Bé 5 tuổi nặng 40kg đầy rẫy nguy cơ bệnh tật

Em bé được chẩn đoán là béo phì do thừa calo. Các bác sĩ cho biết, hậu quả của thừa cân béo phì rất nghiêm trọng và là yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh tật…

Nếu như trước đây Việt Nam phải chịu gánh nặng kép về dinh dưỡng (tình trạng thừa cân béo phì và suy dinh dưỡng, nhẹ cân) thì đến nay đã nước ta đang phải đối mặt với gánh nặng gấp 3 về dinh dưỡng gồm suy dinh dưỡng thấp còi, thừa cân béo phì và thiếu vi chất dinh dưỡng – theo kết quả mới nhất về Tổng điều tra dinh dưỡng do Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Bộ Y tế công bố.

BS. Trần Thị Thanh Nga – Phụ trách khoa Dinh dưỡng Tiết chế, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ cho biết, trong quá trình công tác, qua thăm khám và tư vấn rất nhiều trẻ em có các vấn đề về dinh dưỡng như: biếng ăn, chậm tăng cân, suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, thấp còi, thừa cân béo phì, táo bón, tiêu chảy kéo dài, thiếu vi chất dinh dưỡng… đủ các lứa tuổi nhưng trẻ dưới 5 tuổi gặp nhiều nhất.

Bản thân BS. Nga khá ấn tượng với một trường hợp người bệnh là một em bé 5 tuổi nhưng nặng đến 40 kg. Em bé được chẩn đoán là béo phì do thừa calo. Tình trạng béo phì mà em bé mắc phải là yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh tật của nhiều cơ quan, bộ phận trong cơ thể. Cụ thể:

Thoái hóa khớp, cong xương đùi, đau thắt lưng

Khi trọng lượng cơ thể tăng quá mức so với tuổi thì sức nặng đè lên các khớp càng lớn, nhất là vùng lưng, khớp háng, khớp gối, cổ chân làm cho các khớp này sớm bị tổn thương và lão hóa nhanh. Hậu quả là gây đau đớn và khó khăn trong vận động, sinh hoạt hàng ngày của trẻ.

Hệ nội tiết, chuyển hóa

Tình trạng kém dung nạp glucose, kháng insulin, nặng hơn là bệnh đái tháo đường typ 2, rối loạn chuyển hóa mỡ máu, tăng acid uric gây bệnh gút.

Bệnh về cơ quan tiêu hóa

Dễ bị sỏi túi mật, sỏi trong gan, gan nhiễm mỡ sớm do tiêu thụ lượng lớn đường fructose và chất tạo ngọt High fructose corn syrup (HFCS) có trong nước có ga và các loại thực phẩm đóng hộp.

Đường fructose và chất tạo ngọt HFCS đến gan sẽ chuyển hóa một phần thành acid béo gây tình trạng gan nhiễm mỡ.

Bé 5 tuổi nặng 40kg đầy rẫy nguy cơ bệnh tật - Ảnh 1.
Trẻ béo phì có nguy cơ nhiễm nhiều bệnh nguy hiểm. (Ảnh minh họa)

Hệ tim mạch

Tăng huyết áp, xơ vữa mạch máu, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch não, hẹp tắc động mạch chi.

Hệ hô hấp

Giảm thông khí, ngừng thở khi ngủ là một biến chứng rất nguy hiểm.

Mắc bệnh mạn tính khi tuổi trưởng thành

Trẻ thừa cân béo phì có thể không có biểu hiện bệnh ở thời điểm hiện tại nhưng khi trưởng thành có nguy cơ mắc các bệnh mạn tính không lây như các bệnh tim mạch, đái tháo đường, gan nhiễm mỡ, suy giảm sinh dục.

Trẻ gái dễ bị buồng trứng đa nang, trẻ trai bị tinh hoàn và dương vật nhỏ, thiểu năng hormon sinh dục ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản sau này.

Ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ

Trẻ thừa cân béo phì dễ bị tự ti do bạn bè trêu ghẹo, chế giễu, dẫn đến chán chường, không muốn đi học. Ngại giao tiếp, các em trở nên thụ động, thiếu linh hoạt và cô đơn vì không có bạn. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến chứng trầm cảm.

BS. Nga nhấn mạnh, hậu quả của thừa cân béo phì rất nghiêm trọng vì vậy bố mẹ cần có chế độ ăn cân đối hợp lý từ khi mẹ mang thai phải có chế độ dinh dưỡng cân đối, cho con bú sữa mẹ, ăn bổ sung cân đối hợp lý.

Tạo thói quen ăn uống sinh hoạt tốt: ăn uống, ngủ nghỉ đúng giờ, tập thể dục đều đặn, tâm lý vui vẻ… để trẻ phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần.

Để có một cơ thể khỏe mạnh, cần bổ sung dinh dưỡng hợp lý. Dưới đây là 10 lời khuyên về chế độ dinh dưỡng do Viện dinh dưỡng Quốc gia khuyến cáo.

Bé 5 tuổi nặng 40kg đầy rẫy nguy cơ bệnh tật - Ảnh 2.

Theo Afamily

Leave a Reply

Or