Bé khò khè do lao sơ nhiễm hay hen?

Con tôi được 21 tháng, cháu bị ho, thở khò khè. Đi khám được chẩn đoán là hen phế quản, uống thuốc không đỡ. Đi khám ở một nơi khác lại nghi lao sơ nhiễm mà con tôi đã tiêm phòng lao rồi.

Làm thế nào để biết con tôi bị chính xác bệnh gì, thưa bác sĩ?

Nguyễn Hồng Liên (Hòa Bình)

Theo lời chị kể thì ho, thở khò khè, khó thở… có thể là triệu chứng của cả hai căn bệnh trên. Đáng nói là lao sơ nhiễm thường gặp ở trẻ từ 0-5 tuổi rất dễ bị nhầm là hen.

Hen phế quản ở trẻ nhỏ có tần suất cao nên thường hay nghĩ tới hen trước tiên; Triệu chứng lâm sàng của lao sơ nhiễm và hen suyễn ở trẻ nhỏ tương tự nhau; Bác sĩ và bố mẹ thường ngại cho trẻ chụp Xquang phổi do trẻ còn nhỏ, hơn nữa việc đọc được và phát hiện hình ảnh hạch lao rốn phổi gây chèn ép phế quản đôi khi cũng không dễ dàng, có trường hợp phải chụp CT scan mới nhìn rõ; Lao sơ nhiễm ở trẻ nhỏ là lao ít vi khuẩn nên việc phát hiện vi khuẩn lao thông qua xét nghiệm vi khuẩn lao trong đàm rất thấp, hơn nữa trẻ nhỏ thường không biết khạc đàm.

Trong trường hợp bé nhà chị đã điều trị hen phế quản mà không đỡ thì cần nghĩ tới lao sơ nhiễm. Chị cần cho cháu tới khám tại bệnh viện, phòng khám chuyên khoa hô hấp để được chụp Xquang và phân tích phim chụp Xquang chính xác.

Tiêm vắc-xin BCG phòng lao là một phương pháp hiệu quả, tuy nhiên người đã tiêm phòng lao vẫn có thể mắc bệnh do tiếp xúc trực tiếp, thường xuyên và lâu dài với người bị bệnh; đặc biệt trẻ em dưới 1 tuổi có nguy cơ lây nhiễm cao nhất do hệ miễn dịch còn kém.

Nhưng người đã tiêm phòng trong trường hợp bị lây nhiễm bệnh thường tình trạng bệnh sẽ nhẹ và điều trị nhanh chóng hơn những người chưa tiêm phòng.

BCG có khả năng hạn chế tối đa nguy cơ chuyển hóa từ thể nhiễm khuẩn thành bệnh lao (khoảng 70%) và gần như ngăn ngừa tuyệt đối việc xảy ra những biến chứng lao nguy hiểm.

 Theo Songkhoe

Leave a Reply

Or