6 thắc mắc mẹ bầu mang song thai muốn biết

Tuy không cần ăn nhiều hơn thai phụ bình thường nhưng những mẹ bầu mang song thai lại có nguy cơ lớn hơn…

1. Tôi có nên ăn nhiều hơn những người mẹ mang đơn thai khác?

Bạn chỉ nên tuân thủ chế độ dinh dưỡng đa dạng và cân bằng. Điều này có lợi cho sức khỏe bản thân và sự phát triển toàn diện của hai bé trong bụng.

Việc ăn nhiều hoặc tiêu thụ khối lượng dinh dưỡng gấp đôi nhóm thai phụ bình thường là không cần thiết.

2. Cân nặng trung bình của mẹ khi mang đôi thai?

Nếu mang song thai, cân nặng trung bình của bạn tăng khoảng 16-20kg suốt thai kỳ. Bạn có thể đạt mức tăng cân 0,7kg/tuần, trong quý II và quý III.

3. Tôi có cần dùng viên vitamin bổ sung?

Trong 12 tuần lễ đầu tiên, bạn có thể sử dụng 400mg axit folic mỗi ngày (theo chỉ định của bác sĩ). Ngoài ra, bạn cũng nên dùng thêm viên sắt để ngăn ngừa chứng thiếu máu – một chứng bệnh rất dễ gặp khi mang đôi thai.

Cách đơn giản nhất là bạn sử dụng nhiều thực phẩm chứa sắt trong thực đơn hàng ngày. Bác sĩ sẽ là người quyết định trực tiếp liều lượng và cách dùng viên sắt cho thai phụ.

Với việc dùng viên bổ sung vitamin khác, bạn cũng nên tham khảo ý kiến bác sĩ cẩn thận.

6 thắc mắc mẹ bầu mang song thai muốn biết 1

4. Tôi có tăng nguy cơ sảy thai?

Nguy cơ sảy thai với người mẹ mang thai đôi cao hơn (đặc biệt trong quý I). Một số trường hợp, thai phụ có thể bị mất một bé (còn lại một bé).

5. Những nguy cơ khác khi mang song thai là gì?

– Cảm giác nôn và buồn nôn có thể tăng do hormone gia tăng; hàm lượng HCG cũng tăng khiến tình trạng nghén nhiều hơn.

– Ở giai đoạn đầu thai kỳ, mức hormone progesterone cao cũng có thể làm bạn xuất hiện tình trạng thở dốc, khó thở.

– Bạn cũng dễ bị táo bón hoặc phù chân hơn.

– Chuyển dạ sớm: Khoảng 50% số người mẹ mang song thai có dấu hiệu chuyển dạ trước tuần thứ 37.

– Tỷ lệ người mẹ mang song thai mắc chứng cao huyết áp, tiểu đường thai kỳ là 30% trong khi ở người mẹ bình thường con số này chưa tới 10%.

– Chứng tiền sản giật với thai phụ bình thường là khoảng 7%. Nhưng với người mẹ mang thai đôi, con số này có thể gấp 3 (lên tới 21%).

– Nguy cơ đứt nhau thai: Là tình trạng nhau thai tách ra khỏi thành tử cung trước khi chuyển dạ. Triệu chứng này sẽ tăng lên ở nhóm thai phụ mang thai đôi có chế độ dinh dưỡng nghèo nàn, nghiện thuốc lá hoặc lạm dụng rượu…

– Nhóm người mẹ mang song thai cũng dễ phải đối mặt với nguy cơ trầm cảm sau sinh. Tuy nhiên, điều này sẽ được hạn chế nếu bạn biết cách chăm sóc bản thân và các bé.

6. Có lưu ý gì đặc biệt cho người mẹ mang thai đôi?

– Bạn nên học cách cân bằng tâm lý. Việc mang 2 em bé khiến không ít người mẹ căng thẳng (vì khó khăn khi chăm nuôi hoặc cho rằng mình sẽ đau nhiều hơn trong quá trình chuyển dạ…)

Để giảm thiểu lo lắng, bạn nên tìm đọc những tài liệu về thai đôi. Phần lớn người mẹ mang song thai đều phải sinh mổ nhưng cũng có một số trường hợp sinh thường.

– Khi các bé ngày một lớn, bạn sẽ cảm thấy mệt nên cần nghỉ nhiều hơn. Bạn có thể tăng cân nhiều hơn nhóm thai phụ bình thường khác.

– Nên hỏi ý kiến bác sĩ về bất kỳ dấu hiệu trục trặc nào trong thai kỳ.

Nguồn: afamily

Leave a Reply

Or