7 thắc mắc thường gặp khi chăm bé sơ sinh

 

Chăm bé sơ sinh có lẽ là “nhiệm vụ” khó khăn nhất trong số những công viêc mà các ông bố, bà mẹ trải qua trong cuộc đời của mình. Rất nhiều nỗi lo lắng và những thắc mắc không ngừng nảy sinh thông qua các tình huống thực tế mà bố mẹ gặp phải trong quá trình chăm sóc con

Thắc mắc khi chăm bé sơ sinh

Chăm bé sơ sinh, mẹ trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc và quá trình này không phải chỉ toàn màu hồng hạnh phúc

1/ Những đêm mất ngủ sẽ dài vô tận?

Phải thức đêm và thường xuyên ở trong tình trạng thiếu ngủ là điều mà hầu hết các bà mẹ mới sinh đều trải qua. Việc các bé sơ sinh khóc đêm, thức giấc vào ban đêm là điều vô cùng bình thường và phổ biến. Nhưng tình trạng này thường không diễn ra trong ngày một ngày hai mà có thể kéo dài hàng tháng trời. Đây là điều đầu tiên khiến các mẹ “vỡ mộng” khi chăm bé sơ sinh. Hóa ra mọi thứ không hề ngọt ngào như trong tưởng tượng!

Lời khuyên cho mẹ: Để đảm bảo giấc ngủ, hãy ngủ bất kỳ khi nào bé ngủ. Cách này giúp mẹ duy trì được năng lượng và sức lực. Đối với tình trạng thức đêm, mẹ cần biết rằng, hầu hết các bé có thể ngủ xuyên đêm từ tháng thứ tư, hãy kiên nhẫn chờ đợi. Ngoài ra, đừng quên thử các bước như tắm nước ấm, quấn khăn, cho bé nằm nghiêng, rì rầm hoặc hát ru, cho bé bú, đây là một chuỗi các hoạt động giúp bé nhận ra rằng, đã đến giờ đi ngủ.

2/ Tôi có nên cho bé uống thêm sữa bột để bé ngủ ngon hơn?

Kinh nghiệm này được nhiều bà mẹ áp dụng thành công, nhưng không có nghĩa rằng nó cũng sẽ đúng với bé cưng của bạn. Khi chăm bé sơ sinh, điều quan trọng nhất là mẹ cần lắng nghe bé, hiểu rõ nhu cầu và vấn đề của riêng bé. Nếu bé thực sự đói bụng và không thể ngủ ngon vì lý do này, tăng lượng sữa cho bé bú là cách hiệu quả nhất. Những dấu hiệu đói bụng bao gồm: há miệng và quay đầu liến thoắng sang hai bên, cho tay vào miệng, bé tìm cách “tóm” lấy tay mẹ khi mẹ gãi nhẹ vào hai bên má bé.

Nhưng bé sơ sinh có thể quấy khóc vì rất nhiều lý do như tã ướt, hăm tã, đầy bụng, muốn mẹ bế… Mẹ cần học cách phân biệt các kiểu khóc khác nhau của con và thử đưa ra phán đoán cũng như cách xử lý cho từng trường hợp.

 

3/ Khi nào cần tắm bé và có cần tắm thường xuyên không?

Thực ra, bé sơ sinh không cần được tắm hàng ngày như người lớn. Việc tắm quá nhiều thậm chí còn khiến da bé bị khô và dễ bị tróc. Mẹ nên tắm bé khoảng 3 lần mỗi tuần và nên nên sử dụng sữa dưỡng ẩm dành riêng cho da em bé để giúp bé chống khô da. Mẹ có thể tắm bé vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày, nhưng cần đảm bảo giữ ấm cho bé.

4/ Liệu việc đi tiêu của bé có bất thường?

Nhiều bà mẹ không phân biệt được khi nào trẻ sơ sinh bị tiêu chảy và khi nào là bình thường. Đối với các bé đang bú mẹ hoàn toàn, phân sẽ có màu vàng và khá lỏng, không nặng mùi. Các bé bú sữa công thức thì phân sẽ có màu tối, đặc hơn và hơi nặng mùi hơn. Khi mẹ bắt đầu cho bé làm quen với các loại thực phẩm khác thì phân bé cũng sẽ thay đổi màu sắc và cấu trúc. Phân sẽ đặc hơn, có màu từ vàng đến nâu, xanh sậm hoặc nhạt. Những trường hợp bất thường bao gồm: phân có rất nhiều nước và bé đi tiêu liên tục nhiều lần trong ngày, phân có lẫn máu, phân màu trắng hoặc đen.

5/ Liệu bé con có bú đủ sữa?

Đây là mối băn khoăn thường trực nhất của những người nuôi con bằng sữa mẹ trong quá trình chăm bé sơ sinh. Việc cho bé bú sữa mẹ có rất nhiều lợi ích:

  • Sữa mẹ hoàn toàn miễn phí và được cơ thể mẹ sản xuất theo nhu cầu của bé
  • Sữa mẹ, đặc biệt là sữa non trong những ngày đầu mang lại những kháng thể cần thiết cho bé. Không loại sữa nào khác có thể thay thế được.
  • Sữa mẹ có thành phần dinh dưỡng cân bằng và thích hợp nhất với sự phát triển của trẻ.
  • Mẹ có thể cho bé bú mọi lúc, mọi nơi mà không cần phải trang bị bất cứ dụng cụ nào như bình sữa hay cốc, thìa…

Để biết bé có bú đủ hay không, mẹ chỉ cần theo dõi mức độ lên cân của bé và lượng tã ướt mà mẹ thay mỗi ngày. Trong các tháng đầu, nếu mỗi ngày mẹ đều đặn thay cho bé trung bình từ 6 đến 10 tã, bé đi ngoài khoảng 4 lần và hàng tháng bé đều tăng trên 600 gram, đó là dấu hiệu bé đã có đủ lượng sữa mẹ cần thiết.

6/ Tôi phải chờ đến khi bé đủ 6 tháng để bắt đầu ăn dặm?

Thực ra, nhiều bé đã bắt đầu ăn dặm sớm hơn, từ khi tròn 4 đến 5 tháng vì bé đã có những dấu hiệu sẵn sàng như: bé có thể giữ thẳng đầu, hoặc thậm chí đã biết ngồi, bé hào hứng khi thấy bố mẹ ăn thức ăn, bé vẫn đói bụng dù đã được bú mẹ đủ 8 đến 10 lần mỗi ngày.

7/ Sao bé không tương tác với mẹ?

Trong vài tuần đầu, bé vẫn chưa trải qua mốc phát triển quan trọng nào về trí tuệ. Tất cả các hoạt động của trẻ sơ sinh lúc này chỉ là ngủ, bú mẹ, đi “nặng”, đi “nhẹ” và nằm yên quan sát mọi thứ. Mẹ có cảm giác rằng mình đang nói một mình, chơi một mình và hát hò một mình, nhưng thật ra, bé đang chậm rãi thu nhận tất cả những hoạt động và thông tin đó. Việc thường xuyên ôm ấp, ẵm bồng và trò chuyện với bé hết sức quan trọng với sự phát triển khả năng tư duy và các cảm xúc của bé.

 Theo Marrybaby

Leave a Reply

Or