Kính chào bác sĩ, có phải con nít sau 3 tuổi sẽ ít bị nhiễm bệnh về đường hô hấp? Khi con bị ho và sổ mũi, người nhà thường khuyên em cho bé nhỏ mũi. Việc nhỏ mũi thường xuyên như vậy có ảnh hưởng đến bé không?

Nếu chữa không hết bệnh hô hấp, bé có bị biến chứng sang viêm xoang không, thưa bác sĩ. Xin bác vui lòng giải đáp giúp em. Chân thành cảm ơn bác sĩ.

(Uyển Ngọc, Quận 5, TP.HCM)

Bác sĩ Đinh Thạc, Trưởng khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM trả lời:

Thắc mắc của bạn là vấn đề chung được các bậc phụ huynh quan tâm hiện nay. Trước tiên, về nhận định trẻ em sau giai đoạn 3 tuổi sẽ ít bệnh hơn, điều này là đúng về mặt khoa học. Thời điểm này, bé đã bước qua khoảng trống miễn dịch. Nghĩa là giai đoạn từ 6 tháng – 3 tuổi, hệ miễn dịch của bé còn yếu. Do đó, bé thường bệnh rất nhiều.

Khi còn trong bụng mẹ, bé được mẹ truyền cho một lượng kháng thể nhất định qua nhau thai. May mắn hơn, những trẻ bú mẹ sẽ được truyền kháng thể IgA giúp nhằm tăng cường hệ miễn dịch của trẻ từ 6 tháng đến một năm đầu đời.

rua mui cho tre bang nuoc muoi sinh ly
Nuôi con bằng sữa mẹ giúp tăng cường hệ miễn dịch trong những năm đầu đời – Ảnh minh họa: Internet

Tuy nhiên, khoảng trống miễn dịch giai đoạn từ 6 tháng – 3 tuổi sẽ làm các bé dễ mắc bệnh hơn. Đây cũng là một trong những vấn đề phụ huynh cần quan tâm.

Để phòng bệnh hiệu quả cho bé thời điểm này, điều quan trọng là phụ huynh cần giữ gìn môi trường sống cho con trong lành, hạn chế khói bụi, thuốc lá. Đồng thời, chế độ dinh dưỡng cho trẻ cần đảm bảo cân bằng, khoa học. Bé trong giai đoạn này chưa đủ sức mạnh về hệ miễn dịch. Nếu được cung cấp đủ chấ, sức khỏe sẽ tốt hơn, nguy cơ mắc bệnh giảm đi.

Sau 3 tuổi, tần suất mắc bệnh của trẻ giảm dần do hệ miễn dịch của trẻ đã tương đối mạnh và chủ động. Một trong những biện pháp các bậc phụ huynh hay áp dụng để phòng bệnh đường hô hấp cho trẻ là sử dụng nước muối loãng vệ sinh vùng mũi họng. Đây có thể được xem là biện pháp hay. Cha mẹ nhỏ mũi thường xuyên cho bé không có gì bất lợi vì đây chỉ là nước muối sinh lý.

rua mui cho tre bang nuoc muoi sinh ly 2
Không nên lạm dụng nước muối sinh lý quá nhiều đối với trẻ – Ảnh minh họa: Internet

Cha mẹ cũng cần chú ý khi bé mới đi ra ngoài về, nên rửa mũi cho trẻ để loại bỏ khói bụi con vô tình hít phải. Khi trẻ có biểu hiện ho, sổ mũi sụt khi, cũng cần làm sạch bằng nước muối sinh lý. 

Tuy nhiên, cũng không nên lạm dụng nước muối sinh lý quá mức. Sử dụng quá nhiều có thể làm trôi đi các tác nhân bảo vệ tự nhiên, dẫn tới làm trôi đi lớp niêm mạc mũi. Hậu quả là khi tác nhân gây bệnh tấn công, trẻ có thể dễ mắc bệnh. Do đó, chỉ nên sử dụng nước muối sinh lý cho trẻ khi thực sự cần thiết. 

Thông thường, những bệnh hô hấp không điều trị dứt điểm có thể gây nên những biến chứng nguy hiểm. 

Ví dụ: Viêm mũi họng thường xuyên có thể dẫn đến viêm xoang, viêm phế quản, viêm phổi. (Viêm phổi hiện nay được xem là một trong những nguyên nhân tử vong hàng đầu ở trẻ em).

Việc điều trị tốt các bệnh viêm đường hô hấp trên sẽ ngăn ngừa được biến chứng, không gây nguy hiểm cho trẻ. 

Như vậy, để tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ, nên ưu tiên nuôi con bằng sữa mẹ, chú ý dinh dưỡng tốt. Đồng thời, phòng bệnh đường hô hấp bằng việc giữ vệ sinh môi trường sống, rửa nước muối sinh lý cho trẻ khi có hiện tượng ho, sụt sịt hay đi ngoài trời về.

Theo Phunusuckhoe