Bé 4 tuổi phải cắt cụt đầu ngón tay vì hoại tử do sai lầm của người lớn khi dùng miếng băng dán y tế

Một miếng băng dán y tế rất thông dụng, tưởng như ai cũng biết cách dùng và không để lại hậu quả gì nghiêm trọng đã trở thành nguyên nhân khiến cô bé 4 tuổi bị hoại tử, phải cắt cụt đầu ngón tay. Vậy nguyên nhân là gì?

 

Một bệnh viện ở Tô Châu (Trung Quốc) đã tiếp nhận điều trị cho một bé gái 4 tuổi. Ngón tay giữa ở bàn tay trái của cô bé đã chuyển sang màu đen và bị hoại tử trong nhiều ngày, phải tiến hành phẫu thuật cắt cụt đầu ngón tay để ngăn ngừa tình trạng xấu hơn.

Khoảng 10 ngày trước, ngón tay giữa ở bàn tay trái của cô bé Vân Vân bị thương, khi đó người bà dùng một miếng băng dán y tế nhỏ băng xung quanh vết thương. Hai ngày sau, mới mở miếng băng ra thì phát hiện ngón tay của Vân Vân đã chuyển sang màu đen. Lúc này, gia đình mới đưa Vân Vân đến Bệnh viện trung tâm thành phố Tô Châu để kiểm tra.

Bé 4 tuổi phải cắt cụt đầu ngón tay vì hoại tử do sai lầm của người lớn khi dùng miếng băng dán y tế - Ảnh 1.

Ngón tay của bé Vân Vân chuyển sang màu đen do bị hoại tử.

Bác sĩ Đặng Duy cho biết, trước tiên phải xem xét miệng vết thương có bị nhiễm trùng hay không? Nếu miệng vết thương không bị nhiễm khuẩn, vết thương không lan rộng thì đợi vết thương ổn định sẽ tiến hành phẫu thuật cắt bỏ khu vực bị hoại tử. Trong quá trình phẫu thuật, phải cắt từ phần giữa ngón tay, sau đó khâu lại đầu ngón tay. Nếu vết thương bị nhiễm trùng, có thể sẽ khó điều trị hơn và phạm vi cắt cụt sẽ rộng hơn.

Nguyên nhân nào khiến bé Vân Vân phải phẫu thuật cắt cụt ngón tay chỉ vì chiếc băng dán y tế?

Bác sĩ Đặng Duy cũng cho biết: “Trước đây bệnh viện cũng đã từng điều trị một trường hợp tương tự như của Vân Vân. Điều gây nên “thảm kịch” này không phải là do miếng băng dán y tế, mà là do cách sử dụng không đúng gây nên. Nguyên nhân là do băng quá chặt, dẫn đến máu không được lưu thông thuận lợi đến ngón tay, gây ra tình trạng đầu ngón tay bị hoại tử“.

Bà của Vân Vân cũng thừa nhận điều này. Hóa ra, vì để phòng miếng băng nhỏ rơi ra, ngón tay của Vân Vân lại được quấn thêm một lớp vải da bò. Bình thường sau khi bị thương, ngón tay sẽ có cảm giác sưng và khó chịu. Khi băng quá chặt, dẫn đến lưu thông máu tới chỗ bị thương kém, gây hoại tử và cảm giác cũng vẫn là sưng và khó chịu. Nếu là đứa trẻ, có thể sẽ không ý thức được mức độ nguy hiểm.

Bác sĩ Đặng Duy khuyên: “Chúng tôi thường không kiến nghị sử dụng băng y tế cho trẻ em, đặc biệt là ở ngón tay và ngón chân, bởi điều này sẽ gây ra mối nguy hiểm nhất định. Nếu băng quá chặt, dễ gây ra lưu lượng máu kém đến ngón tay và ngón chân và việc chữa lành vết thương chậm”.

Để điều trị vết thương, Bác sĩ Đặng Duy đề nghị rằng nếu trẻ bị thương nên đến cơ sở y tế hoặc bệnh viện gần nhất để điều trị. Nếu chỉ có một vết thương nhỏ, có thể dùng gạc băng bó, không nên dùng miếng băng dán y tế quấn quanh vết thương. Ngoài ra, khi bị thương, tốt nhất mỗi ngày thực hiện khử trùng vết thương ba lần. Không chạm vào nước trước khi vết thương lành, nếu không sẽ ảnh hưởng đến tốc độ chữa lành vết thương.

Bé 4 tuổi phải cắt cụt đầu ngón tay vì hoại tử do sai lầm của người lớn khi dùng miếng băng dán y tế - Ảnh 2.

Sử dụng băng y tế để băng vết thương cũng cần hết sức cẩn thận (Ảnh minh họa)

Không sử dụng miếng dán y tế cho 4 loại vết thương dưới đây:

Miếng băng dán y tế không phải là vạn năng. Nó thường chỉ được sử dụng cho các vết thương nhỏ để giúp cầm máu. Các loại vết thương sau đây không thể được sử dụng miếng băng dán y tế:

1. Vết thương lớn và sâu

Nếu vết thương lớn và sâu không dễ cầm máu, không nên sử dụng miếng dán y tế. Thay vào đó, nên đến bệnh viện để các bác sĩ cầm máu, khâu vết thương, lúc này còn phải dùng kháng sinh để ngừa nhiễm khuẩn.

2. Vết thương nhỏ và sâu

Những vết thương như vậy không dễ làm sạch, dễ lưu lại những dị vật và bị nhiễm vi khuẩn, đồng thời miếng dán y tế không thấm nước và không thoáng khí, khiến vết thương khó bài thải dịch ứ, vi khuẩn dễ sinh sôi và vết thương có nguy cơ nhiễm trùng cao hơn.

3. Tổn thương do động vật

Các vết thương do động vật gây ra như vết chó cắn, mèo cào, rắn cắn… thường có vi khuẩn, vi trùng, dịch độc. Khi bị băng kín thì những mầm bệnh này càng tích tụ và khuếch tán rộng ở miệng và trong vết thương. Do đó bạn không được dùng miếng dán y tế trong trường hợp này mà ngay lập tức phải rửa bằng nước sạch, xà phòng, nước muối sinh lý ít nhất 15 phút.

4. Vết bỏng

Sau khi bị bỏng, da sẽ bị vỡ và chảy nước, do đó không thể sử dụng miếng dán y tế, nếu không dịch tiết sẽ thúc đẩy nhiễm trùng.

Bé 4 tuổi phải cắt cụt đầu ngón tay vì hoại tử do sai lầm của người lớn khi dùng miếng băng dán y tế - Ảnh 3.

Nếu vết thương lớn và sâu không dễ cầm máu, không nên sử dụng miếng dán y tế (Ảnh minh họa).

Sử dụng miếng dán y tế chú ý đến 3 điểm:

– Trước khi sử dụng: Kiểm tra xem có vết bẩn nào trong vết thương không. Nếu có vật lạ, vết thương phải được làm sạch trước, sau đó mới dùng miếng dán y tế.

– Khi sử dụng: Không quấn quá chặt, phòng miệng vết thương không thoáng khí và phát sinh nhiễm khuẩn, xuất hiện tình trạng sốt.

– Sau khi sử dụng: Chú ý bảo vệ vết thương và vùng vết thương ít hoạt động để vết thương có thể lành lại càng sớm càng tốt. Không được thường xuyên dùng ngón tay ép vết thương.

Sau 24 giờ, nếu phát hiện thấy những bất thường như sốt, đau không chịu nổi và sưng tấy. Hãy mở băng kịp thời để kiểm tra, nếu vết thương bị đỏ, sưng hoặc rỉ nước, lập tức phải đến bệnh viện để khử trùng và điều trị nhiễm khuẩn, có khi phải dùng thêm thuốc kháng khuẩn.

Theo Afamiy

Leave a Reply

Or