9 tháng nhọc nhằn của mẹ đơn thân

Lỡ có thai với người đàn ông ngoại quốc, chị Y phải đắng cay một mình vượt cạn và nuôi con.

Sinh con ngoài 30 tuổi, không có người thân nào bên cạnh trong những cơn đau, tuy nhiên, với H.Y đó là thử thách rất nhỏ trong chặng đường lang bạt khắp nơi kiếm kế sinh nhai mà cô từng trải qua.

Y. tự đi vào TP.HCM khi mới 18 tuổi, biết bao cám dỗ giữa chốn Sài Thành đô hội bủa vây lấy cô bé mới lớn. Đầu năm 2003, cô sinh đứa con đầu lòng với một người con trai ở miền Nam. Y. nhớ lại:“Sau sinh không được bao lâu, người đàn ông đó bế đứa con bỏ trốn. Từ đó, tôi không một lần nào gặp lại con nữa…”.

Sau cú sốc quá lớn đó những tưởng cô không còn đứng dậy nổi, nhưng ở người phụ nữ này có một nghị lực phi thường và ý chí vượt qua hoàn cảnh đáng kinh ngạc. 10 năm tiếp theo, Y sống cô độc giữa TP.HCM, làm lụng đủ nghề để kiếm sống như kế toán, nhập liệu, nhân viên kho… không nề hà chỉ với mong muốn có tiền để tiếp tục sống.

Sau đó, cô học nấu ăn và quyết định sang Malaysia, Thái Lan… tìm công việc nấu ăn với hi vọng sẽ có thu nhập cao hơn. Khi đang làm việc cho một nhà hàng ở Malaysia, Y tình cờ quen một người đàn ông châu Phi (bố của bé K). Tình yêu đến từ lúc nào không hay, một thời gian ngắn sau, cô phát hiện mang thai.

“Người đàn ông đó cũng nói bỏ thai đi nhưng tôi vẫn không chịu. Tôi đưa anh ta đến các phòng khám để chứng minh là tôi mang thai con của anh ta. Sau đó, tôi vẫn quyết định sẽ giữ cái thai vì tuổi đã ngoài 30, sức khỏe cũng yếu, đây là cơ hội để sinh con. Nếu để lỡ lần này thì không biết bao giờ mới làm mẹ được nữa”, Y cho biết.

Làm mẹ đơn thân giữa biết bao khó khăn của cuộc sống, bưng bát cơm hôm nay đã lo bữa ngày mai nhưng Y vẫn xác định “phải chịu trách nhiệm về những gì mình đã làm. Nhiều người cứ bảo là đàn ông lừa nhưng rõ ràng điều đó chỉ là ngụy biện”.

9 tháng nhọc nhằn của mẹ đơn thân - 1
Người mẹ đơn thân này cho rằng: “Phải dám chịu trách nhiệm với những gì mình đã làm”

Và cũng từ đây, người mẹ 30 tuổi đối mặt với những tháng ngày mang thai nhọc nhằn…

Tháng thứ 1: Trong tháng đầu tiên mang thai, Y chưa đi khám ở bất cứ bệnh viện nào. Bởi, một người đơn độc, chưa lo nổi tiền ăn qua ngày thì sao dám nghĩ đến bệnh viện. Mang thai mấy tháng đầu phải giữ gìn cẩn thận nhưng mỗi ngày cô vẫn leo thang bộ để lên phòng trọ trên tầng thứ 5 của một chung cư cũ nát. Diện tích căn phòng chưa đến 10m2 và những mảng trần trên cao dọa rơi xuống bất cứ lúc nào.

Trở về Việt Nam khi cái thai trong bụng được khoảng 4 tuần, dù khó khăn và biết bao chật vật của cuộc sống đang chờ đợi nhưng Y vẫn quyết tâm giữ lại cái thai để sinh.

Tháng thứ 2: Bụng mang dạ chửa biết là không nơi nào nhận vào làm việc nhưng trong thế bế tắc, cùng quẫn, Y vẫn nộp hồ đi xin việc khắp mọi nơi. Niềm hi vọng dù là nhỏ nhoi duy nhất có một nhà hàng, khách sạn nào đó đồng ý nhận cô vào làm việc ở vị trí nhân viên bếp. Bởi, chỉ cần như vậy là cô được đóng bảo hiểm và được chi trả tiền viện phí khi sinh nở. Năm lần bảy lượt đi xin việc nhưng đều nhận được những cái lắc đầu từ chối.

Y trải lòng: “Ban đầu tôi tính toán là sau thử việc 1 tháng sẽ được đóng bảo hiểm, cho đến khi sinh cũng được 6-7 tháng như vậy là được thanh toán tiền viện phí. Nhưng, các nhà hàng họ đều không đồng ý, vì như vậy là chưa kịp làm việc được nhiều thì đã nghỉ sinh rồi. Chính vì điều này nên khi đi xin việc ở bất cứ đâu, tôi cũng nói thật đang mang thai, không hề giấu giếm. Chỉ mong muốn làm sao có một nơi đồng ý nhận vào làm việc  giữa lúc hoàn cảnh quá khó khăn”.

Tháng thứ 3: Xin việc không được, tiền để trang trải cuộc sống cũng cạn dần, Y không biết làm gì hơn đành đăng thông tin lên mạng muốn cho một gia đình người nước ngoài đứa con sau khi sinh.“Thông tin vừa đăng lên thì admin của trang Web gỡ xuống nhưng cũng có một người đọc được. Một chị người Mỹ lai Phi đồng ý nhận con của tôi sau khi sinh. Từ đó, tôi dọn về sống với chị ấy trong một chung cư ở Long Biên”, Y kể lại.

May mắn không ốm nghén như các bà bầu khác nên Y ăn uống khá tốt trong mấy tháng đầu. Sau khi xin việc không được, cô chấp nhận làm thêm 3 buổi/tuần cho một gia đình người nước ngoài đang sống ở Việt Nam. Công việc chính là dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa, nấu ăn để vào tủ lạnh. Công việc này dù không ổn định nhưng cũng mang lại thu nhập 70.000 đồng/giờ.

Tháng thứ 4: Y quyết định vào Bệnh viện Phụ sản Trung ương làm xét nghiệm sàng lọc trước sinh. Kết quả bác sĩ đưa ra khiến cô điếng người, thai nhi có nguy cơ cao hở ống thần kinh. Trong khi không có tiền trong tay, chị người Mỹ mà cô quen qua mạng trở thành ân nhân giúp đỡ Y..

“Khi biết tin như vậy, chị người Mỹ đưa tôi đi khám ở nhiều bệnh viện khác nhau kể cả bệnh viện trong nước và bệnh viện quốc tế. Chi phí khám cũng lên đến hàng triệu đồng mỗi lần, chị ấy muốn làm như vậy để khẳng định em bé không có vấn đề gì”, Y kể.

Tháng thứ 5: Sang tháng mang bầu thứ năm, Y quyết định mở lớp học tiếng Anh. Ban đầu, chị người Mỹ chỉ nghĩ cô mở lớp nhỏ nhưng cuối cùng lớp tiếng Anh lại “phình” ra khá lớn, với số học viên lên đến 8 người. Việc mở lớp học tiếng Anh giúp Y có tiền nhưng đổi lại không gian sống bị phá vỡ, chị người Mỹ sống cùng thực sự đau đầu khi không được nghỉ ngơi sau giờ làm việc. Bắt đầu từ đây, nảy sinh những mâu thuẫn giữa hai người. Sau một vài lần cãi cọ, chị kia quyết định dọn ra ngoài để thuê một căn nhà khác.

“Việc mở lớp cũng không gặp nhiều khó khăn, bàn ghế cũ 15 cái hơn 2 triệu đồng, tiền in băng rôn nữa cũng chỉ hết hơn 2 triệu. Tôi thuê được giáo viên dạy khá rẻ với giá 20 USD/giờ, thuê dạy 1 ngày chỉ hết 30 USD. Trong khi, 6 học viên đóng 60 USD chẳng hạn là tôi đã lãi được một nửa”, Y tâm sự.

Tháng thứ 6: Đây thực sự là tháng có nhiều thử thách với Y., tai ương bệnh tật đổ dồn khiến cô tưởng chừng khánh kiệt. Một lần vào bệnh viện đa khoa Đức Giang để kiểm tra sức khỏe cũng là lúc Y. bị sốt gần 2 ngày, sau khi hạ sốt lại trở về nhà. Nhưng sau 3 ngày lại sốt cao, Y. nhập viện Phụ sản TW sau đó được chuyển sang Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai).

“Nằm ở bệnh viện gần 9 ngày, chi phí điều trị 3,5 triệu đồng/ngày, tôi choáng thực sự. Bác sĩ kết luận bị men gan cao, nhiễm trùng đường máu, nhiễm trùng đường tiết niệu… Trong tình thế đó, không biết làm sao, tôi đành gọi về cho mẹ ở quê để nói sự thật đã mang thai với một người châu Phi. Mẹ sốc quá, cúp điện thoại luôn. Sau một hồi trấn tĩnh, mẹ gọi lại bảo bỏ đứa con đi. Nhưng tôi nhất quyết không bỏ đứa con. Mẹ không cho một đồng nào, tôi tiêu cả vào tiền dự tính sẽ trả cho giáo viên. Chi phí điều trị cả đợt hết hơn 30 triệu đồng. Cũng may sau đó giáo viên thấy hoàn cảnh của hai mẹ con nên không nhận đồng lương nào”, Y kể lại.

Tháng thứ 7: Sau khi khỏi bệnh, Y tiếp tục duy trì lớp tiếng Anh. Tuy nhiên, không bao lâu sau đó, cô cũng đành đóng cửa vì không quản lý được. Sau 3,5 tháng mở lớp, cô nhận ra việc quản lý kém, không xác định làm lâu dài, không kiểm tra trình độ học viên nên các lớp đều bấp bõm, lộn xộn.

Cũng trong tháng thứ 7 của thai kỳ, Y chuyển sang Bạch Mai để một người bạn tiện chăm sóc. Tuy nhiên, những cơn đau bụng dọa sinh xuất hiện liên tục, khiến cuộc sống đảo lộn hoàn toàn. Nhận thấy hoàn cảnh đáng thương của cô, admin một nhóm trên mạng đã cho người giúp việc sang hỗ trợ Y.  Trong suốt 1 tuần có giúp việc, Y bị những cơn sốt hành hạ. Không có tiền trong tay,  cô không dám nhập viện, chỉ ở nhà uống lá diếp cá.

Tháng thứ 8: Suốt 1 tuần uống lá diếp cá giúp Y cắt được những cơn sốt nhưng không ngờ đó là nguyên nhân khiến cho cổ tử cung mở sớm. Vừa bước sang tháng thứ 8, cô sinh hạ bé trai nặng 2,8kg tại Bệnh viện Phụ sản Trung Ương.

Sinh đứa con thứ hai trong đời, sự cô độc vẫn bao trùm lấy người phụ nữ tuổi 30. Không có mẹ hay bất cứ người thân nào bên cạnh, cô chống chọi với những khó khăn sau sinh nhờ sự giúp đỡ của một người bạn nước ngoài và một cô gái trẻ mang bầu đơn thân cũng đang lâm vào hoàn cảnh hết sức khó khăn.

Sau khi thanh toán viện phí, trong tay chỉ còn hơn 1 triệu đồng cùng số tiền các mẹ khác quyên góp giúp đỡ, Y. và cô gái đơn thân mang bầu sống tạm trong căn nhà thuê trên phố Bạch Mai, dựa vào nhau mà sống.

“Có bao nhiêu “đốt” bấy nhiêu, lúc đó chỉ biết chi tiền để ăn uống sau sinh cho đến đồng cuối cùng. Suốt 1 tuần đầu tiên, tôi không có sữa cho con bú. May sao bạn của người bạn tôi ở Séc ủng hộ 1 triệu nên tôi mua mấy hộp sữa công thức rẻ tiền nhưng bé không chịu uống. Sau đó 1 tuần, tôi có sữa trở lại”, Y. nhìn con âu yếm kể lại.

Trong suốt câu chuyện kể về hoàn cảnh của bản thân, Y. tỏ ra trăn trở với số tiền thuê nhà đang sắp đến hạn. Với số tiền kiếm được ít ỏi từ bán hàng qua mạng, cô chỉ mới có đủ tiền sống tằn tiện qua ngày chứ chưa dám nghĩ đến dư dả, tích lũy.

Dẫu khó khăn, vất vả, thiếu thốn là vậy nhưng nụ cười luôn tràn ngập trên gương mặt người phụ nữ đã trải qua nhiều năm lang bạt khắp nơi. Chuyện đời của cô có thể viết thành một cuốn sách nhưng điều đó vẫn còn quá sớm, bởi người mẹ đơn thân tuổi 30 này chỉ mong sao vượt qua được 6 tháng đầu rồi sẽ tìm một công việc ổn định đủ trang trải cho hai mẹ con.

 

 

theo: eva

Leave a Reply

Or