Bà xã Lý Hải chia sẻ cách dạy con biết nói lời xin lỗi

Minh Hà luôn để ý từng chi tiết vì quan niệm những hành động nhỏ của người lớn sẽ được con trẻ học theo. Cách cô dạy con biết nói lời xin lỗi đúng cách là một gợi ý hay cho các bà mẹ.

Minh Hà tốt nghiệp Cao học ngành luật tại nước ngoài, cô là một trong số các bà xã nghệ sĩ có học vấn cao. Thế nhưng cô dành toàn tâm, toàn ý để chăm sóc và vun vén cho gia đình nhỏ của mình. Vợ chồng hạnh phúc, hai con thông minh, nhanh nhẹn chính là phần thưởng lớn nhất dành cho cô.

Trên trang cá nhân, Minh Hà cũng thường xuyên đăng những kinh nghiệm hay hoặc những kiến thức bổ ích để nuôi dạy con. Mới đây, cô chia sẻ về văn hoá xin lỗi và cách dạy con biết nói lời xin lỗi đúng cách khi phạm phải sai lầm hoặc kể cả vô ý.

Gia đình hạnh phúc của Lý Hải - Minh Hà

“Đoạn clip Người cha dạy con nói lời xin lỗi, người cha dạy con xin lỗi ngay cả khi đó chỉ là một tai nạn do vô ý. Lời xin lỗi không chỉ mang ý nghĩa là nhận lỗi mà còn là một cách giáo dục cách sống lịch sự, ý thức biết quan tâm đến người khác, và giúp bé chú ý hơn đến hành động của mình vì một hành động vô ý có thể gây tổn thương cho người khác.

Khi mình học ở Anh, mình đã từng thấy rất lạ: Ngoài việc xin lỗi khi có lỗi thì người ta còn xin lỗi ngay cả khi họ không có lỗi mà chỉ là hành động của họ “có thể” làm phiền đến người khác. Chẳng hạn, họ với tay lấy đồ mà món đồ ngay trước mặt bạn họ cũng nói “sorry” (xin lỗi) trước khi lấy. Họ đi ngang qua bạn hơi nhanh và có thể chạm vào bạn dù thật sự chưa chạm, họ cũng xin lỗi. Hoặc khi bạn bước vào cửa tiệm đúng lúc họ bước ra họ cũng nói sorry mặc dù họ chưa đụng vào bạn và nếu họ thấy trước bạn sẽ bước vào chắc chắn họ sẽ dừng lại nhường cho bạn vào rồi sau đó họ mới bước ra. Cũng như việc khi thang máy đến, họ luôn đứng đợi mọi người bên trong bước ra rồi mới bước vào chứ không ào ào bước vào khi thang máy vừa mở cửa …

minh ha 28563

Ở Việt Nam, theo cảm nhận chủ quan của mình, nói ra lời xin lỗi thật sự là khó khăn. Bản thân mình trước đây cũng vậy, kể cả khi lỗi rành rành là của mình nhưng việc xin lỗi và nhận lỗi cảm giác như tự bôi tro trét trấu lên mặt, cảm thấy rất xấu hổ và nhiều người chọn phương pháp là lảng tránh thay vì đối diện sự thật và nhận lỗi. Và thế là lỗi lầm cứ kéo dài năm này sang năm khác.

Ngoài cảm giác áy náy thì chuyện không xin lỗi còn có thể làm mất đi mối quan hệ với người mà ta làm lỗi. Nếu ngay từ đầu ta nhận lỗi thì sẽ dễ hoá giải các mối quan hệ hoặc hiểu lầm nếu có. Ngoài ra, rất nhiều quan niệm sai lầm là ai xin lỗi có nghĩa là mình có lỗi. Vì thế khi không có lỗi hoặc gián tiếp làm lỗi mà xin lỗi thì lại sợ bị quy chụp là lỗi của mình nên đã nhát xin lỗi lại càng không dám xin lỗi.

Câu chuyện về nói lời xin lỗi có lẽ còn là câu chuyện dài về văn hoá… Mình không phải là người hướng ngoại nhưng mình nghĩ học tập cách nói xin lỗi thế này cũng tốt đấy chứ và mình sẽ cố gắng dạy con như thế mặc dù việc này sẽ không dễ dàng vì ngoài xã hội không phải người lớn nào cũng sẵn sàng nói xin lỗi. Việc giải thích cho trẻ vì sao con cần nói xin lỗi khi mà 1 người lớn khác làm lỗi với con lại không xin lỗi con cũng thật khó.

minh ha y235

Mình từng coi một đoạn phim hoạt hình dạy trẻ nói lời xin lỗi khi phạm sai lầm. Theo đó, xin lỗi bao gồm 3 bước: 1. Nhìn thẳng vào người đối diện và nói lời xin lỗi một cách chân thành 2. Kể về lỗi lầm đã xảy ra 3. Và xin được tha thứ

Việc dạy trẻ nói lời xin lỗi cần phải giúp trẻ phân biệt đúng sai, hiểu được lỗi của mình và nó lời xin lỗi một cách chân thành chứ không chỉ dừng lại ở lời xin lỗi suông lấy lệ. Trẻ cần ý thức về việc làm của mình là sai trái và thật sự hối lỗi để lần sau không tái phạm nữa. Nếu trẻ quá ngang bướng, hãy cho con thời gian và dùng biện pháp ngọt ngào giải thích cho bé vào lúc khác, 1 lần không được thì nhiều lần.

Hãy ví dụ cho trẻ nếu người khác làm vậy với con con sẽ thấy thế nào để trẻ có thể hiểu cảm giác của người khác khi mình gây ra lỗi với họ. Đôi khi cũng cần cứng rắn để cho trẻ thấy rằng việc liên tiếp phạm sai lầm sẽ khiến mọi người xa lánh con, kể cả ba mẹ. Ba mẹ sẽ không nói chuyện với con, không mua đồ chơi cho tới khi con nhận lỗi. Khi bé ý thức được một hành động là sai mà vẫn tái phạm thì đôi khi cảm giác sợ lại hiệu quả.

Đối với với trẻ nhỏ, ba mẹ có thể đơn giản chỉ là tập cho bé quen với việc nói lời xin lỗi. Tùy từng độ tuổi mà chúng ta chọn cách giải thích phù hợp để trẻ nghe theo. Cuối cùng, quan trọng nhất, cha mẹ cần là một tấm gương đầu tiên để bé học theo. Hãy xin lỗi con khi bạn làm sai ngay cả khi bé mới vài tháng tuổi”.

Theo Mecon

Leave a Reply

Or