5 cách đơn giản giúp con rèn luyện trí thông minh cảm xúc

Khả năng cảm nhận và kiểm soát cảm xúc là một dạng trí thông minh có thể rèn luyện để giúp con trẻ giữ được trạng thái cảm xúc lành mạnh, luôn cảm thấy hạnh phúc và dễ dàng thành công.

Trí tuệ cảm xúc là khả năng nhận dạng cảm xúc, hiểu được ý nghĩa của chúng và nhận ra tác động của chúng đối với những người xung quanh. Trí tuệ cảm xúc bao hàm cả việc nhận thức người khác. Khi bạn hiểu cảm xúc của mọi người, bạn sẽ kiểm soát các mối quan hệ hiệu quả hơn.

Mặc dù trí thông minh cảm xúc dường như là vô hình, rất khó để chúng ta có thể xác định chúng một cách rõ ràng, tuy nhiên, vẫn có cách để chúng ta có thể rèn luyện và phát triển trí thông minh cảm xúc, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ. Dưới đây sẽ là 5 cách đơn giản, không tốn công sức và thời gian chuẩn bị nhưng lại rất hiệu quả trong việc giúp trẻ học cách nhận diện cảm xúc của con người, tiền đề cho sự phát triển trí thông minh cảm xúc khi trẻ lớn lên.

1. Khi đọc truyện cho trẻ, bạn hãy nói với trẻ về tính cách, về cảm nhận của những nhân vật trong truyện. Thay vì chỉ đọc cho con nghe, bạn có thể chỉ vào gương mặt, biểu cảm của nhân vật trong truyện và hỏi trẻ rằng: “Bạn ấy đang cảm thấy như nào vậy con? Tại sao bạn ấy lại cảm thấy như thế hả con?”. Ví dụ: khi đọc truyện “Cô bé quàng khăn đỏ”, bạn hãy hỏi con về cảm giác của cô bé khi vào nhà bà, lật tấm chăn ra và thấy đó không phải là bà của cô bé mà lại là một con sói. Nếu con là cô bé quàng khăn đỏ thì con có thấy bất ngờ không, có thấy sợ không hay vì sao con lại sợ…?

5 cách đơn giản giúp con rèn luyện trí thông minh cảm xúc - Ảnh 1.

2. Cùng con chơi trò chơi biểu đạt cảm xúc. Lúc này, bạn và bé chỉ cần cùng nhau đi lại quanh phòng, vừa đi bạn vừa gọi tên một cảm xúc nào đó để bé làm theo. Ví dụ, khi bạn nói “buồn” thì bé sẽ phải làm động tác hoặc biểu hiện nét mặt để thể hiện rằng bé đang buồn. Khi bạn nói “vui” thì bé sẽ nở nụ cười thật tươi hoặc nhảy nhót phấn khích quanh phòng… Cứ như vậy, mỗi buổi bạn nên cố gắng giúp con biểu đạt càng nhiều trạng thái cảm xúc càng tốt.

3. Trò chơi với những biểu tượng cảm xúc. Trước khi bắt đầu chơi, bạn hãy làm cho con những gương mặt biểu hiện cảm xúc buồn, vui, giận dữ… bằng cách cắt chúng ra từ các tờ báo, tạp chí, hoặc tìm trên mạng rồi in và cắt ra cho con. Sau đó, bạn hãy cùng con học khám phá từng biểu tượng cảm xúc mà bạn tìm được.

5 cách đơn giản giúp con rèn luyện trí thông minh cảm xúc - Ảnh 2.

4. Những cuộc trò chuyện đơn giản xung quanh bàn ăn tối cũng có thể là công cụ giúp bạn dạy trẻ về những cảm xúc. Khi bạn chia sẻ về những niềm vui và khó khăn trong ngày của mình với trẻ, bạn có thể giải thích tình huống của bạn làm cho bạn cảm thấy như thế nào, và cách bạn xử lý những cảm xúc đó. Bạn cũng có thể gợi ý để trẻ nói về những niềm vui, nỗi buồn trong ngày của trẻ. Nếu chúng dường như đang bị kẹt trong một cảm xúc tiêu cực nào đó, bạn hãy giúp chúng vượt qua bằng cách tích cực lắng nghe và thể hiện sự đồng cảm, sau đó chia sẻ thời gian khi bạn cảm thấy tương tự và những gì bạn đã làm với cảm xúc tiêu cực đó.

5. Hãy cùng con trơi đóng kịch. Dựa theo những câu chuyện bạn đã kể cho con nghe, bạn hãy để con hoá thân thành các nhân vật và biểu đạt cảm xúc và cá tính như trong chuyện của các nhân vật. Từ đó, trẻ cũng sẽ học được cách để cảm nhận các cảm xúc tốt hơn.

 Theo afamily

Leave a Reply

Or