6 câu bạn buộc phải hỏi sau mỗi khi con ra ngoài mà không có bố mẹ đi cùng

Để bảo đảm an toàn, và độ xác thực từng câu trả lời của con, tốt nhất bố mẹ chỉ nên hỏi khi không có người ngoài nào ở cùng.

Giao tiếp giữa người lớn và trẻ con không phải lúc nào cũng dễ dàng. Dù con trẻ hiểu biết nhiều hơn chúng ta mong đợi nhưng đôi khi, vốn từ vựng còn khá khiêm tốn con khó có thể giãi bày hết được. Thêm vào đó là những câu hỏi đôi khi mơ hồ, áp đặt trẻ và dường như khi đó chỉ có phép màu mới giúp bạn và con hiểu nhau mà thôi.
Vì thế, để con tin tưởng tuyệt đối và sẵn sàng chia sẻ mọi chuyện, kể cả vấn đề nhạy cảm như bị tấn công tình dục – chuyện hầu hết các bé đều giấu bố mẹ vì sợ bị la mắng hay không thấu hiểu, sự cảm thông, lắng nghe, tế nhị, chia sẻ với con là điều cực kì quan trọng. Bà mẹ trong câu chuyện dưới đây sẽ giúp bạn phần nào hiểu hơn về vấn đề này.
Tonya GJ Prince là chuyên gia giải quyết những vấn đề thường xảy ra trong đời sống gia đình như bạo hành, lạm dụng tình dục, đã có hơn 22 năm hoạt động. Bà đã kể câu chuyện của chính mình với mục đích kêu gọi các bậc phụ huynh nên biết cách lắng nghe và khơi gợi trẻ kể về mọi thứ đã xảy ra mỗi khi chúng đi chơi, dự tiệc sinh nhật mà không có bố mẹ đi cùng.
Tonya
Tonya GJ Prince (Ảnh: FBNV)

Một ngày nọ con trai tôi được bạn mời đến nhà tham dự lễ hội Halloween. Để cho chơi vài giờ ở nhà bạn, tôi thong dong lái xe đến đón. Tôi có thể nhìn thấy nụ cười vui vẻ trên gương mặt con, dường như con đã rất thích thú với bữa tiệc. Trước khi quay ra xe trở về, tôi đã đứng trò chuyện với bố và bà của bạn con trai. Cả hai đều khen con tôi hết mực, những lời nói ấy cứ như tiếng nhạc du dương bên tai, khiến tôi “lên tận mây xanh”. Ơn trời! Không có chiến tranh, cũng chẳng có ăn vạ!

Tôi đưa đứa trẻ ngoan ngoãn của tôi ra xe với tâm trạng hân hoan khó tả. Nhưng khi bắt đầu lái xe, có gì đó khiến tôi khó chịu. Rồi bất chợt cảm giác ấy “hành hạ” tôi, đến mức tôi buộc phải tìm nơi đỗ xe lại. Những tiếng còi đinh tai từ phương tiện khác dường như chẳng còn quan trọng với tôi nữa. Đỗ xe an toàn, tôi buộc phải trò chuyện với con trai, bởi khi còn là đứa trẻ, tôi cũng từng trải qua chuyện tương tự như thế này.
Tôi nhớ lại cách mình bị người họ hàng tuổi vị thành niên lạm dụng tình dục như thế nào khi còn là một cô gái bé nhỏ. Và tôi bỗng nhớ những câu hỏi “ngây thơ” của mẹ khi đến đón tôi từ ngôi nhà của người họ hàng ấy: “Con có ngoan không? Con có lễ phép và trung thực không? Con cư xử phải phép chứ?”.
Khi hỏi những câu hỏi ấy, dường như mẹ không biết 3 điều này:
1. Người họ hàng tuổi vị thành niên ấy đã đe dọa tôi trước khi bà đến đón, và thậm chí còn đưa nắm đấm khi đứng sau lưng bà, với mục đích tiếp tục đe dọa tôi.
2. Những câu hỏi đó, đặc biệt khi được hỏi trước mặt kẻ đã lạm dụng tôi, chỉ củng cố một điều rằng tôi phải nghe lời người-đang-nhìn-tôi-đe-dọa, ngay cả khi mẹ tôi không có mặt.
3. Một khi tôi trả lời: “Có” cho những câu hỏi của mẹ, tôi chẳng thể nói được gì nữa về sau.
6 cau hoi
Hãy bày tỏ sự thấu hiểu, cảm thông để con trẻ dễ dàng trao đổi những vấn đề nhạy cảm. (Ảnh: hefty)

Vì thế, các bậc phụ huynh biết chăng, khi bạn hỏi về hành vi của con trước mặt người khác, chúng thường bị áp lực và sẽ trả lời một cách ngoan ngoãn: “Có”. Mỗi khi hỏi điều gì với con trẻ, chúng ta luôn muốn đặt mình ở vị thế cao hơn, rằng chúng ta có quyền hỏi bất kì lúc nào, ở đâu. Và đó là lí do tôi quyết định dừng xe lại, chỉ có hai mẹ con mà thôi. Tôi nhìn thẳng vào mắt con và hỏi:

– Con có vui khi chơi ở nhà bạn không?
– Con đã làm những gì tại buổi tiệc?
– Phần con thích nhất của buổi tiệc là gì?
– Phần con không thích của buổi tiệc là gì?
– Con có cảm thấy an toàn không?
– Có điều gì khác con muốn chia sẻ với mẹ không?
Hãy tập thói quen hỏi những câu hỏi thường xuyên, và quan trọng hơn hết, hãy tạo cho trẻ cảm nhận được sự tin tưởng, để con có thể chia sẻ bất kì điều gì với bạn.
Theo afamily

Leave a Reply

Or