5 bệnh nguy cơ tử vong cao ở trẻ em

Theo báo cáo mới đây của Tổ chức Y tế thế giới, cứ 10 trẻ tử vong ở các quốc gia đang phát triển thì có tới 7 em thiệt mạng vì một trong những căn bệnh sau.
Viêm phổi
Chỉ riêng năm 2011 có khoảng 1,3 triệu trẻ em bị tử vong do viêm phổi chiếm 1/5 ca tử vong ở trẻ em trên toàn thế giới. Theo Phó Đại diện UNICEF tại Việt Nam – Ông Jesper Moller cho biết, theo nghiên cứu, mỗi ngày có khoảng 11 trẻ em dưới 5 tuổi tử vong do viêm phổi. Đây là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu đối với trẻ em ở Việt Nam.

5 bệnh nguy cơ cao gây tử vong ở trẻ em

Cha mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để được các bác sĩ can thiệp kịp thời khi nghi ngờ trẻ mắc bệnh. Ảnh minh họa

Phần lớn các ca viêm phổi đều có thể được chữa trị hiệu quả bằng kháng sinh giá rẻ, song vấn đề ở đây là một khi đã nhiễm bệnh, trẻ nhỏ thường không thể chống đỡ lâu. Do đó, cần phải điều trị khẩn cấp ngay khi phát hiện ra các triệu chứng điển hình như thở gấp và co rút lồng ngực.
Tiêu chảy

Theo báo cáo của UNICEF tháng 6, 2012 với tiêu đề viêm phổi và tiêu chảy là hai căn bệnh gây tử vong nhiều nhất ở nhóm trẻ em nghèo nhất trên thế giới. Ở Việt Nam, tỉ lệ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi giảm đáng kể nhưng viêm phổi và tiêu chảy vẫn là hai nguyên chính gây tử vong ở trẻ em, chiếm 12 % và 10% tổng số tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi.

Tuy nhiên, một biện pháp phòng bệnh rất hữu ích chính là rửa tay với xà phòng. Các siêu vi trùng thường gây bệnh tiêu chảy là siêu vi rota và vi khuẩn E.coli, có mặt hầu hết ở các nơi dơ bẩn và trong thức ăn thiếu vệ sinh. Tiêu chảy cấp là dạng phổ biến nhất, song có thể được điều trị đơn giản bằng cách bổ sung nước và muối khoáng. Trong trường hợp bị kiết lỵ (xuất hiện máu trong phân) thì cần cho trẻ uống thêm kháng sinh.

Biện pháp được coi là “vaxin tự thân” này có thể làm giảm 47% các bệnh liên quan đến tiêu chảy và giảm 34% các bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp. PGS.TS. Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường – Bộ Y tế cho biết, cùng với những điều kiện thuận lợi khác, Việt Nam sẽ tăng tỷ lệ rửa tay với xà phòng lên 5% mỗi năm.

Bệnh sởi

Mặc dù đã được kiểm soát bằng các chương trình tiêm chủng, song bệnh sởi vẫn là nỗi kinh hoàng cho gần 40 triệu trẻ em. Mỗi năm, bệnh lấy đi 80.000 sinh mạng yếu ớt chưa bước qua sinh nhật lần thứ 6. Trẻ nhỏ bị sởi thường kèm theo bệnh viêm đường hô hấp cấp, tiêu chảy và suy dinh dưỡng. Những em may mắn sống sót thì rất dễ bị các chứng viêm nhiễm nguy hiểm khác sau này.

 

Bệnh Kawasaki

Mỗi năm Bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp nhận khoảng 100 bệnh nhi đến điều trị bệnh Kawasaki, trong đó có gần 50% trường hợp nhập viện trễ. “Kawasaki là một bệnh lý nguy hiểm, nhưng nhiều phụ huynh do thiếu thông tin, chủ quan hoặc nhân viên y tế không chẩn đoán ra bệnh, khiến người bệnh gặp nhiều biến chứng. Nguy hiểm nhất là biến chứng làm viêm tắc và giãn mạch vành, có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim, gây đột tử” – PGS-TS Vũ Minh Phúc – Trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cảnh báo.

Cho đến nay, nguyên nhân của bệnh Kawasaki vẫn chưa được xác định. Bệnh có thể gặp ở bất kỳ tuổi nào nhưng thường gặp ở trẻ từ hai tháng đến dưới ba tuổi (80% bệnh nhân Kawasaki là trẻ nhỏ).

Biểu hiện ban đầu là sốt rất cao, không thể hạ sốt bằng thuốc. Khoảng hai ngày sau, bệnh nhi bắt đầu có triệu chứng trên da và niêm mạc. Da nổi mẩn đỏ với nhiều hình dạng. Ở niêm mạc môi thì đỏ tươi, nứt nẻ và chảy máu; kết mạc đỏ và khô chứ không chảy nước mắt giống như bị cảm thông thường; niêm mạc miệng bị lở loét, gai lưỡi nổi hột. Vùng da hậu môn có thể bong tróc. Bệnh nhân có thể bị bong da ở đầu móng tay chân, hạch cổ sưng to (thường gặp bên trái).

Ngoài ra còn có các triệu chứng đi kèm như: tiêu chảy, ói mửa, ho, sổ mũi; có thể có triệu chứng co giật. Triệu chứng ít gặp hơn là khớp bị sưng. Biến chứng ở tim dù hiếm gặp nhưng lại rất nguy hiểm, bởi trẻ có thể bị viêm cơ tim, tổn thương mạch máu chính để nuôi tim (mạch vành), làm tắc và giãn mạch vành, cơ tim hoại tử và có biểu hiện nhồi máu cơ tim.

Thông thường khi thấy con bị sốt, phụ huynh hay có tâm lý đưa con đến khám tại các phòng khám đa khoa gần nhà. Bệnh Kawasaki rất khó chẩn đoán chính xác do những biểu hiện lâm sàng na ná bệnh sốt xuất huyết hay viêm phế quản. Do chưa tìm được nguyên nhân nên việc chẩn đoán bệnh vẫn là dựa trên những tổn thương bên ngoài. Để chẩn đoán trẻ có bị bệnh Kawasaki hay không, phải dựa vào các yếu tố: sốt cao kéo dài trên năm ngày, kèm với một số triệu chứng kể trên; có bất thường động mạch vành khi siêu âm tim 2D hoặc chụp mạch vành (nếu có).

“Phụ huynh không được chủ quan bởi nếu không được điều trị trước 10 ngày kể từ lúc phát bệnh, biến chứng ở tim của bệnh Kawasaki rất nguy hiểm” – PGS-TS Minh Phúc nói.

Bệnh chân- tay-miệng

Bệnh chân – tay – miệng là bệnh truyền nhiễm có thể gây thành dịch. Bênh xảy ra quanh năm nhưng thường hay gặp vào mùa hè, mùa thu. Bệnh chủ yếu xảy ra với trẻ em dưới 10 tuổi, cũng có thể gặp ở cả người lớn. Mọi người đều có nguy cơ nhiễm bệnh, nhưng không phải ai nhiễm cũng phát bệnh. Trẻ nhỏ, trẻ em và thiếu niên rất dễ nhiễm và rất dễ phát bệnh vì chúng có ít kháng thể.

Bệnh do virut thuộc nhóm enteroviruses (vi trùng đường ruột) gây ra. Bệnh lây từ người sang người do tiếp xúc trực tiếp với nước mũi, nước bọt, mụn, phân của người nhiễm. Tuần đầu tiên của người bệnh dễ lây sang người khác.

Khi bị nhiễm virut bệnh thường ủ từ 3- 5 ngày. Biểu hiện sớm nhất của bệnh là sốt nhẹ, chán ăn, mệt mỏi. Đặc biệt bệnh rất dễ nhầm với các bệnh khác như viêm da bọng nước, thủy đậu. Trong 1-2 ngày có nốt hồng ban đường kính vài milimet nổi trên nền da, sau đó trở thành bọng nước thường xuất hiện ở lòng bàn tay, cẳng tay, lòng bàn chân, cẳng chân. Ở miệng có dạng vết loét, thường ở trong miệng, ở trên lưỡi hay ở vòm miệng làm trẻ nuốt đau.

Trong giai đoạn diễn biến, khi virut gây bệnh xâm nhập hệ thần kinh trung ương, sẽ xuất hiện triệu chứng rối loạn tri giác, như lơ mơ, li bì mê sảng hay co giật. Nếu được điều trị kịp thời sẽ phục hồi nhanh nhưng sau đó vẫn còn những rối loạn tâm thần kinh kéo dài. Nếu không được điều trị bệnh cũng có thể ảnh hưởng đến tính mạng.

theo: mecon

19 thoughts on “5 bệnh nguy cơ tử vong cao ở trẻ em

Leave a Reply

Or