Bé ngậm ti giả: lợi hay hại?

Theo quá trình phát triển tâm sinh lý bình thường ở bé thì từ 0-18 tháng là giai đoạn miệng, bé sẽ có các hành vi khoái lạc chính là bú, mút, cắn. Đây là cũng là thời điểm bé thích khám phá thế giới bằng miệng, thường xuyên đưa mút tay, ngậm đồ chơi hay liếm tường…Chính vì vậy, nhiều mẹ cho con ngậm núm vú giả (ti giả) để giúp bé cảm thấy thoải mái, đồng thời nhiều mẹ còn quan niệm việc ngậm ti giả sẽ giúp bé tập bú bình sớm và nhanh hơn…

Nhưng thực chất, việc cho bé ngậm ti giả ngoài những lợi ích mang đến thì vẫn tiềm ẩn nguy cơ đối với sức khoẻ của bé, vì thế hôm nay BSnhi xin điểm qua cho các mẹ những ưu điểm và nhược điểm khi cho bé ngậm ti giả, cũng như nên cho bé ngậm ti giả như thế nào là đúng.

270218_483276901762727_323042213_n
1/ Ưu điểm của việc cho bé ngậm ti giả:

– Do núm vú giả được làm bằng cao su mềm rất giống ti mẹ, nên việc ngậm núm vú giả có thể thay thế ti mẹ, nhất là ở những bé có thói quen vừa ngậm ti mẹ vừa ngủ. Vì vậy, cho bé ngậm ti giả bé có thể ngủ ngon hơn vì cảm giác an toàn ấm áp, và khi mẹ vắng nhà thì bé ngậm ti giả cũng vẫn cảm thấy an tâm giống như được gần mẹ vậy.

– Nếu bé đang rất đói bụng mà mẹ còn phải mất thời gian pha chế sữa hoặc chưa cho bé bú mẹ ngay được thì núm vú giả sẽ có tác dụng “hoãn binh” rất hữu hiệu.

– Hạn chế được tật mút tay của bé vì khi bé đã quen với núm vú giả làm bằng cao su mềm thì bé sẽ không thấy thú vị gì với ngón tay của mình nữa cả. Vì thế, khi bé lớn mẹ có thể dễ dàng cai núm vú giả cho con hơn so với cai tật mút tay của bé.

– Các bé thường ngậm ti giả sẽ có phản xạ, hút hơi, ngậm, nuốt tốt hơn nên mẹ có thể dễ dàng chuyển sang cho bé bú bình một cách dễ dàng hoặc tập ăn dặm nhanh hơn.

2/ Nhược điểm của việc cho bé ngậm ti giả thường xuyên:

– Cho bé dùng núm vú giả sớm có thể gây ảnh hưởng đến quá trình bú mẹ: Việc bú mẹ khác hẳn với việc bú bình hay ngậm núm vú giả. Vậy nên nếu cho bé dùng núm vú giả quá sớm sẽ khiến việc bú mẹ khó khăn hơn dẫn đến việc bé không thích bú mẹ nữa.

– Nếu dùng núm vú giả với mục đích giúp con dễ ngủ, bé sẽ rất dễ bị giật mình, khóc thét khi núm vú giả rời khỏi miệng.

– Ngậm núm vú giả trong một thời gian dài thì sẽ có ảnh hưởng xấu đến cấu tạo hàm và vị trí mọc răng của bé. Nhất là trong giai đoạn mọc răng của bé thì những hành động hút hơi, ngậm, cắn núm vú giả thường xuyên sẽ ảnh hưởng đến quá trình mọc răng, cố định răng hàm của bé khiến bé dễ bị hô hoặc mọc xiên vẹo…

– Khi ngậm ti giả, bé sẽ hút nhiều hơi dẫn đến bụng chướng đầy hơi, ăn uống sẽ kém và còn hay bị đau bụng.

– Nếu núm vú không được vệ sinh kỹ, đúng cách thì sẽ tiềm ẩn rất nhiều vi khuẩn, nấm mốc; khiến bé dễ bị viêm nhiễm tai mũi họng.

– Ngoài ra, việc cho bé ngậm ti giả quá thường xuyên trong thời gian dài có thể khiến bé bị chậm nói và bị giảm khả năng phát triển cảm xúc vì khi còn nhỏ, bé thường vô tình bắt chước các biểu cảm và ngôn ngữ cơ thể những người xung quanh để phát triển khả năng của mình cả về hành động lẫn tâm lý, tình cảm. Việc bé ngậm núm vú giả thường xuyên sẽ khiến bé khó bắt chước cử động môi, miệng, lưỡi khi nói chuyện của mẹ dẫn đến khó tập nói, cũng như lười giao tiếp với người thân do việc ngậm ti giả đã khiến bé cảm thấy rất an tâm và thoả mãn rồi.

3/ Vậy cho bé dùng ti giả như thế nào mới đúng?

– Mẹ nên chọn loại núm vú giả được làm từ chất liệu dẻo, không dễ vỡ và dai để tránh hiện tượng bé cắn đứt núm vú và bị nghẹn. Nên lựa chọn những thương hiệu uy tín với sản phẩm làm từ nhựa cao cấp không gây hại cho sức khoẻ của bé.

– Kích thước của núm vú giả nên phù hợp và giống với kích cỡ núm vú của mẹ để bé dễ dàng ngậm. Núm vú giả không nên quá to và cũng không nên quá nhỏ để tránh bé nuốt phải nhiều khí dư.

– Nên vệ sinh và khử trùng núm vú thường xuyên để tránh bé bị mắc bệnh về tai, mũi họng và tiêu hoá.

– Sử dụng loại núm vú phù hợp với độ tuổi của bé. Trên các sản phẩm núm vú đều có ghi rõ chú thích này.

– Mẹ nên cai núm vú giả cho con khi bé được 2 tuổi vì lúc này bản năng mút của bé đã giảm nhiều nên việc cai núm vú giả sẽ dễ dàng hơn. Và việc cai núm vú giả cho bé sớm khi được 2 tuổi sẽ giúp răng hàm của bé ít bị ảnh hưởng xấu hơn.

– Thay núm vú thường xuyên cho bé. Thông thường, khoảng từ 30 – 40 ngày là nên thay 1 lần để đảm bảo an toàn vệ sinh.

Chúc bé khoẻ mẹ vui ^^

Theo Bsnhi

2 thoughts on “Bé ngậm ti giả: lợi hay hại?

Leave a Reply

Or