Bi kịch vì cố lấy chồng giàu

“Một túp lều tranh, hai quả tim vàng” – câu hát này đã quá lỗi thời khi việc lấy một tấm chồng giàu được xem là thành công của người phụ nữ.

Thế nhưng, dù túp lều tranh đã vĩnh viễn lụi tàn trước cái nhìn ngày một tỉnh táo của con người hiện đại, thì liệu giấc mộng giàu sang, hạnh phúc có được đảm bảo chỉ bằng cách cố lấy chồng giàu?

cố lấy chồng giàu 1
Nhắm mắt lao vào một anh chồng giàu cũng giống như đặt hạnh phúc vào một canh bạc mà mình không phải người chơi, rủi ro chất chồng. Ảnh minh hoạ

“Lấy chồng giàu rất sướng”

Lạ một điều, không phải chỉ những người phụ nữ quẩn quanh, ít cơ hội kiếm tiền mới nhón chân ngóng vào túi tiền của ý trung nhân. Trong nhóm phụ nữ trí thức, hiện đại được chúng tôi phỏng vấn, thỉnh thoảng vẫn có bạn trẻ thừa nhận giàu có cũng là một tiêu chí chọn chồng.

Khánh Trinh (nhân viên marketting, First News): “Bên cạnh tình yêu, tính cách, sự giàu có cũng là một tiêu chí để chọn chồng của tôi. Đương nhiên, tôi sẽ không vì chồng giàu có mà ỷ lại vào chồng”.

Lê Thị Thanh Thùy (Công ty Satex International): “Mình biết rất nhiều phụ nữ mơ ước lấy chồng giàu, trong đó có mình. Tuy nhiên, đó là chuyện quá khứ, bây giờ mình hiểu sự giàu có buộc người ta phải đánh đổi rất nhiều”.

Hà Dung (phóng viên báo Công an Đà Nẵng): “Lấy chồng giàu đương nhiên là sướng rồi, nhưng đó không phải tiêu chí chọn chồng của mình, bởi chồng có giàu mình cũng đâu thể ngồi yên đấy mà hưởng thụ, sao phải lấy đó làm tiêu chí chọn chồng?”.

Nguyễn Ly (nghiên cứu thị trường, Hòa Thạnh, Tân Phú): “Dù không quá khắt khe chuyện này, nhưng mình vẫn muốn chồng mình là người đàn ông… tương đối giàu có”.

Trăng (người dùng facebook): “Lấy phải anh chồng nghèo là một bất hạnh đối với phụ nữ”.

Mỗi người một vẻ, nhưng không ai phủ nhận “lấy chồng giàu rất sướng”. Ngay cả khi đã nếm trải bao ngọt đắng của đời sống vợ chồng, người phụ nữ 53 tuổi Huỳnh Kim Liên (P.5, Q.8) vẫn khẳng định: “Nuôi con gái bao năm mà không gả vào được chỗ giàu là… phí đời”.

Rất nhiều cô gái cứ gặp nhau là tán chuyện “anh SH”, “chàng Camry” – những anh chàng được định danh bằng chiếc xe anh ta đi, cái đồng hồ hiệu anh ta dùng. Đương nhiên, định danh vậy cũng chỉ để… định giá. Chiếc SH dù “ngầu” bao nhiêu cũng không sao sánh bằng chiếc ô tô che mưa che nắng. Rồi thì, hôm nay nhà anh ấy mới sắm siêu phẩm này, hôm trước anh ấy mua cho tao cái nọ là những niềm tự hào bất tận trong cuộc tranh đua nhiều kịch tính của những cô nàng “cùng cảnh ngộ”. Nếu nhỡ trong đám bạn ấy lạc vào một cô gái “ngược dòng”, nhất định sẽ khốn khổ bởi những lời “cảnh tỉnh” kiểu như “rồi mày sẽ thấy, không ông nào tốt bằng… ông thần tài”, hay “mày định cho con mày lớn lên trong cái hẻm tăm tối nhà lão hả?”. Ở “thể” nhẹ hơn, nhiều cô gái đặt ra tiêu chuẩn chồng phải “có nhà thành phố”, “thu nhập trên XXX đồng mỗi tháng” hay phải đương chức trưởng phòng trở lên. Hoặc, “hiền lành” nhất là những cô sinh viên “chỉ lấy ai xin được việc cho em”, hay những thôn nữ e thẹn “anh nào giàu hơn thì cưới”.

Đương nhiên, đã tính toán được chuyện phải dựa vào một người đàn ông để sung sướng suốt đời, các nàng cũng thừa hiểu, không thể trông chờ vào may mắn mà chiến thắng trong cuộc chiến này. Điều kiện trước tiên là phải xinh đẹp. Mà… “làm đẹp không khó”, bởi thế không ít chị em bỏ tiền vào những dịch vụ thẩm mỹ để nâng cái này, chỉnh cái kia, chỉ để tìm được chồng như ý. Cái đam mê đẹp đẽ, chưng diện thường tình của chị em khác biệt rất nhiều khi đam mê ấy phục vụ cho việc tìm kiếm “mối giàu”.

Nhà giàu cũng khóc

Không thể phủ nhận rằng, tiền bạc dư dả là một yếu tố giúp cuộc sống thoải mái, tránh được nhiều xung đột trong hôn nhân. Thế nhưng, con người đâu phải một cỗ máy, chỉ cần tiền bạc bôi trơn là cứ thế ro ro vận hành.

Vừa tốt nghiệp lớp trung học mầm non, chưa kịp xin việc, Thái Thị Ngọc (Trảng Bom, Đồng Nai) đã nhận lời cầu hôn của Quang Thanh – cậu chủ của một khu vui chơi trẻ em ở thành phố. Việc lấy chồng của Ngọc được họ hàng ví như “chuột sa hũ nếp”, khi Thanh mới ngoài 30 đã lắm đất đai, lại “an cư” thành phố. Từ lúc quen biết đến khi trở thành vợ chồng chưa đầy nửa năm, biết tính chồng trăng hoa, bao phen phải ghen tuông hờn dỗi nhưng Ngọc xuề xòa cho qua, bởi “cưới đàn ông có tiền thì phải chấp nhận”. Đám cưới rình rang, bạn bè, họ hàng đều vui mừng cho cuộc đổi đời ngoạn mục của cô dâu trẻ. Theo chồng lên thành phố, hai chữ “đổi đời” ngày càng chuyển sang nghĩa khác, khi Thanh suốt ngày vắng nhà, lúc thì vì công việc, lúc lại đàn đúm ăn chơi thâu đêm suốt sáng. Khu vui chơi chỉ làm việc vào buổi tối, Thanh vẫn thản nhiên dối vợ đi làm mỗi sáng rồi lớn tiếng đốp chát mỗi khi cô phản ứng: “Cô thì biết cái gì!”. Nghe bạn bè khuyên nhủ, Ngọc nộp hồ sơ xin dạy trẻ ở một trường mẫu giáo tư nhân để giết thời gian. Nhưng chỉ làm được vài hôm, cô lại chán nản vì tiền công của một ngày lao động vất vả quá bọt bèo so với chu cấp của chồng. Ngọc nghỉ việc, trở về với cuộc sống cô độc, trầm uất trong căn nhà rộng rãi, tiện nghi. Ý nghĩ ly hôn bao bận thoáng qua đầu đều bị gạt đi khi Ngọc nhớ đến cuộc sống thiếu thốn, chật vật trước kia. Cô cứ thế đánh đu giữa hai nỗi ám ảnh, một là tuổi thanh xuân đang bị phung phí, một là viễn cảnh trở về làm nàng lọ lem ngày cũ.

Không quá lệ thuộc kinh tế vào chồng, nhưng Uyên Linh (biên tập viên, Q.12) cũng khốn khổ khi phải chung sống với nhà chồng quá giàu. Dù vẫn được chồng yêu thương, tôn trọng, nhưng theo Linh, chỉ riêng việc phải đối mặt với sự coi thường của mẹ chồng đã là một nỗi bất hạnh. Bao nhiêu lần đề nghị Linh từ bỏ công việc “không kiếm được bao nhiêu tiền, lại không có thời gian chu toàn nhà cửa” đều thất bại, mẹ chồng Linh quay sang khó chịu, dằn hắt con dâu. Biết con dâu thu nhập thấp, mỗi đầu tháng, mẹ chồng lại bày trò cho “con dâu quý” mua cho bà cái này, cái kia để đắc ý trước vẻ mặt sượng sùng của Linh. Lắm khi, trong bữa ăn, bà lại thả mình tựa vào lưng ghế, thở dài: “Vô phúc! Đã không được dựa dẫm tiền bạc, lại không biết lấy ai nhờ vả mỗi khi gối mỏi, lưng đau”. Nghe vậy, đến tối, Linh qua phòng tìm mẹ chồng, xin được xoa bóp thì bà lại mát mẻ: “Vậy từ nay tui phải đợi đến tối mới được nhức mỏi hen?”. Sống trong sự săm soi, đả kích của mẹ chồng ngày này qua tháng nọ, lắm lúc Linh cũng yếu lòng, nhưng nghĩ cảnh phải suốt ngày vật vờ ở nhà, mua chút son phấn phải ngửa tay nhận tiền chồng, cô không cam tâm từ bỏ công việc. Cô tâm sự: “Nhiều lúc ấm ức, tôi chỉ mong chồng mình xuất thân nghèo khó. Lúc ấy, mọi nỗ lực xây dựng gia đình của cả hai đều sẽ được trân trọng chứ không bị phủi bỏ như bây giờ”.

Nhắm mắt lao vào một anh chồng giàu cũng giống như đặt hạnh phúc vào một canh bạc mà mình không phải người chơi, rủi ro chất chồng. Bởi thế, lời khuyên ngàn đời “hãy đến với nhau bằng tình yêu” vẫn phải nói hoài dù đã nhàm tai.

Theo Webphunu

Leave a Reply

Or