9 quy tắc ứng xử nếu không dạy con sẽ rất thiệt thòi

Nói “xin lỗi” hay “cảm ơn” chỉ là một vài trong số những quy tắc ứng xử con cần học. Dưới đây là 9 quy tắc ứng xử khác cũng quan trọng không kém mà bố mẹ có thể không để ý.

Theo Sheryl Eberly, tác giả người Mỹ cuốn “365 quy tắc ứng xử trẻ cần biết: trò chơi, hoạt động, và các phương pháp thú vị để giúp trẻ em và thiếu niên học về phép xã giao”, bạn cần dạy con 9 quy tắc cơ bản sau:
1. Đứng dậy lúc cần để tỏ lòng tôn trọng

Đã có thời đàn ông luôn luôn đứng dậy khi thấy người phụ nữ đứng lên khỏi chỗ, nhưng bây giờ việc này không còn phổ biến nữa.

Eberly nói: “Có một vài điều có thể khiến con bạn trở nên lễ phép hơn các bạn cùng trang lứa, và biết đứng khi cần là một trong số đó. Dù đó là ở một buổi lễ trang trọng có phần hát quốc ca, hay là khi khách khứa ra về, bạn cũng cần phải đứng dậy. Lúc ấy, bạn đứng để tạm biệt. Đừng ngồi dính lấy ghế và nói vọng từ chỗ mình rằng: “Gặp lại sau nhé!”.
Để dạy con điều này, hãy dùng phương pháp nhắc và khen thưởng, Eberly gợi ý. “Nhắc con rằng bạn muốn con cũng đứng lên khi thấy người lớn đứng dậy ra về và làm mẫu cho con phải làm thế nào . Xong hãy khen con hoặc cảm ơn con sau khi bạn chứng kiến con làm thế.”
2. Tôn trọng không gian riêng tư của người khác ở nơi công cộng
Đã bao nhiêu lần bạn nhìn thấy một nhóm thanh niên đi về phía bạn trên vỉa hè và bạn phải bước ra phía bên ngoài để họ đi lướt qua trong lúc họ chiếm toàn bộ lối đi và không để chừa cho bạn cho đi qua?
Hãy dạy con biết để ý đến mọi người xung quanh khi ra đường để tránh tình trạng như thế này xảy ra sau này.

“Trẻ con cần phải để ý mọi người xung quanh và ý thức được cách chúng ứng xử có thể ảnh hưởng người khác như thế nào,” Eberly nói.

“Điều này thuộc về phép xã giao nơi công cộng. Tất nhiên, có nhiều điều luật cho phép chúng ta làm gì và cấm làm gì nơi công cộng, nhưng ta cũng phải làm công dân tốt nữa. Nếu bạn đi trên vỉa hè hay trong khu mua sắm, hoặc khi ai đó tiến về phía bạn, bạn nên tránh về bên phải và tạo lối đi cho họ.”
Để dạy con học điều này, Eberly gợi ý nên dựng lại tình huống, cho con xem bạn làm thế nào khi có người đi ngược chiều trên vỉa hè, khi bạn muốn đi tới chỗ ghế giữa thính phòng mà không làm phiền người khác và dẫm lên chân họ.

3. Tỏ lòng kính trọng với người lớn tuổi

Thật khó để một đứa trẻ mới sống được 10 năm trên đời có thể hiểu được, nhưng người lớn tuổi nên được tôn trọng vì họ đã sống lâu hơn, có nhiều kinh nghiệm hơn nên thông thái hơn. Sự thông thái là điều đáng được nể phục.
Hãy dạy con biết kính trọng người khác, đặc biệt là người cao tuổi.
Eberly cho rằng: “Trẻ con nên tỏ lòng kính trọng đối với bố mẹ, ông bà, thầy cô hoặc bất cứ người lớn nào khi ra ngoài đường. Một trong số các ví dụ mà chúng ta từng làm khi xưa là mỗi lần cả gia đình gặp mặt, chúng ta mời ông và bà dùng bữa trước. Đó là cách bày tỏ kính trọng với người cao tuổi. Trẻ con không nên nhào vào ăn chỉ bởi vì chúng đang đói ngấu.”
Để dạy trẻ học phép ứng xử này, Eberly thường dùng một tờ biểu đồ “Thám tử Mẹ” để mỗi khi cô nhìn thấy con cư xử đúng mực, cô sẽ đánh dấu một cái hoặc viết tên con.
“Chúng tôi có treo một tờ giấy trong phòng khách, và khi tôi phát hiện con mình tôn trọng người lớn tuổi hơn, tôi sẽ viết tên con lên đó. Mỗi lần đi qua chúng sẽ thấy và biết rằng “mẹ đã để ý thấy mình mở cửa cho giáo viên khi ở trường”. Tôi thậm chí còn không nói về điều đó, nhưng tôi vẫn cho con biết mình công nhận những việc làm của con.”
4. Chào khi có người đi vào hoặc đi ra khỏi phòng – kể cả bố mẹ
Bạn có thấy xấu hổ khi người ta đến nhà chơi và con bạn chỉ liếc nhìn vì quá bận tâm vào điều chúng đang làm và miệng thì lí nhí chào họ không?.
Eberly nói: “Việc chào hỏi người khác dù là người thân trong gia đình hay là khách khứa thì đều quan trọng. Trẻ con nên chào khách khi họ đến chơi nhà. Có thể bắt tay, thậm chí ôm và sau đó chúng có thể quay trở lại việc chúng đang làm nếu như đó thực sự là một cuộc gặp mặt dành riêng cho người lớn.”
Eberly gợi ý bố mẹ có thể hỏi con sau khi khách về rằng đầu tóc hoặc trang phục của vị khách như thế nào để lần sau con chú ý đến họ thay vì mỗi bản thân mình.
Chào hỏi khách đến một cách to rõ ràng cũng là một trong số những phép tắc con cần học.

“Nếu con bạn hay ngại, hãy giúp chúng có gì đó để để tâm đến chứ không phải lo lắng vì sự ngại ngùng của mình khi chào hỏi người khác”.

Cách chào hỏi lễ phép cũng phải áp dụng cho bố mẹ nữa. Eberly phân tích: “Trẻ con không thích bị kêu làm việc nhà ngay khi chúng từ trường về, nên chúng cũng phải hiểu cho bố mẹ. Chúng thích được chào đón chứ không phải bị kêu ca phàn nàn, vì thế chúng cũng nên chào bố mẹ khi họ vừa về nhà và cho họ nghỉ ngơi một chút thay vì gây ồn ào hoặc tấn công họ bằng hàng loạt đòi hỏi.
Trẻ con nên biến ngôi nhà thành nơi khiến bố mẹ cảm thấy mình được chào đón mỗi khi trở về.”
5. Nhớ tên người khác
Có bao giờ con bạn khoe với bạn đầy tự hào rằng mình vừa có bạn mới, nhưng khi bạn hỏi tên người bạn là gì, con bạn lại không nhớ?

“Người ta thích được gọi tên, và họ muốn nó phải được đọc đúng. Vì thế một trong số những việc chúng ta nên tập cho con là các cách để nhớ một cái tên. Bạn có thể tạo vần cho cái tên đó để giúp con nhớ lâu hơn.”

Bên cạnh đó, nhắc con sử dụng cái tên đó ngay sau khi nghe chẳng hạn như “Rất vui được gặp cậu, Lan.” Càng dùng nhiều lần, con bạn càng nhớ tên tốt hơn.
6. Đổi chủ đề nói chuyện một cách lịch sự
Đúng là có nhiều lúc bạn phải nghe người khác kể về những điều rất tẻ nhạt, nhưng biết cách chuyển hướng đề tài một cách đúng mực cũng là một kĩ năng giúp ích cho con bạn trong cuộc đời về sau.
Emily lưu ý: “Nếu có lúc cần phải thay đổi chủ đề , và nếu trước đó hai người đã bàn tán kha khá về chủ đề mà người kia nêu lên, thì sẽ rất hay nếu nói một câu nào đó để chấm dứt chủ đề kia và bắt đầu chủ đề mới bạn muốn nói đến. Chẳng hạn, bạn có thể dạy con biết cách nói: “Tớ vui vì cậu cũng thích bộ phim đó. Hi vọng tớ sẽ được xem nó sớm. Nhân tiện nói về giải trí, tớ đã kể cậu về chuyến đi chơi của gia đình tớ chưa?”
7. Không được chỉ trỏ hoặc nhìn chằm chằm vào người khác
Với bản tính tò mò, trẻ em có thể làm người khác cảm thấy không thoải mái.

Eberly viết: “Chúng ta thường dạy con rằng nếu con đang đứng cạnh một người khi nói chuyện với họ, con cần tránh đụng chạm thể xác với họ, nhưng tôi nghĩ con chúng ta cũng cần phải để ý thế giới cảm xúc của họ nữa.

Nói với con rằng không được nhìn chằm chằm vào người khác, cũng đừng chỉ trỏ trừ phi đang chỉ đường. Hỏi con chúng sẽ cảm thấy sao nếu có người làm thế với chúng.”
Eberly chia sẻ một trong số những quy tắc quan trọng nhất trong phép xã giao bao gồm quy tắc vàng – đối xử với người khác theo cách bạn muốn được đối xử; xa hơn nữa là quy tắc bạch kim – đối xử với người khác theo cách họ muốn được đối xử.
“Tức là phải hiểu rằng mỗi người chúng ta lại có những trải nghiệm và cảm xúc khác nhau, và nghĩ xem làm sao mình có thể đặt mình vào địa vị của người ta để hiểu được điều gì sẽ khiến họ cảm thấy được tôn trọng.”
8. Biết quan tâm và đối xử tốt với những người bị khuyết tật
Trẻ con vốn tò mò về mọi thứ trên thế giới, và việc nhìn thấy một người bị khuyết tật có thể khiến chúng nhìn chòng chọc vào họ hoặc hỏi to những câu hỏi ngô nghê về họ khiến bạn phát ngượng. Nếu điều đó xảy ra, bạn hãy xin lỗi họ, điều đó sẽ ra hiệu cho con bạn hiểu tí nữa bạn có điều cần nói với chúng.
“Có nhiều điều cần phải học ở đây. Cũng như nhiều phép lịch sự khác, quan trọng là phải đặt bản thân mình trong hoàn cảnh của người khác và tưởng tượng tâm tư của họ như thế nào. Bạn thậm chí có thể luyện tập điều đó bằng cách bịt mắt mình trong 1 tiếng hoặc đeo tai nghe cả buổi và xem xem cuộc đời của bạn thay đổi như thế nào. Bạn cũng có thể lên mạng và đọc về cách người khác muốn được đối xử, bởi vì những điều này nhìn bề ngoài thì không thể biết rõ hoàn toàn được. Phải nhớ là họ cũng giống như bạn; họ muốn được hòa nhập. Họ cũng là con người.”
9. Làm một người khách lịch sự
Có thể bạn đã phải nhiều lần nói chuyện với con về việc nhắc con dọn dẹp đồ chơi khi đến nhà bạn chơi và không được vùng vằng khi đến giờ về nhà. Tuy nhiên, để trở thành một người khách biết cách cư xử cần nhiều hơn thế.
Bố mẹ nên giúp con trở thành một vị khách nhí lịch sự mỗi khi đến chơi nhà người khác.
“Hãy dạy chúng biết cách thuận theo lối sống và thói quen của gia đình người ta. Nếu họ không vừa ăn trong phòng khách vừa xem ti vi, thì cũng không được mè nheo. Bên cạnh đó, trẻ con cũng nên học cách thể hiện ý muốn của mình. Khi được hỏi “Cháu muốn uống gì?”, có đứa có thể trả lời “Chả quan trọng,” hoặc “Gì cũng được”. Nhưng người chủ nhà hẳn sẽ thấy dễ chịu hơn nếu nhận được câu “Cho cháu xin nước chanh ạ.”
Hãy cảm ơn họ vì đã mời bạn đến nhà và bày tỏ niềm vui khi được ăn tối cùng họ, hoặc chỉ đơn giản là được đến thăm nhà họ thôi. Nói những lời ấm áp cho bạn bè cũng là một việc làm tốt.”
(Nguồn: Parenting)

Leave a Reply

Or