự đóng cho văn phòng.

Vịt Lớn làm việc này khá trôi chảy…Tôi cũng cảm thấy không có vấn đề gì. Nhưng một hôm cô giáo gọi cho tôi và hỏi vì sao tháng vừa rồi tôi quên đóng học phí cho con. Sau khi nghe cuộc gọi, tôi cực kỳ ngạc nhiên vì đúng ngày 5 hàng tháng, khi đưa con đến trường, tôi đã đưa tiền cho Vịt Lớn. Tôi đành xin lỗi cô, hứa mai sẽ làm việc này ngay .

Số tiền 242.000 VND khi đó khá lớn với một học sinh tiểu học. Tôi không hình dung ra Vịt Lớn sẽ tiêu mất số tiền này thế nào, hoặc đã đánh mất tiền ở đâu mà vì sợ mẹ nên không dám nói ra. Trong khi hàng ngày, tôi luôn cho con ăn uống đầy đủ. Tôi còn gửi thêm cho căng tin của trường một khoản nhỏ để nếu cháu muốn uống nước hay ăn nhẹ khi cần thì các cô cứ trích tiền ra trả. Thêm vào đó, những gì cần cho việc học hành hay đồ chơi của Vịt Lớn nhà đều sẵn sàng.

daycontietkiem

Tối đó về nhà, tôi hỏi Vịt Lớn vì sao lại chưa đóng học phí và tiền ở đâu. Vịt Lớn nói tiền vẫn ở trong cặp sách của con…

Cả nhà kiểm lại thấy đúng là vẫn còn số tiền trong cặp, tuy nhiên, 242.000 mẹ đưa cho Vịt Lớn chỉ còn 240.000. Vịt Lớn nói con đã tiêu mất 2.000 rồi.

Tôi hỏi vì sao con lại tiêu mất 2000. Lúc đó Vịt Lớn mới nói ra sự thật. Đó là vì cu cậu thích đá cầu, nhưng có tật đá bổng nên thường làm quả cầu bay mất trên nóc nhà. Ở nhà đá mất cầu, mẹ cứ phải lấy sào kều mãi mới lấy được. Nay Vịt Lớn vào trường và đá cầu của bạn lên mái nhà ở gần trường. Nhưng vì toàn học sinh tiểu học quá bé, lại không có sào nên đành chịu mất.

Tôi dạy con tiêu tiền như một trò chơi.

Song chẳng may bạn của Vịt Lớn là một cậu bé khó tính, sau khi bị mất 2 quả cầu, ngày nào cũng rỉ rả đòi bồi thường. Vịt Lớn thì tính hay quên, nếu về xin tiền mẹ mua đền bạn 2 quả cầu thì xong rồi. Nhưng đến lớp thì nhớ mà về nhà thì lại quên. Rút cục, đúng hôm bị bạn đòi rát quá, không biết làm sao, vừa hay mẹ đưa tiền cho nộp học phí, Vịt Lớn rút 2000 đồng ra mua cầu trả bạn.

Vì thiếu tiền, mà lại quên về xin mẹ , thế là Vịt Lớn cứ lần lữa vụ nộp học phí cho cô…

Chuyện của Vịt Lớn làm cả nhà vừa buồn cười, vừa bực mình. Tuy nhiên, tôi suy nghĩ lại và thấy cái sai ở đây chính là vì mình đã bảo bọc con nhiều quá và không dạy con cách tiêu tiền đúng đắn. Càng ít va chạm với tiền bạc và học cách quản lý, chi tiêu đúng đắn thì cháu sẽ có nhận thức, thái độ cũng như hành vi sai. Chính vì thế mà Vịt Lớn vẫn coi tiền như một thứ đồ chơi. Nếu có ai cho Vịt Lớn tiền thì nó để vào hộp đồ chơi, lẫn giữa các món đồ chơi khác. Khi nào cần thì mới mang ra.

Thay vì không tin tưởng vào Vịt Lớn nữa, tôi vẫn quyết định hàng tháng đưa tiền cho con nộp học phí. Tuy nhiên, tôi giành một buổi tối trò chuyện với Vịt Lớn và làm cho con một cuốn sổ chi tiêu. Đồng thời, tôi không gửi tiền cho các cô căng tin nữa mà cấp lương cho Vịt Lớn hàng tuần.

Trong cuộc trò chuyện với Vịt Lớn, tôi nói rằng cách tốt nhất để tiêu tiền là cần minh bạch và đúng mục đích. Chỉ có minh bạch và đúng mục đích thì con mới tạo ra sự tin tưởng và uy tín tài chính. Vì thề, con cần có kế hoạch chi tiêu và theo dõi chi tiêu. Từ nay trở đi, con hoàn toàn được phép tiêu tiền, nhưng con nên tính toán xem hàng tuần con phải tiêu những món gì, hết tổng cộng là bao nhiêu tiền. Đồng thời, hàng ngày khi tiêu xong con cần ghi chép lại một cách đơn giản nhưng rõ ràng số tiền đã tiêu, mục đích chi tiêu vào sổ này.

Tôi cũng thống kê giúp con tất cả những khoản cần chi hàng tuần như: uống nước, ăn nhẹ, mua văn phòng phẩm chẳng may bị mất, tiền nộp cho quỹ lớp, tiền dự phòng …Rồi cả hai mẹ con sẽ cùng kiểm tra lại hàng tuần xem đã làm gì, so sánh với số tiền lương đã cấp cho Vịt Lớn, tính toán lại sao cho hợp lý.

Tiếp đó, tất cả những khoản Vịt Lớn đi nộp ở trường đều cần có biên nhận, hóa đơn mang về cho mẹ. Những khoản nhỏ quá nộp ở lớp thì ghi chép vào sổ để mẹ kiểm tra

Khái quát về công việc giữa hai mẹ con là như thế, nhưng quả là khi thực hành việc này không dễ dàng gì. Lý do vì Vịt Lớn còn trẻ con, hay quên. Khi thì ghi chép, khi thì không. Tóm lại, cu cậu nghĩ là nếu có lương mà chẳng cần làm kế hoạch hay ghi chép báo cáo chi tiêu cho mẹ thì là tốt nhất.

Vì thế, trong giai đoạn đầu, tôi phải cực kỳ kiên nhẫn trong việc nhắc nhở con, cùng làm với con. Để việc này không nhàm chán, tôi biến nó thành một trò chơi, theo đó, việc hoạch định kế hoạch chi tiêu tốt của Vịt Lớn sẽ giúp Vịt Lớn quản lý tiền tốt hơn, khi tiết kiệm được tiền, Vịt Lớn sẽ được thưởng. Những tuần mà Vịt Lớn quá tay, chi tiêu hao hụt đều bị mẹ nghiêm khắc trừ chi phí dần của những tuần sau.

Cứ như vậy, mất vài tháng đầu, sau đó, dần dà Vịt Lớn làm rất tốt và trở nên rất đáng tin cậy trong việc hoạch định cũng như quản lý chi tiêu. Sau này, khi con đã vào trung học cơ sở, do hay đi công tác xa, tất cả các khoản tiền chi tiêu điện, nước, điện thoại, các loại hóa đơn định kỳ hàng tháng tôi đều giao cho Vịt Lớn đảm trách và không bao giờ sai sót hay mất mát. Thậm chí, Vịt Lớn còn được cô giao cho làm thủ quỹ của lớp và tổ chức hội chợ học sinh để kiếm tiền làm thiện nguyện.

Việc hoạch định và quản lý chi tiêu cho con theo tôi chỉ là  những bước ban đầu mà các bậc cha mẹ phải làm. Việc quan trọng hơn là cần phải dạy cho các cháu cách hiểu đúng về đồng tiền, những cách kiếm tiền cũng như chi tiêu hữu ích nhất . Những cách hiểu sai lệch về tiền bạc cũng như phương cách kiếm tiền, chi tiêu sẽ làm cho trẻ em có nhiều nhận thức sai như sợ tiền, ghét tiền, hay tham lam và ham hố tiền bạc …Tất cả sẽ tạo ra các thái độ và hành vi xấu về lâu về dài với cuộc sống. Những điều này tôi xin phép các bạn sẽ chia sẻ trong những bài viết mới.

Theo Kienthucgiadinh

Leave a Reply

Or