Bài thuốc dân gian điều trị bệnh sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết là một căn bệnh nguy hiểm, có thể gây tử vong cho bệnh nhân nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Dưới đây là bài tư vấn cách nhận diện bệnh cũng như một số bài thuốc dân gian trong điều trị SXH do Lương y Đinh Công Bảy – Tổng thư ký Hội Dược liệu TP.HCM hướng dẫn.

bai-thuoc-dan-gian-dieu-tri-benh-sot-xuat-huyet

Đang vào mùa sốt xuất huyết, phụ huynh cần phòng bệnh cho trẻ bằng cách cho trẻ ngủ mùng và diệt lăng quăng, muỗi. Ảnh minh họa: internet

Phân biệt cấp độ bệnh SXH

Sốt: Sốt cao đột ngột, liên tục và kéo dài từ 2 – 7 ngày. Trong ba ngày đầu, bệnh nhân thường có biểu hiện  như sốt cao, vã mồ hôi, thở nhanh, đau mình mẩy, chán ăn, thậm chí có người nôn, sợ không dám ăn, người mệt mỏi, nhức đầu. Từ ngày thứ 4 là giai đoạn nguy hiểm của bệnh. Bệnh nhân xuất hiện nhiều biến chứng nguy hiểm như tụt huyết áp, đau bụng, chảy máu bất thường, tràn dịch màng phổi… Vì thế khi thấy bệnh nhân nằm vật vã, sốt li bì, chướng bụng, khó thở, đi tiểu ít, chảy máu bất thường cần đưa đi bệnh viện chữa trị kịp thời.

Xuất huyết: điểm xuất huyết, ban xuất huyết, vết bầm máu, chảy máu cam, chảy máu chân răng, nôn ra máu hoặc đi ngoài ra máu.

Gan to: tuy nhiên đây không phải là đặc điểm thường gặp.

Sốc: biểu hiện bằng mạch nhanh yếu và kẹp huyết áp động mạch (≤ 20mmHg) hoặc huyết áp thấp kèm theo nổi da gà, lạnh và li bì, vật vã.

Như vậy, SXH  độ 1 là khi biểu hiện sốt cao, biểu hiện xuất huyết (dấu hiệu dây thắt dương tính), tăng thẩm thấu mao mạch nhẹ, tiểu cầu giảm nhanh.

Nếu trẻ có những biểu hiện như trên, kèm theo xuất huyết dưới da và các biểu hiện xuất huyết tự phát khác, thoát huyết tương nhẹ, tiểu cầu giảm nhẹ, thì gọi là SXH độ 2.

Độ 3 là khi mạch nhanh và yếu, huyết áp kẹp hoặc tụt, da lạnh tái, vật vã; chảy máu bất thường, ồ ạt; thoát huyết tương dẫn đến choáng; tiểu cầu giảm nhiều, tăng thể tích hồng cầu; thân nhiệt tăng đột ngột, huyết áp không đo được, mạch không bắt được.

Độ 4 là ngoài những triệu chứng của độ 3, kèm thêm choáng mất máu; đông máu trong lòng mạch.

Với độ I và độ II, tùy trường hợp, trẻ có thể điều trị tại nhà và được theo dõi chặt chẽ hoặc nhập viện nếu cần thiết. Những trường hợp độ III và độ IV nhất thiết phải nhập viện ngay để được điều trị kịp thời, tránh biến chứng, tử vong.

Bài thuốc bằng thảo dược

Y học cổ truyền xếp bệnh SXH vào nhóm ôn bệnh và ôn dịch (ôn dịch vì có tính lây lan thành dịch). Nhiệt tà tác động vào dinh, vệ, khí, huyết. Vì vậy, thuốc y học cổ truyền có khả năng điều trị tốt bệnh SXH độ I, độ II. Phương pháp điều trị gồm: thanh nhiệt, lương huyết, chỉ huyết, giải độc, nâng cao thể trạng. Nguyên tắc điều trị chung là uống thuốc cổ truyền, kết hợp nghỉ ngơi, ăn nhẹ dễ tiêu.

Bài thuốc 1: Lá cúc tần 12g (hạ sốt), cỏ mực còn gọi nhọ nòi 16g (cầm máu) mã đề 16g (lợi tiểu), trắc bá diệp còn gọi sao đen 16g (cầm máu), sắn dây 20g (thanh nhiệt), rau má 16g (nhuận gan, thanh nhiệt), lá tre 16g (hạ sốt, thanh nhiệt), gừng tươi 3 lát (kích thích tiêu hóa, chống nôn, ôn vị). Nếu không có sắn dây thì thay bằng lá dâu tằm 16g. Nếu không có trắc bá diệp thì bằng lá sen sao đen 12g hoặc kinh giới sao đen 12g.

Cách dùng: cho 600ml nước sạch, đun sôi 30 phút, để ấm, uống ngày 3 lần.

bai-thuoc-dan-gian-dieu-tri-benh-sot-xuat-huyet
Cỏ mực (nhọ nồi)

Bài thuốc 2: cỏ mực 20g (chỉ huyết, nhuận huyết), cối xay còn gọi sao vàng 12g (lợi tiểu, hạ sốt, giải độc), rễ cỏ tranh 20g (lợi tiểu, hạ sốt, giải độc), sài đất 20g (thanh nhiệt, giải độc), kim ngân 12g (thanh nhiệt, giải độc), hạ khô thảo còn gọi sao qua 12g (lợi tiểu, hoạt huyết, thanh can hỏa), hoa hòe 10g (bền thanh mạch), gừng tươi 3 lát. Nếu không có hạ khô thảo thì thay bằng bồ công anh 12g.

Cách dùng: cho 600ml nước sạch, đun sôi 30 phút, để ấm, uống ngày 3 lần.

Bài thuốc 3: cỏ mực 20g, cam thảo 6g, hoạt thạch 12g (lợi tiểu, hạ sốt), mã đề 16g (lợi tiểu, hạ sốt), gừng tươi 3 lát. Nếu không có hoạt thạch thì thay bằng cối xay 12g. Nếu không có mã đề thì thay bằng lá tre 16g.

bai-thuoc-dan-gian-dieu-tri-benh-sot-xuat-huyet
Cỏ mực và lá  tre là  những thảo dược điều trị sốt xuất huyết độ 1 và 2 khá hiệu quả

Cách dùng: cho 600ml nước sạch, đun sôi 30 phút, để ấm, uống ngày 3 lần. Nếu hết sốt thì ngừng thuốc ngay.

Bài thuốc 4: hoạt thạch 6 phần, cam thảo 1 phần.

Cách dùng: tán bột trộn đều, uống ngày 3 lần, mỗi lần 1 muỗng cà phê, hết sốt ngừng thuốc ngay.

Lưu ý, trẻ em từ 1 – 5 tuổi, liều bằng 1/3 người lớn. Trẻ em từ 6 – 13 tuổi, liều bằng 1/2 người lớn. Trẻ em từ 14 tuổi trở lên bằng liều người lớn. Trẻ còn bú mẹ, cho mẹ uống thuốc, qua sữa điều trị cho con.

Nếu người bệnh còn ăn uống được, thì bù nước bằng nước sôi để nguội, sữa, nước cam, nước chanh, nước dừa, nước ép rau, củ, quả (chứa nhiều vitamin C), nước cơm, nước muối đường (7 phần đường + 1 phần muối), nước pha oresol…. Cho trẻ uống từ từ, vì uống quá nhanh, quá nhiều cùng một lúc, có thể sẽ gây nôn, đầy bụng.

Lượng nước dùng đối với trẻ dưới 5 tuổi khoảng 500 – 1.500ml trong ngày, trẻ trên 5 tuổi khoảng 2.000 đến 2.500ml trong ngày.

Một số thảo dược có thể nấu nước để uống như: kim ngân hoa, lá tre, hoa cúc, hoa hòe, rễ lau, rễ tranh, râu bắp, rau má, mã đề (nấu riêng hoặc nấu chung 2-3 loại, liều lượng 12-16g mỗi thứ), lá đu đủ tươi (2 lá)…

Cho ăn thức ăn dễ tiêu hóa như cháo, phở, súp với những thực phẩm giàu đạm dễ hấp thu như thịt nạc gà, cá sông các loại. Những loại rau quả có thể dùng nấu canh, nấu cháo, nấu súp cho người bệnh sốt xuất huyết : đậu xanh, đậu phụng (giã nhuyễn), bí đao, rau bồ ngót, rau má, rau mồng tơi, mướp ngọt, rau dền cơm (chì dùng loại rau lá xanh), rau muống, rau cần nước, hoa thiên lý, hoa kim ngân, củ sen, củ sắn dây…

Không dùng những loại rau, củ, quả có màu đỏ, màu đen, màu nâu, vì sẽ dễ bị nhầm  xuất huyết ở dạ dày khi đi tiêu hoặc nôn ói. Không dùng những thức uống ngọt đóng chai, thức uống có ga, nước trà.

Một số thực phẩm cần kiêng khi bị sốt xuất huyết là: trứng, mật ong, thịt đỏ, mỡ động vật, các thực phẩm tanh như tôm, cua, sò, hến, các loại gia vị cay nóng như gừng, tỏi, tiêu, ớt, cà ri…

Trường hợp người bệnh không ăn uống được, nôn ói nhiều, muốn truyền dịch phải có sự chỉ định và theo dõi cẩn thận của bác sĩ. Tuyệt đối không truyền dung dịch đạm, hay dịch có pha vitamin, vì rất hay bị sốc.

Ngay cả khi đã xuất viện, bệnh nhân cũng phải mất 7 – 10 ngày để hồi phục lại. Dù bệnh đã khỏi, nhưng bệnh nhân vẫn có triệu chứng mệt mỏi, khi đứng lên thường bị hoa mắt chóng mặt. Tuy nhiên, đây lại là giai đoạn thừa nước, truyền dịch vào sẽ rất nguy hiểm, có thể gây phù phổi, cấp cứu không kịp có thể dẫn đến tử vong

Theo Phunuonline.com.vn

Leave a Reply

Or