Bảng tiêu chuẩn chiều cao, cân nặng của bé trai bé gái theo từng tháng tuổi


Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng trẻ em tư vấn, đối với trẻ sơ sinh và trẻ dưới 5 tuổi, các bậc cha mẹ cần quan tâm theo dõi chặt chẽ tình trạng chiều cao cân nặng của con. Khi bạn theo dõi chiều cao, cân nặng của trẻ theo từng tháng, bạn sẽ biết được con bạn có bị béo phì không, có bị suy dinh dưỡng không, hay chiều cao có quá thấp so tới tuổi không, để có biện pháp điều chỉnh chế độ ăn uống cho trẻ phù hợp. Sau đây là bảng tiêu chuẩn chiều cao cân nặng của trẻ từ 0 tuổi tới 5 tuổi theo chuẩn Việt Nam mời các bậc phụ huynh tham khảo.

Tiêu chuẩn chiều cao, cân nặng của bé sơ sinh – 5 tuổi

Chiều cao, cân nặng của bé đã đạt chuẩn hay chưa chính là một trong những câu hỏi mà các mẹ hay thắc mắc nhất. Vì vậy, nhằm giúp các mẹ luôn chủ động trong việc theo dõi sự phát triển của con, các chuyên gia về sức khỏe và dinh dưỡng nhi khoa cung cấp bản tiêu chuẩn chiều cao, cân nặng của bé trong 5 năm đầu đời. Tài liệu này gồm 5 chỉ số về cân nặng: Suy dinh dưỡng, nguy cơ suy dinh dưỡng, phát triển bình thường, nguy cơ béo phì, béo phì và chỉ số chiều cao tối thiểu bé cần đạt.

chuẩn chiều cao cân nặng của bé gái

chuẩn chiều cao cân nặng của bé trai

Ý nghĩa giá trị của việc theo dõi cân nặng của trẻ sơ sinh trong việc chăm sóc trẻ

Bé giảm cân sau khi sinh

Từ lúc mới chào đời, tất cả các bé đều giống nhau một điểm, đó là giảm cân sinh lý. Lí do chính là do việc giảm lượng nước trong cơ thể bé (vốn có trong cơ thể bé khi còn trong bụng mẹ), lượng nước này mất đi qua nước tiểu và phân su. Ngoài ra, do bé phải có thời gian làm quen với cách hấp thụ dinh dưỡng mới, theo đường từ ngoài vào chứ không thông qua nhau thai truyền từ mẹ sang như trước đây. Và nếu bạn nuôi con bằng sữa mẹ, cơ thể bạn cũng cần thời gian để sản sinh ra sữa nữa. Nhiều em bé sụt cân đến 10% trong vài ngày đầu tiên sau khi sinh và bé sẽ tăng cân trở lại sau 10 ngày tuổi.

Mốc phát triển cân nặng của một đứa trẻ sinh đủ tháng:

Bình thường cân nặng mới sinh của trẻ khoảng 3000 – 3500g, nếu bé có cân nặng <2500g, mà sinh đủ tháng thì là trẻ bị suy dinh dưỡng bào thai, còn sinh thiếu tháng gọi là bé sinh non.

Tuần thứ nhất, bé có thể sụt cân sinh lí từ 5 – 10% cân nặng, từ tuần thứ 2 bé bắt đầu tăng cân nhanh.

Trung bình 3 tháng đầu, bé tăng từ 1000 – 1200g/tháng, từ 3 – 6 tháng tăng khoảng 600g/tháng, từ 6 – 12 tháng tăng 300 – 400g/tháng. Trên 1 tuổi đến 10 tuổi bé tăng trung bình 2 – 2,5 kg/năm.

Bạn có thể nhớ các mốc chính như sau:

10 – 14 ngày tuổi: Phục hồi cân nặng lúc sinh.

5 – 6 tháng tuổi: Gấp đôi cân nặng lúc sinh.

1 tuổi: Gấp ba cân nặng lúc sinh

Cách tốt nhất để xem bé có phát triển bình thường hay không, bạn đã cho bé ăn đủ chưa là phải thường xuyên theo dõi cân nặng của bé, đặc biệt trong những tháng đầu đời.

Thời gian cân như thế nào?

Cân ít nhất 1 lần/tuần trong khoảng từ 6 – 8 tuần đầu tiên, sau đó có thể giảm xuống còn 1 -2 lần/tháng cho đến khi con được 4 tháng. Từ 5 tháng đến 2 tuổi, cho bé cân 1 lần/tháng. Ở độ tuổi mẫu giáo, trẻ cần được theo dõi cân nặng mỗi tháng để biết cơ thể có phát triển tốt hay không. Bạn nên cân bé vào một ngày nhất định trong tháng (có thể chọn ngày bé chào đời) rồi vẽ ra “con đường sức khỏe” để tiện theo dõi. Để biết được cân nặng của bé đã đạt chuẩn hay chưa, bạn có thể tính cân nặng chuẩn của bé theo độ tuổi công thức sau đây:

X = 9,5kg + 2(N-1)

Trong đó: 9,5kg là cân nặng trung bình lúc 1 tuổi, 2 là số cân nặng tăng trung bình 1 năm, N là số tuổi. Ví dụ: Nếu con bạn 3 tuổi, ta tính như sau X = 9,5kg + 2(3-1) = 13,5kg. Vậy cân nặng của trẻ 3 tuổi là 13,5kg.

Những vấn đề về cân nặng của bé cần lưu ý

Trẻ không tăng cân trong 3 tháng liền, nhưng cân nặng vẫn ở trong giới hạn bình thường có ảnh hưởng gì không?

Trẻ tuy chưa bị suy dinh dưỡng nhưng 3 tháng liền không tăng cân có nghĩa là sự phát triển của trẻ đang bị ngừng lại. Đó là dấu hiệu báo động về sức khỏe và nuôi dưỡng chưa tốt. Mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe nhiều hay ít tùy thuộc vào nuôi dưỡng và bệnh tật của trẻ.

Nguyên nhân làm cho trẻ không tăng cân có thể là:

– Ăn chưa đủ, thiếu chất, bú mẹ không đủ, ăn ít bữa, thức ăn của trẻ nghèo dinh dưỡng, ít thức ăn động vật, đậu đỗ, thiếu dầu mỡ không đủ năng lượng cho trẻ hoạt động và phát triển.

– Ăn tốt nhưng chơi quá sức, tiêu hao năng lượng nhiều, cần cho trẻ ăn thêm.

– Trẻ bị mắc một bệnh nào đó nhưng chưa nhận thấy.

Hằng tháng trẻ tăng cân nhưng cân nặng vẫn ở dưới giới hạn bình thường thì có đáng lo không?

Hằng tháng trẻ tăng cân có nghĩa là trẻ vẫn phát triển bình thường không có gì đáng ngại. Vì vậy, có thể duy trì cách nuôi dưỡng hiện tại nhưng cần chú ý đảm bảo đủ số bữa ăn của trẻ, đủ số lượng và chất lượng mỗi bữa, đồng thời chăm sóc trẻ tốt hơn, quan tâm gần gũi, tình cảm với trẻ để giúp trẻ tiếp tục tăng cân, nhanh chóng đạt được cân nặng ở mức không bị suy dinh dưỡng.

Bé dễ dư thừa cân nặng

Có nhiều yếu tố dẫn đến thừa cân, trong đó, phổ biến nhất là tình trạng năng lượng khẩu phần vượt quá nhu cầu, nhất là năng lượng do chất béo và bột, đường cung cấp. Ngoài ra, giảm hoạt động thể lực cũng là yếu tố nguy cơ cao của thừa cân. Nếu bé không tham gia thể dục, thể thao, ít đi bộ, đi xe đạp… mà dành nhiều thời gian cho xem vô tuyến, chơi điện tử, cũng làm bé thừa cân. Điều quan trọng là theo dõi tăng trưởng của trẻ ở mọi lứa tuổi qua chỉ số cân nặng, chiều cao. Như vậy, cha mẹ sẽ phát hiện sớm suy dinh dưỡng hoặc thừa cân để xử trí kịp thời.

Bé ăn nhiều nhưng vẫn bị suy dinh dưỡng

Tăng cân đều đặn là dấu hiệu quan trọng nhất cho thấy trẻ đang lớn và phát triển tốt. Mỗi trẻ nhỏ cần có một biểu đồ tăng trưởng. Cần đánh dấu sau mỗi lần cân và theo dõi sự thay đổi của trẻ hằng tháng. Nếu trẻ không tăng cân hoặc không tăng trưởng tốt phải đưa trẻ đến bác sĩ kiểm tra, tìm ra nguyên nhân để khắc phục kịp thời, bởi dinh dưỡng còn đóng vai trò quyết định thể trạng của bé. Ngược lại, nếu để cho tình trạng suy dinh dưỡng xảy ra sẽ kéo theo hàng loạt những hậu quả xấu về tinh thần, trí tuệ và thể chất con người.

Cân nặng của bé tăng giảm thất thường

Nhiều khi cân, đo so với tuổi thì phát hiện là bé đã “trên trung bình” rất nhiều rồi mà cha mẹ vẫn cứ thấy là sao tháng này cháu không lên được “lạng” nào, biếng ăn quá? Thực ra, từ 12 tháng tuổi trở lên, bé sẽ tăng cân chậm lại, mỗi tháng chỉ tăng có 200g thôi. Nhìn chung, nếu bé hầu như không (hoặc chậm) tăng cân thì có thể do bé ăn uống không đủ chất, cơ thể không hấp thu và sử dụng chất dinh dưỡng chưa đúng cách. Hơn nữa, có khá nhiều nguyên nhân khiến bé chậm tăng cân như chế độ dinh dưỡng, tiền sử sức khỏe, các hoạt động thể chất hay rối nhiễu về tinh thần. Bạn cần hiểu được nguyên nhân của sự chững lại về cân nặng của bé để có biện pháp thích hợp nhất.

Theo andamchobe

Leave a Reply

Or