Bệnh mùa hè ở trẻ em và cách phòng tránh

Thời tiết nắng nóng thất thường kèm theo mưa là điều kiện lý tưởng cho các mầm bệnh phát triển, trong đó có sốt xuất huyết, sốt do virus và tay chân miệng là những bệnh mùa hè thường gặp nhất ở trẻ nhỏ.

Sốt xuất huyết

Triệu chứng: sốt cao đột ngột trên 38 độ C, chán ăn, buồn nôn, đau dữ dội vùng trán, đau nhức mình mẩy kéo dài trong nhiều ngày, không kèm theo ho, sổ mũi. Khi bệnh trở nặng sẽ kèm theo xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, chân tay lạnh, nôn ra máu, đi cầu phân đen.

Đây là một bệnh mùa hè nguy hiểm không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới và ai cũng có thể mắc phải nhưng đa số trường hợp tử vong rơi vào trẻ nhỏ khi các bé gặp phải biến chứng như suy hô hấp, rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa… Khi thấy có dấu hiệu của bệnh cần nhập viện để được theo dõi cẩn thận chứ không tự ý điều trị tại nhà, các mẹ nhé.

Cho đến nay vẫn chưa có vaccine phòng bệnh và thuốc điều trị được phê duyệt chính thức, do đó, cách tốt nhất để bảo vệ con yêu là phòng bệnh cho bé cũng như cho cả gia đình bằng cách không để muỗi đốt, đồng thời không cho muỗi có nơi làm tổ và sinh sản. Cho bé ngủ mùng kể cả ban ngày, mặc quần áo dài tay và sáng màu, sử dụng kem chống muỗi, nhang muỗi, bình xịt muỗi… Bên cạnh đó, mẹ cũng đừng quên kiểm tra trong và xung quanh nhà có những vật dụng chứa nước nào có thể cho muỗi làm tổ hay không để loại bỏ ngay nhé.

benh mua he 1

Mùa hè, trẻ dễ mắc các bệnh từ nhẹ như tiêu chảy, rôm sảy tới nặng như sốt xuất huyết, tay chân miệng

Sốt do virus

Triệu chứng: sốt cao 39-40 độ C, đau đầu, đau nhức mình mẩy, quấy khóc, có thể kèm theo hắt hơi, sổ mũi, ho.

Các mẹ không nên quá lo lắng vì sốt do virus đa số lành tính và tự khỏi sau 5-7 ngày. Khi đó, trẻ lại vui khỏe và chơi đùa bình thường. Còn nếu sốt kèm phát ban, rất có thể trẻ đã mắc bệnh sởi. Điều quan trọng khi trẻ bị sốt là ba mẹ phải theo dõi sát sao để phát hiện sớm các dấu hiệu nguy hiểm như sốt kèm theo nôn ói, co giật, mất ý thức vì có khả năng bệnh chuyển biến nặng thành viêm não, viêm cơ tim cấp…

Khi trẻ bị sốt do virus, cần tìm cách hạ sốt cho trẻ bằng cách lau mát hạ sốt với nước ấm, không dùng nước đá hoặc nước nóng. Trẻ nhỏ dưới 5 tuổi dễ bị co giật khi sốt cao, do đó, ba mẹ nên đưa bé đi khám nếu sốt từ 39 độ trở lên để được kê thuốc hạ sốt với liều lượng phù hợp. Không quên cho trẻ uống nhiều nước và chất điện giải cũng như chú ý đến chuyện ăn uống. Vì lúc này trẻ thường mệt mỏi, biếng ăn nên mẹ có thể bổ sung dinh dưỡng cho con bằng sữa và nước hoa quả.

benh-mua-he-2-460x324

Tay chân miệng
Triệu chứng: Ở giai đoạn đầu tức khoảng 3-6 ngày ủ bệnh, trẻ có thể sốt nhẹ tầm 38 độ C, đau họng, sổ mũi. Ở giai đoạn phát bệnh, các mụn nước bắt đầu nổi nhiều ở xung quanh miệng, bên trong má, lòng bàn tay, lòng bàn chân.

Đặc điểm của loại bệnh mùa hè là các mụn nước ở xung quanh miệng viêm đỏ và vỡ ra nhanh chóng gây đau rát nên trẻ sẽ quấy khóc và bỏ ăn. Bệnh này thường gặp nhất ở các bé dưới 3 tuổi và dễ lây khi các bé chơi đùa với nhau. Do chưa có thuốc đặc trị và dễ lây lan thành dịch nên đây cũng là một bệnh nguy hiểm với trẻ nhỏ. Khi đã xác định con mắc bệnh, mẹ cần quan sát xem con có các dấu hiệu của biến chứng như co giật, sốt cao, hôn mê, mạch đập nhanh, chảy nhiều nước bọt hồng… để đưa con đi cấp cứu ngay.

Đa số trường hợp bệnh tay chân miệng được chỉ định điều trị tại nhà bằng các phương pháp chườm mát hạ sốt, bù nước và chất điện giải cũng như bổ sung dinh dưỡng cho bé bằng các thức ăn lỏng, dễ tiêu. Lưu ý khi vệ sinh thân thể cho bé mắc bệnh tay chân miệng, cần cẩn thận để không làm vỡ các bóng nước gây nhiễm trùng da. Mẹ có thể nhờ bác sĩ kê thuốc bôi sát khuẩn phù hợp cho bé để xoa dịu cảm giác đau đớn và tránh viêm nhiễm.

MarryBaby

Leave a Reply

Or