Bé gái 6 tuổi bị chó nhà cắn nhập viện: Cứ chủ quan là gặp họa khôn lường

Từ vụ bé gái 6 tuổi bị chó nhà cắn vào mặt cho thấy không ít trường hợp vì chủ quan nên đã gặp họa khôn lường.

Liên quan đến vụ việc bé gái 6 tuổi ở Nam Định bị chó nhà nuôi nặng khoảng 30kg, không tiêm phòng dại cắn vào mặt, lãnh đạo Khoa Phẫu thuật Hàm mặn – Tạo hình Thẩm mỹ viện (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) cho biết: “Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng bị thương nặng, có 1 vết thương cung mày trán phải 5x2cm, 1 vết thương góc trong mắt 5x2cm, 1 vết thương trán thái dương 3cm, 1 vết thương gò má trái lóc da rộng 6cm sát với đường đi thần kinh và ống tuyến nước bọt, nếu đứt dây thần kinh có nguy cơ liệt mặt, rò nước bọt”.

Ngay sau đó, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật cấp cứu, thăm dò vết thương. Vết thương má lộ dây thần kinh VII, kiểm tra không thấy đứt, vết thương mắt đứt dây chằng góc mắt trong, đã được khâu phục hồi, xử trí đa vết thương.

Theo các bác sĩ, hiện tại sức khỏe bệnh nhân đã ổn định, bệnh nhân đã tỉnh táo, bác sĩ đã tư vấn tiêm phòng dại sau phẫu thuật, các vết thương mổ hiện nay đã khô. Dự kiến vài ngày tới có thể xuất viện về nhà.

Bệnh nhi 6 tuổi bị chó nhà tấn công.

Bệnh nhi 6 tuổi bị chó nhà tấn công.

Ngay từ năm 2016, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư 07 quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn. Theo đó ở Điều 2, phụ lục 15 – ban hành kèm theo Thông tư hướng dẫn phòng, chống bệnh dại động vật như sau: Chủ nuôi chó, mèo phải đăng ký việc nuôi chó, mèo với UBND cấp phường, xã tại các đô thị, nơi có đông dân cư; UBND phường, xã phải lập sổ quản lý chó, mèo nuôi trên địa bàn bao gồm các thông tin: Họ tên và địa chỉ của chủ vật nuôi; số lượng chó, mèo nuôi; ngày, tháng, năm tiêm phòng vắc xin ngừa bệnh dại.

Tuy nhiên hiện nay, việc quản lý chó, mèo theo nội dung thông tư trên gần như không diễn ra trong thực tế.

Hầu như người dân không ai màng đến việc ra UBND phường, xã để đăng ký nuôi chó, mèo dù được nhắc nhở, còn cơ quan quản lý địa phương cũng chưa có biện pháp chế tài nào trong việc bắt buộc những hộ gia đình có nuôi chó, mèo đăng ký theo quy định của pháp luật. Chính điều này dẫn đến việc tiêm phòng bệnh dại cho vật nuôi cũng không được thường xuyên.

Tâm lý “chó, mèo nhà mình cắn, quào chắc không sao” vẫn còn tồn tại khá phổ biến. Thêm vào đó, cách giúp nhận diện một con chó, mèo nào đó đã được tiêm phòng cũng không được chú trọng. Một số nơi khi tiêm phòng vắc xin ngừa dại cho chó mèo xong thường phát một tờ giấy xác nhận hoặc phát một chiếc thẻ bài bằng inox đeo lên cổ chó để xác nhận là đã tiêm phòng. Những dây đeo thẻ bài này sau một thời gian sẽ bị đứt, tuột ra hoặc bị chủ nhân vứt đi, vậy nên khi nhìn vào các con vật nuôi này không ai biết được chúng đã được tiêm phòng bệnh dại hay chưa.

Việc phòng dại cho vật nuôi là vô cùng cần thiết.

Việc phòng dại cho vật nuôi là vô cùng cần thiết.

Đáng lưu ý, một số người khi bị chó dại cắn đã chủ quan không nhanh chóng xử lý vết thương, cũng không đi điều trị. Có nhiều trường hợp bị chó cắn nhưng đi khám thầy lang, bó thuốc nam và cuối cùng dẫn đến tử vong. Bệnh dại không còn xa lạ gì và kiến thức về bệnh cũng được tuyên truyền, phổ cập đến nhiều người dân. Thế nhưng vẫn còn nhiều cái chết vì bệnh dại thật đáng tiếc.

Đơn cử như vừa qua tại huyện Mường Lát (Thanh Hóa) đã xảy ra vụ bé trai 11 tuổi bị chó nuôi của gia đình mắc bệnh dại cắn, dẫn tới tử vong.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cảnh báo, người nhà của người bệnh bị chó cắn giải thích do tâm lý chủ quan, cho rằng không phải do chó dại cắn, cho nên họ không tiêm phòng. 

Ðơn cử như trường hợp một bệnh nhân nam ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội), người nhà bệnh nhân cho biết, bệnh nhân bị chó cắn vào môi, thầy lang sau khi dùng một loại lá chà xát vào vết cắn, đã khẳng định vết cắn này không phải của chó dại. Vì tin lời thầy lang, bệnh nhân chủ quan không đi tiêm phòng vắc-xin, nhưng vài ngày sau phải nhập viện trong tình trạng lên cơn co giật, tụt huyết áp, sùi bọt mép và tử vong.

 

Cũng theo bác sĩ Cấp, nếu không may bị chó dại cắn, nhưng kịp thời tiêm phòng đúng phác đồ thì vẫn tránh được tử vong. Còn không tiêm phòng, khi đã lên cơn dại không có cách gì cứu sống người bệnh. “Để ngăn chặn việc này, người dân cần chủ động đưa chó, mèo nuôi trong nhà đi tiêm. Chưa kể, không chỉ người bị chó dại cắn mà làm thịt chó dại cũng có nguy cơ mắc dại vì vi-rút dại xâm nhập vào cơ thể qua vết thương”, bác sĩ Cấp nhấn mạnh.

Theo Giadinh.net

Leave a Reply

Or