Bé gái 9 tuổi chết oan uổng trên đường chuyển viện: Sai sót chuyên môn nghiêm trọng nhưng chỉ… hạ bậc lương

Trên xe cấp cứu, bé gái không được thở oxy vì nhân viên y tế cho rằng “sẽ làm bé khô phổi”. Sau 5 phút, bé bắt buộc phải thở oxy vì tình trạng xấu đi thì anh ta mới phát hiện bình oxy không dùng được. Khi sử dụng bóng thở thì mới bóp đã xẹp hết hơi và bóng thì bám đầy bụi bẩn.

Trong vụ việc bé N.A.D (9 tuổi) mất mạng oan uổng trên chiếc xe cấp cứu vào ngày 2/9/2017, gia đình bé khẳng định cái chết của con mình là do sự tắc trách của đội ngũ y – bác sĩ của phòng khám đa khoa khu vực Rạch Kiến (xã Tân Trạch, huyện Cần Đước, tỉnh Long An).

Đã 2 tháng trôi qua, nhưng cái chết của cô con gái nhỏ vẫn chưa nguôi ngoai trong lòng vợ chồng anh Ngô Thành Công (38 tuổi) và chị Nguyễn Thị Ngọc Thuỷ (36 tuổi, cùng ngụ huyện Cần Đước, tỉnh Long An).

Không cho thở oxy vì sợ “khô phổi”?

Theo chị Nguyễn Thị Ngọc Bích (dì ruột bé D.) thì vào khoảng 5h30 ngày 2/9, mẹ bé N.A.D đã gọi cháu dậy đi chợ chung. Tuy nhiên, cháu than bị đau vai gáy và được mẹ lấy dầu xoa chỗ đau. Nhưng mới đi được 200m thì bé lại than mệt hơn rồi bất ngờ hai tay khuỵu sang một bên.

Thấy tình trạng của con trở nặng, cha mẹ bé D. đã đưa con vào phòng khám đa khoa khu vực Rạch Kiến (xã Tân Trạch, huyện Cần Đước, tỉnh Long An).

“Lúc này cháu tôi vẫn còn nhận thức được nhưng đã bắt đầu nói chuyện khó khăn, hai tay tê liệt, lơ mơ, sùi bọt mép. BS khám, đo huyết áp, cho thở oxy rồi truyền dịch nhưng tình trạng không cải thiện nên làm giấy cho cháu chuyển lên bệnh viện Nhi Đồng 1 ngay” – chị Bích kể tiếp.

chet-tren-xe-cuu-thuong-1
Bệnh án của bé D. tại phòng khám đa khoa khu vực Rạch Kiến

chet-tren-xe-cuu-thuong-2
Sau khi được hút đàm nhớt, thở oxy và truyền dịch, bé được đưa ra xe để chuyển đến BV Nhi Đồng 1 (TP.HCM).

Theo lời kể của chị Bích, trong lúc ra xe cấp cứu thì một nhân viên y tế tên D. đã rút ống oxy ra khỏi miệng bé. Khi bà ngoại của bệnh nhi yêu cầu phải mang theo bình oxy thì điều dưỡng nói trong xe đã có. Nhưng khi vào xe, bé cũng không được cho thở oxy với lời giải thích của điều dưỡng là thở oxy trong lúc này sẽ làm cho bé khô phổi.

“Khoảng 5 phút sau, khi y tá đang đứng nói chuyện với tài xế ở đầu xe thì cháu tôi bắt đầu tím tái, khó thở. Bà ngoại và ba mẹ bé hoảng quá mới la lên, anh ta chạy lại đưa bình oxy vào miệng bé thì phát hiện bình oxy không sử dụng được. Lúc này điều dưỡng luống cuống lấy bóng ra để tiến hành bóp bóng thở nhưng cái bóng đầy bụi bẩn, mới bóp đã xẹp hết hơi rồi. Không thể chờ thêm, nhà tôi mới yêu cầu được đưa bé đến BV gần nhất là BV huyện Bình Chánh (TP.HCM)” – chị Bích kể.

chet-tren-xe-cuu-thuong-3
Sức khoẻ bé D. đột nhiên chuyển biến xấu trong ngày 2-9 mà không rõ nguyên nhân.

Tại đây, các BS cho biết bé đã ngưng thở, ngưng tim, hi vọng cứu sống rất thấp. Sau khi tiến hành hồi sức và làm tim bé D. đập lại, bệnh nhi tiếp tục được chuyển sang BV Nhi đồng thành phố. Khi đến đây, bệnh nhi đã hôn mê sâu, thang điểm Glasgow chỉ còn 3 điểm.

Sau 23 ngày nằm viện, dù được các bác sĩ BV Nhi đồng tận tình cứu chữa nhưng bé đã tử vong vào ngày 24/9. Theo kết luận từ giấy báo tử, nguyên nhân tử vong của bé D. là tổn thương não do thiếu oxy não, ngưng tim ngưng thở trước khi nhập viện.

 
chet-tren-xe-cuu-thuong-4
Giấy báo tử kết luận bệnh nhi tử vong do tổn thương não vì thiếu oxy lên não.

Kết luận sai sót chuyên môn nghiêm trọng nhưng chỉ… hạ bậc lương

Trả lời PV báo Phunuonline.com.vn, bác sĩ Nguyễn Văn Trung (Trưởng phòng khám đa khoa khu vực Rạch Kiến – trực thuộc Trung tâm y tế huyện Cần Đước, tỉnh Long An) thừa nhận: “Trên xe cấp cứu cũng trang bị bình oxy nhưng bữa đó do có sự cố đồng hồ xì hơi, thậm chí điều dưỡng có thay bình oxy mới nhưng đồng hồ bị xì nên tua trực không hay. Lẽ ra phải gắn oxy cho bệnh nhân ngay từ lúc ra khỏi phòng cấp cứu nhưng do bệnh gấp quá nên lúc xe chạy với gắn oxy.

Khi xe cứu thương chạy một đoạn đường khoảng 5 phút, nhân viên gắn bình oxy cho cháu mới phát hiển ra. Đây là do thiếu kiểm tra, giám sát. Người chịu trách nhiệm là điều dưỡng Nguyễn Thị Thuý An và 2 tua trực. Lẽ ra, sau khi chuyển viện về phải báo bình oxy còn hay không để tua trực khác chuẩn bị cho đợt chuyển viện tiếp theo”.

Trước cái chết của con mình, anh Công (cha của bé D.) cho biết, sau khi sự việc xảy ra, đại diện phòng khám cũng như UBND xã Cần Đước có đến BV thăm hỏi tình hình bệnh nhi. Đến khi bé được đưa về lo hậu sự, phía phòng khám và lãnh đạo địa phương cũng đến chia buồn.

chet-tren-xe-cuu-thuong-5
Hình ảnh của bé D. khi còn sống

“Lúc ở bệnh viện, xã có hỗ trợ gia đình tôi 5 triệu đồng để lo viện phí cho bé thì tôi nhận. Nay bé đã mất rồi tôi không cần nữa. Giờ tôi mong họ giữ đúng lời hứa, sắp xếp một cuộc gặp công khai để giải thích rõ lý do con tôi mất, nhận sai và trực tiếp xin lỗi gia đình tôi. Tính từ lúc đám tang, con tôi đã được 51 ngày rồi nhưng không thấy hồi âm” – người cha chua chát nói.

Theo yêu cầu của UBND xã Cần Đước và Trung tâm y tế huyện Cần Đước, lãnh đạo phòng khám đã tiến hành họp nội bộ để xử lý sự việc. Được biết, biên bản họp đã kết luận sự việc trên là sai sót chuyên môn nghiêm trọng.

chet-tren-xe-cuu-thuong-6
Biên bản làm việc của phòng khám kết luận có sai sót chuyên môn nghiêm trọng.

Cụ thể, việc chuyển viện cho bệnh nhân chưa an toàn, cá nhân điều dưỡng chuyển viện không thực hiện nghiêm túc y lệnh trong lúc chuyển viện, thiếu kiểm tra giám sát an toàn trong chuyển viện. Khi xảy ra sự cố bất thường trong lúc chuyển viện, điều dưỡng chưa kiên quyết thực thi nhiệm vụ.

Tuy nhiên, điều dưỡng Đ. chỉ bị viết bản kiểm điểm, hạ bậc lương còn các y bác sĩ có liên quan chỉ bị khiển trách. Hình thức xử lý này khiến người nhà nạn nhân không hài lòng.

Được biết, ngoài bé D., vợ chồng anh Công còn một cô con gái lớn. Kể từ ngày bé D. mất, vợ chồng anh suy sụp. Chỉ mình anh gắng gượng lo việc kinh doanh, còn vợ anh đã nghỉ buôn bán ở chợ để ở nhà tụng kinh niệm Phật cho con.

Nguồn: phunutoday.vn

Leave a Reply

Or