Bạn sẽ mặc kệ hay can thiệp khi con bị bạn bè ăn hiếp? Câu trả lời của chuyên gia sẽ khiến bạn bất ngờ

Bạn sẽ làm gì khi thấy con bị bạn ăn hiếp, xô ngã? Tiến đến can thiệp hay mặc kệ, bỏ qua vì sợ đụng chạm? Hãy nghe chuyên gia đưa ra câu trả lời.

Hãy tưởng tượng cảnh này: Bạn đang cùng con ở khu vui chơi và nhìn thấy một đứa trẻ khác đẩy con bạn té ngã và giật lấy đồ chơi con đang cầm trên tay. Trong khi đó, bố mẹ của đứa bé đó chỉ nhìn mà chẳng buồn tiến đến can thiệp. Bạn sẽ làm gì? Ngồi đấy nhìn hay đứng dậy can thiệp, phạt đứa bé kia?

Bạn sẽ mặc kệ hay can thiệp khi con bị bạn bè ăn hiếp? Câu trả lời của chuyên gia sẽ khiến bạn bất ngờ - Ảnh 1.

Bạn sẽ làm gì khi thấy một đứa trẻ khác đẩy con bạn té ngã và giật lấy đồ chơi con đang cầm trên tay? (Ảnh: Internet)

Đó là một tình huống vô cùng khó xử đối với các bậc phụ huynh. Trong khi bạn luôn nỗ lực, thật cố gắng để dạy con về những giá trị tốt, hành vi tốt thì rõ ràng nhìn thấy những đứa trẻ khác hành động sai mà không bị trừng phạt thì thật là khó chịu. Nhưng liệu xã hội có chấp nhận việc bạn la mắng một đứa trẻ không phải con mình? Thật khó để xác định được ranh giới.

Vấn đề này đã được chuyên gia nuôi dạy con cái hàng đầu ở Úc, đồng thời là thành viên danh dự của Trung tâm Tâm lý học Tích cực ở Trường giáo dục sau đại học tại Đại học Melbourne – Tiến sĩ Justin Coulson – chia sẻ trong chương trình Today Show. Ông đã thảo luận rằng cách xã hội nhìn nhận việc phạt đó thực sự hơi nghiêm khắc, cứng nhắc.

“Việc chúng ta can thiệp thực sự quan trọng nhưng câu hỏi về kỷ luật cần phải được định nghĩa. Nhiều người nghĩ rằng kỷ luật là trừng phạt, sẽ làm tổn thương ai đó, phải không? Tôi không nghĩ bất kì ai trong chúng ta muốn làm tổn thương trẻ con cả”, Justin Coulson phát biểu.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng kỷ luật là một cách để hướng dẫn hành vi tích cực. Ông nói: “Nếu bạn nhìn vào định nghĩa thực sự của kỷ luật bạn sẽ hiểu nó có nghĩa là dạy, hướng dẫn”. Ông khẳng định người lớn có nhiệm vụ điều chỉnh những hành vi của trẻ theo một cách tích cực, có ý xây dựng. “Mỗi người trong chúng ta đều có một nhiệm vụ là can thiệp, dạy dỗ và hướng dẫn, dù cho đó là con chúng ta hay con người khác. Chúng ta có nghĩa vụ xã hội để làm chuyện đó”, Tiến sĩ kết luận.

Bạn sẽ mặc kệ hay can thiệp khi con bị bạn bè ăn hiếp? Câu trả lời của chuyên gia sẽ khiến bạn bất ngờ - Ảnh 2.

Bạn có dám tiến đến can thiệp, dạy dỗ đứa bé đã ăn hiếp con mình? (Ảnh: Internet)

Theo các chuyên gia tâm lý trẻ em, họ đã chia 2 trường hợp về việc dạy dỗ một đứa trẻ khác không phải con bạn.

Dạy dỗ khi không có mặt bố mẹ đứa bé ở đó

Theo các chuyên gia, không có gì sai nếu kỷ luật một đứa bé vì hành vi xấu khi không có bố mẹ chúng ở đó. Việc này sẽ không ảnh hưởng đến mối quan hệ của bạn với bố mẹ đứa bé bởi với tư cách là một người bố, người mẹ, bạn có trách nhiệm để thay bố mẹ đứa bé dạy dỗ chúng chứ không phải tránh né. Nếu con của người bạn đến chơi với thái độ không chấp nhận được, bạn hãy chuẩn bị cho mình sự hướng dẫn theo một cách mềm mỏng và cố gắng tạo không khí nhẹ nhàng. Đừng cọc cằn, thô lỗ mà phải dạy dỗ, góp ý với một thái độ tích cực, muốn đứa bé trở nên tốt hơn. Không chỉ vậy, bạn cũng cần phải giữ thái độ tương tự với con mình khi con làm sai. Sự nhất quán này mới là điều khiến đứa bé kia “tâm phục khẩu phục”.

Dạy dỗ khi có mặt bố mẹ đứa bé ở đó

Vẫn với một thái độ góp ý và dây dựng, bạn được phép can thiệp vào việc đứa trẻ khác ăn hiếp bạn dù cho có mặt bố mẹ đứa bé đó. Lúc này, bạn cần tiến đến để đứa bé biết rằng có sự hiện diện của người lớn ở đây, đồng thời khẳng định đó là hành động chưa hợp lý. Sau đó, bạn cần đưa con mình ra một khu vực khác, tách 2 đứa bé đang có mâu thuẫn ra. Đừng để cảm xúc cá nhân xen lẫn vào nếu không tình huống sẽ trở nên tồi tệ hơn.

Trong cả 2 trường hợp, tuyệt đối không đánh hay la mắng đứa trẻ ngay cả khi đứa bé đó làm điều gì đó nguy hiểm hay phá hoại. Mục tiêu của bạn là chỉnh đốn hành vi sai chứ không phải trừng phạt chúng. Ngoài ra, không được làm đứa bé xấu hổ. Bạn nên tách đứa bé đó ra khỏi nhóm trẻ em và khuyên răn nhẹ nhàng (trong trường hợp bố mẹ đứa bé không có mặt ở đó). Cuối cùng, nếu đứa bé đó làm điều tốt, một lời khen ngợi, khích lệ từ bạn là vô cùng cần thiết.

(Nguồn: dailymail, blastingnews, parents)

Leave a Reply

Or